Các nước đang tiêm chủng thế nào và tình hình dịch ra sao?
Các nước dù ở Tây hay Đông đều đang trong tình trạng chung: Dịch đang diễn biến xấu và phức tạp vì biến thể Delta, dù sử dụng đa số vaccine loại nào trong tiêm chủng.
Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn thế giới, hàng loạt quốc gia, khu vực lâm vào cảnh khốn đốn khi xuất hiện thêm nhiều biến thể mới động lực mạnh hơn và lây lan nhanh hơn.
“Vaccine của TQ đang cứu sống người dân ở nhiều nước. Cũng giống như AstraZeneca hay Johnson & Johnson, vaccine của TQ dù không hoàn hảo nhưng có hiệu quả. Ở những nơi mà người dân không có lựa chọn nào khác ngoài Sinovac thì trước hết vẫn nên tiêm vaccine của Sinovac” - TS JIN DONG-YAN, nhà virus học tại ĐH Hong Kong. Theo ông, vaccine của Sinovac rất an toàn, dù không bằng các vaccine mRNA khác nhưng nó vẫn đủ hiệu quả theo tiêu chuẩn của WHO. |
Biến thể Delta càn quét Tây sang Đông
Từ Tây sang Đông, các nước đều đang gồng mình trước đại dịch, do sức tấn công đáng gờm của biến thể Delta.
Tại Mỹ, sau một thời gian dịch bệnh có phần lắng xuống nhờ độ phủ sóng tiêm chủng khá rộng, từ khoảng hai tháng nay dịch có chiều hướng xấu trở lại, khi người dân tăng di chuyển trong mùa hè cộng với tốc độ tiêm chủng ở nước này dần chậm lại. Hiện Mỹ mỗi ngày ghi nhận tầm 50.000-70.000 ca nhiễm và khoảng 300 người chết. Theo tờ The Times, các nhà khoa học tại ĐH Washington (Mỹ) dự báo từ tốc độ 70.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Mỹ rất có thể sẽ phải ghi nhận lên đến 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào giữa tháng 8. Với kịch bản này, chuyên gia dự đoán có thể sẽ có 1.500 ca tử vong mỗi ngày vào tháng 9 tới.
Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch năm ngoái và là châu lục đầu tiên trên thế giới ghi nhận 50 triệu ca nhiễm kể từ đầu dịch, chiếm 27% ca bệnh và 31% ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu, theo hãng tin Reuters. Hiện châu Âu cũng đang gặp nhiều thách thức với làn sóng lây nhiễm mới với các đợt bùng phát nguy hiểm chủ yếu do biến thể Delta. Chẳng hạn Anh thời điểm này mỗi ngày ghi nhận tới tầm 22.000 ca nhiễm và khoảng 140 người chết. Pháp đang trong làn sóng dịch thứ tư, với trên dưới 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tương tự, Đức cũng đang chứng kiến dịch dần quay trở lại vì biến thể Delta lan mạnh, sau vài tháng tạm lắng nhờ triển khai tiêm vaccine.
Đặc biệt dịch đang bùng mạnh tại Nga cũng vì biến thể Delta với hàng chục nghìn ca nhiễm mới và hàng trăm người chết mỗi ngày. Chẳng hạn chỉ trong ngày 3-8, Nga ghi nhận gần 22.600 ca nhiễm và 790 người chết, theo Tân Hoa xã.
Tình hình dịch ở các quốc gia châu Á cũng rất đáng ngại với độ “càn quét” của làn sóng biến thể Delta, theo Reuters. Các nước mà tình hình dịch được đánh giá đã ổn trong thời gian dài như Trung Quốc (TQ), Hàn Quốc, Nhật… thời gian gần đây liên tục báo động về diễn biến xấu lại của dịch.
Tại TQ tính đến ngày 3-8 đã có đến 17 tỉnh, vùng có ổ dịch cộng đồng, số ca nhiễm ghi nhận tăng liên tục mỗi ngày kể từ cuối tháng 7. Hàn Quốc đang chống chọi với làn sóng dịch thứ tư với gần 2.000 ca nhiễm mỗi ngày. Nhật thì hiện mỗi ngày ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm và đáng lo là chuyên gia dự báo nước này có thể phải ghi nhận mức 10.000 ca nhiễm mỗi ngày vào tháng 8, vì biến thể Delta lan quá mạnh. Tình hình này buộc chính phủ Nhật phải ra chủ trương hạn chế nhận người nhiễm nhập viện để dành giường bệnh cho các ca nặng.
Tại các nước Đông Nam Á, số ca nhiễm và tử vong vẫn đang liên tục tăng. Indonesia không chỉ là điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á mà còn là tâm dịch mới của châu Á với số người chết vượt qua mốc 100.000 vào ngày 4-8, theo Reuters. Đáng lo hơn hiện hằng ngày nước này vẫn ghi nhận hàng chục ngàn ca nhiễm và hàng ngàn người chết. Tình hình Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Campuchia và cả Việt Nam vẫn đang hết sức báo động. Hệ thống y tế nhiều nước rơi vào tình trạng quá tải, các lò thiêu hoạt động không ngừng vì số lượng người chết quá lớn. Đáng lưu ý, nước được đánh giá chống dịch tốt và đã công bố lộ trình sống chung với dịch là Singapore gần đây cũng chứng kiến làn sóng dịch nguy hiểm.
Lo sợ làn sóng dịch, người dân Indonesia tập trung chờ được tiêm vaccine. Ảnh: REUTERS
Các nước sử dụng vaccine thế nào?
Hiện có bảy loại vaccine chống COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp: Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson (Mỹ), AstraZeneca (Anh), Sputnik-V (Nga), Jansen (Bỉ, Hà Lan), Sinovac và Sinopharm (TQ).
Tại Mỹ, tính đến ngày 3-8, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết có khoảng 70% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 và có khoảng 49,7% dân số đã tiêm đủ hai liều. Các loại vaccine được Mỹ sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng toàn dân là của Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.
Tại châu Âu, có thể nói các quốc gia châu lục này rất nỗ lực triển khai tiêm chủng. Hiện không có nước nào ở châu Âu có tỉ lệ tiêm chủng dưới 3%. Chủ yếu các chính phủ châu Âu triển khai tiêm vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna.
Tại châu Á mà cụ thể các quốc gia Đông Nam Á gấp rút đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Theo dữ liệu từ trang Our World in Data (Anh), đến ngày 3-8, Singapore đã tiêm đủ hai liều cho 60,5% dân số với các loại vaccine chủ yếu là của Pfizer và Moderna.
Tỉ lệ này ở các nước Campuchia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Myanmar lần lượt là 30%, 22,5%, 8,4%, 5,7%, 2,8%. Vaccine được sử dụng chủ yếu trong chiến dịch tiêm chủng ở các nước này là của Sinopharm, Sinovac, dù có một phần nhỏ vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca.
Các thông tin trên cho thấy các nước dù ở Tây hay Đông đều đang trong tình trạng chung: Dịch đang diễn biến xấu và phức tạp vì biến thể Delta, dù sử dụng đa số vaccine loại nào cho chiến dịch tiêm chủng.
Để được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp, tất cả loại vaccine đều phải thông qua các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả theo quy định. Dù có sự khác nhau giữa các loại vaccine nhưng các chuyên gia vẫn khẳng định các loại vaccine được WHO phê duyệt và lưu hành hiện tại đều có hiệu quả trong việc chống COVID-19, ngăn chặn bệnh trở nặng và tử vong. Vì thế không riêng nước nào mà cả thế giới đang đồng loạt tăng tốc chiến dịch tiêm ngừa, phủ sóng tiêm chủng càng nhanh càng tốt với đa dạng vaccine để có thể ngăn chặn biến thể Delta và tiến tới dập được dịch.
Chuyên gia nói về vaccine Trung Quốc Giữa lúc dịch đang diễn biến xấu, việc tiêm vaccine là một biện pháp bảo vệ hữu hiệu tránh để bệnh diễn tiến nặng và tử vong. Tuy nhiên có một thực tế là một bộ phận không nhỏ người dân chưa có niềm tin vào độ an toàn và hiệu quả của vaccine TQ. Các thông tin về việc sử dụng vaccine TQ ở các nước, cũng như ý kiến chuyên gia phần nào giúp mang lại cái nhìn toàn cảnh hơn, giúp giải đáp băn khoăn về điều này. Tại Thái Lan hồi tháng 7, TS Sophon Iamsirithavorn, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh nước này, cho biết trong số khoảng 700.000 nhân viên y tế hầu hết đã được tiêm đầy đủ vaccine của Sinovac, chỉ có 880 người bị nhiễm (chỉ hơn 0,1%), theo tờ Bangkok Post. Uruguay tháng này cho biết vaccine của Sinovac đã giúp giảm 95% ca tử vong và 92% số ca nhập viện, ngoài ra còn giảm khoảng 60% ca nhiễm. Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập và Jordan, hiệu quả vaccine của Sinopharm trong việc ngăn nhiễm nằm ở mức 78%, hiệu quả ngăn ngừa nhập viện là 79%. Đầu tháng 6, WHO công bố kết quả thử nghiệm vaccine của Sinovac ở Brazil cho thấy vaccine có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh có triệu chứng ở mức 51%, ngăn ngừa 100% các ca trở nặng và nhập viện. Con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 84% và 100%, theo tờ The Conversation. |
Rất khó khăn để tìm một quy định phòng dịch có định nghĩa hoặc liệt kê rõ ràng đâu là các "hàng hóa thiết yếu".
Nguồn: [Link nguồn]