Các nước Đông Nam Á đang vật lộn với dịch COVID-19
Chính phủ các nước Đông Nam Á đang thực hiện chiến lược vừa tích cực ngăn nhiễm vừa đẩy nhanh tiêm vaccine để đẩy lùi dịch, trong bối cảnh dịch ở khu vực này ngày càng báo động.
Đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp ở khu vực Đông Nam Á. Theo trang thống kê Worldometer, tính đến ngày 31-5, tổng số ca nhiễm ở 11 nước khu vực đã lên hơn 4 triệu, trong đó khoảng 79.000 người đã chết. Các điểm nóng là Indonesia, Philippines và Thái Lan; số bệnh nhân mới mỗi ngày ở ba nước này gần đây đều vượt mốc 5.000.
171 triệu là tổng số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận trên toàn cầu, theo trang thống kê Worldometer tính đến ngày 31-5. Trong số này, số trường hợp tử vong là 3,5 triệu. Hiện dịch đã lây lan sang 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn
Dù lượng nhiễm và tử vong ở Đông Nam Á đáng ngại như vậy nhưng giới chuyên gia vẫn cho rằng con số thực sự có thể cao hơn vì nhiều lý do khác nhau, theo tờ The Straits Times. Chẳng hạn, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chính trị từ tháng 2 đến nay, Myanmar hiện không cập nhật số người nhiễm COVID-19 hằng ngày nghiêm ngặt như trước.
“Khi nói đến số ca nhiễm COVID-19, Thái Lan và Malaysia sẽ đứng đầu vì hai nước này có năng lực xét nghiệm cao và hệ thống y tế tốt so với các nước khác trong khu vực. Với Campuchia, Lào và Myanmar, hệ thống y tế của họ không phát triển như vậy. Do đó, số ca nhiễm ngày càng tăng ở những nước này là một vấn đề đáng lo ngại vì không thể biết chính xác độ nghiêm trọng của nó” - điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) Abhishek Rimal nhận định.
Đáng lo hơn, nhiều chuyên gia cảnh báo tình hình dịch ở Đông Nam Á có thể sẽ diễn biến tương tự những gì ở Ấn Độ và Nepal nếu các nước không kịp thời kiểm soát dịch. Trước tình cảnh phải chịu nhiều hạn chế và thiệt hại kinh tế trong thời gian dài, có tình trạng người dân nhiều nước đã bắt đầu lơ là, không tự giác chấp hành các quy định y tế về phòng chống dịch COVID-19.
Đơn cử, trong mùa lễ hội Hồi giáo Hari Raya Aidilfitri ở Malaysia hồi tháng 5, hàng ngàn người đã di chuyển giữa các bang bất chấp các quy định cấm đi lại đã khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Một dự báo khác liên quan tới Indonesia thì cho rằng nước này có thể chứng kiến số ca nhiễm mỗi ngày tăng vọt lên đến 8.000 vào giữa tháng 6 này khi khoảng 2,6 triệu người trở về các TP lớn sau lễ Hari Raya Aidilfitri (cả Indonesia và Malaysia đều có tín đồ Hồi giáo chiếm số đông).
Nhân viên y tế tại một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở thủ đô Manila (Philippines) ngày 7-5. Ảnh: REUTERS
Lãnh đạo các nước gấp rút hành động
Trong bối cảnh này, chính phủ nhiều nước đang đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng cũng như nhanh chóng cấp phép mua vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, một báo cáo của Công ty tư vấn kinh tế The Economist Intelligence Unit (Anh) cho rằng với tiềm lực khác nhau của mỗi nước thì phải ít nhất tới cuối năm 2022, các nước Đông Nam Á mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Ở Thái Lan, hiện chỉ mới khoảng 3 triệu người, tương đương 4% dân số được tiêm vaccine, chủ yếu là hai loại Sinovac (Trung Quốc) và AstraZeneca (Anh - Thụy Điển). Theo tuyên bố của chính quyền Bangkok, phải đến tháng 6 thì mới nhập đủ lượng vaccine từ phía sản xuất để tiêm chủng đại trà, tiến tới mục tiêu 70% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine trước tháng 12.
Malaysia hiện đã tiêm được cho khoảng 1,9 triệu người, tương đương 6% dân số. Theo trang thống kê Our World in Data, so với hai tuần trước, Malaysia thời điểm hiện tại đã tăng gấp ba lượng vaccine được triển khai trung bình trong bảy ngày. Thủ tướng Muhyiddin Yassin mới đây tuyên bố khoảng 80% dân số Malaysia có thể sẽ được tiêm phòng trước cuối năm nay.
Bên cạnh tiêm chủng, Malaysia nổi lên trong khu vực là nước mạnh tay áp dụng nhiều biện pháp chặn dịch khắt khe, cụ thể nước này giãn cách xã hội toàn quốc từ ngày 1-6 (giờ địa phương) đến 14-6. Theo đó, nước này sẽ đóng cửa tất cả trung tâm mua sắm và cấm tất cả hoạt động sản xuất, dịch vụ không thiết yếu như giải trí, làm đẹp và thể thao. Các doanh nghiệp khác sẽ được phép hoạt động nhưng chỉ trong khung giờ từ 8 giờ đến 20 giờ.
Một nước có cách tiếp cận tương đối khác với phần lớn khu vực là Singapore. Trong bài phát biểu trước toàn dân ngày 31-5, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh chiến lược phòng chống đại dịch COVID-19 tại Singapore sẽ liên tục được điều chỉnh để đối phó với sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm của chủng gốc virus SARS-CoV-2, theo kênh Channel News Asia. Trong thời gian tới, chiến lược của Singapore sẽ bao gồm tập trung thực hiện nhanh hơn và mạnh mẽ hơn ba biện pháp chính gồm tăng tốc xét nghiệm, tăng cường truy dấu nguồn lây và mở rộng tiêm vaccine.
Singapore cũng sẽ mở rộng diện cách ly tới những người tiếp xúc gần với ca nhiễm COVID-19. Theo đó, một người được xác định có tiếp xúc gần với ca nhiễm COVID-19 sẽ được cách ly ngay lập tức, đồng thời người thân trong gia đình cũng sẽ được thông báo tự cách ly ngay mà không cần chờ kết quả xét nghiệm của người này.
Our World in Data hiện xếp Singapore vào nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỉ lệ dân số được tiêm chủng với 36,11%, tương đương khoảng 1,8 triệu người. Những người có nguy cơ lây nhiễm cao (nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch) và hầu hết người dân từ 45 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Bắt đầu từ ngày 1-6, Singapore sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh, sinh viên. Sau đó, khoảng giữa tháng 6, những người 39 tuổi trở xuống bắt đầu có thể đăng ký tiêm vaccine.
Chuyên gia Mỹ tiếp tục kêu gọi mở điều tra nguồn gốc COVID-19 Ngày 30-5, đài NBC News dẫn lời hai chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh thế giới cần sự hợp tác của chính phủ Trung Quốc để tìm ra nguồn gốc của virus gây dịch COVID-19 và ngăn chặn các mối đe dọa tương tự trong tương lai. “Việc không tìm ra được nguồn gốc dịch COVID-19 khiến thế giới có nguy cơ gặp phải đại dịch trong tương lai. Sẽ có COVID-26 và COVID-32, trừ khi chúng ta hiểu đầy đủ về nguồn gốc dịch COVID-19” - đồng Giám đốc Trung tâm phát triển vaccine của BV Nhi đồng Texas, GS Peter Hotez khẳng định. Chuyên gia còn lại là ủy viên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), ông Scott Gottlieb. Ông cho rằng: “Thông tin chứng minh giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc ngày càng nhiều hơn. Trung Quốc không cung cấp được bằng chứng để bác bỏ giả thuyết đó và cuộc điều tra virus SARS-CoV-2 lây lan từ động vật hoang dã sang người cũng không mang lại kết quả gì đáng kể”. Ông gợi ý nên cho phép các nhà khoa học tiến hành cuộc điều tra lâu dài ở Trung Quốc, lấy mẫu máu từ người và động vật. Theo đó, Mỹ cần gây áp lực đối với Trung Quốc, bao gồm đe dọa trừng phạt kinh tế để Bắc Kinh cho phép mở điều tra. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các bệnh viện ở quốc gia Đông Nam Á này đang quá tải vì số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tăng đột biến.