Các nước có xu hướng lập nhóm không Trung Quốc
Hàng loạt liên minh được lập ra trong thời gian gần đây đều vắng mặt Trung Quốc cho thấy hậu quả của các hành động thách thức trật tự hiện tại của Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trong kỳ thượng đỉnh G20 ở TP Osaka, Nhật Bản vào tháng 6-2019. Ảnh: Getty
Tờ South China Morning Post ngày 5-6 đưa tin một nhóm 18 nghị sĩ từ tám quốc gia phương Tây khác nhau đã cùng lên tiếng thành lập một liên minh hành động chung để “đưa ra một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc (TQ)” với tên gọi “Liên minh Quốc hội đa quốc gia về chính sách đối phó TQ” (IPAC).
Nhiều chuyên gia nhận định đây là biểu hiện mới nhất của xu hướng đề phòng, cô lập TQ ngày càng có sức ảnh hưởng trên bình diện quốc tế.
Trung Quốc đứng ngoài cuộc chơi chung
“Làm thế nào để phản ứng với nỗ lực tái định hình thế giới của chính quyền TQ chính là câu hỏi ngoại giao của thời đại chúng ta” - Thượng nghị sĩ Marco Rubio khẳng định. Ông cùng đồng nghiệp Robert Menendez là hai đại diện Mỹ tham gia thành lập IPAC.
Giải thích thêm mục tiêu của liên minh, tuyên bố chung của IPAC nhận định sự trỗi dậy của TQ là đe dọa hàng đầu đối với các giá trị tự do, dân chủ kiểu phương Tây. Quy mô của mối nguy này lớn đến mức vượt quá khả năng giải quyết của từng quốc gia đơn lẻ, do đó đòi hỏi các nước phải đoàn kết để vượt qua.
Không chỉ đối phó với TQ trên lĩnh vực chính trị, phương Tây cũng đang bắt đầu mở rộng hàng phòng thủ sang lĩnh vực công nghệ. Tờ The Times của Anh tuần qua tiết lộ London đang lên kế hoạch thành lập một liên minh, gọi là nhóm D10 để tìm giải pháp 5G thay thế, giảm phụ thuộc vào Tập đoàn Huawei. Thành viên D10 dự kiến bao gồm toàn bộ các nước nhóm bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) cùng ba quốc gia châu Á-Thái Bình Dương: Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Một liên minh khác gần đây cũng đẩy mạnh hoạt động là liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) gồm năm nước Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada. Giai đoạn dịch bệnh lan rộng, Ngũ Nhãn là nhóm đi đầu trong việc điều tra nguồn gốc COVID-19 ở TQ. Trong phản ứng trước việc TQ quyết định xây dựng luật an ninh Hong Kong, vẫn là các nước thuộc Ngũ Nhãn lên tiếng mạnh mẽ nhất.
Có thể thấy phương Tây đang dựng hàng rào phòng thủ TQ trên mọi lĩnh vực có khả năng bị hoặc đang bị TQ đe dọa với mức độ đoàn kết, đồng thuận cao hơn hẳn những năm về trước.
Tại sao Trung Quốc bị cô lập?
Lý giải cho xu hướng trên, đài CNN cho rằng phần lớn mối lo ngại về TQ xuất phát từ việc các nước suy giảm lòng tin vào cường quốc này. Đơn cử, Bắc Kinh dù liên tục tuyên bố không xâm phạm an ninh ở Biển Đông nhưng diễn biến ngoài thực địa lại cho thấy chính TQ mới là nguy cơ lớn nhất đối với trật tự khu vực. Những động thái của TQ về vấn đề Hong Kong thời gian qua cũng làm phương Tây lo ngại.
Phản ứng của Bắc Kinh trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 cũng là một lý do khác khiến nước này bị đánh giá là chưa sẵn sàng trở thành một cường quốc có trách nhiệm. TQ liên tục có hành động cản trở công tác điều tra, thu thập số liệu chính xác của cộng đồng quốc tế về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Điều này còn đi kèm với đường lối ngoại giao mới nhằm bảo vệ lợi ích và hình ảnh của TQ - chiến lược “Chiến Lang”.
Thông qua các phát ngôn và hành động vừa đe dọa cứng rắn, vừa mềm mỏng ve vuốt, Bắc Kinh kỳ vọng vừa giữ yên phản đối của quốc tế trước các sai phạm hay các động thái bành trướng của mình, vừa giữ vững được thông điệp nước này có thể thay thế Mỹ. Một ví dụ điển hình là TQ một mặt tăng cường viện trợ các nước chống dịch, mặt khác chỉ trích phương Tây tung tin đồn sai sự thật TQ phát tán virus.
Việc TQ tăng cường hiện đại hóa quân sự nhiều năm qua cũng là một nỗi lo thường trực của các phương Tây và đồng minh các nước này ở khu vực châu Á. Một TQ với tiềm lực quân sự quá lớn là một thế lực đủ sức tấn công và kiểm soát các khu vực trọng yếu như châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Cực hay châu Phi.
Mặt khác, TQ cũng đang hợp tác quốc phòng chặt chẽ với Nga - đối thủ truyền thống của EU. Dù khả năng hình thành liên minh toàn diện Nga - Trung đến nay vẫn còn khá thấp, kịch bản đó nguy hiểm đến mức buộc phương Tây phải hành động từ bây giờ.
Thế giới rất cần sự lãnh đạo của Mỹ để đảm bảo các giá trị như quyền con người được toàn vẹn. Dù mô hình quản trị TQ đối với một số người có thể khá hấp dẫn, cần phải lưu ý rằng nó có thể chỉ là một sản phẩm đặc thù từ môi trường chính trị, lịch sử và văn hóa của nước này, rất khó đem đi áp dụng ở nước khác. Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc VIJAY GOKHALE |
Dự đoán phản ứng của Trung Quốc
Ngày 6-6, Hoàn Cầu thời báo đã có bài viết chỉ trích sự thành lập liên minh IPAC là một biểu hiện của “chủ nghĩa đế quốc mới” và là “đội quân xâm lược của phương Tây” tương tự liên quân tám nước từng đưa quân vào đại lục đầu những năm 1900.
Tờ Asia Times cho rằng quan điểm của Hoàn Cầu thời báo đã hé lộ phần nào lập trường của Bắc Kinh trước việc bị phương Tây cô lập. Trước mắt, một điều khá chắc chắn là TQ sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch tuyên truyền chỉ trích phương Tây. Tuy nhiên, viễn cảnh TQ thành lập liên minh đối trọng là không có khả năng do nước này không sở hữu mạng lưới đồng minh, đối tác toàn cầu như Mỹ.
TQ cũng có thể tăng cường sức ép lên các nước tỏ thái độ phản kháng như cách mà Bắc Kinh “trừng phạt” Úc khi áp hơn 80% thuế lên sản phẩm lúa mạch của nước này áp chỉ vì Canberra lên tiếng yêu cầu mở điều tra COVID-19 độc lập.
Ngoài ra, hiện chưa rõ khả năng răn đe hay hiệu quả của các liên minh chống TQ vừa thành lập nên không thể dự đoán được các liên minh có đủ sức gây lên Bắc Kinh hay không. Do đó, Bắc Kinh có thể vẫn sẽ giữ nguyên các động thái gây hấn ở các điểm nóng như Biển Đông.
Nhìn chung, TQ hiện tại không có nhiều giải pháp để chủ động phản ứng lại phương Tây mà chỉ có thể phản đối thụ động thông qua các chiến lược đã được sử dụng từ nhiều năm nay.
Trung Quốc không muốn thiết lập trật tự mới? Cựu Đại sứ Ấn Độ tại TQ Vijay Gokhale trong một bài viết gần đây cho tờ The New York Times nêu ra một quan điểm đáng chú ý: Bắc Kinh không hề có ý định tạo dựng một trật tự thế giới mới mà sẽ bao trùm ảnh hưởng lên trật tự có sẵn. Cụ thể, ông Gokhale chỉ ra Bắc Kinh đến nay là bên hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống hiện tại nên không có lý do gì để xây mới lại, chỉ cần giữ những lợi ích này không bị mất đi. Do đó, TQ đang tăng nỗ lực kiểm soát hoạt động các thiết chế quốc tế có sức ảnh hưởng lớn như Liên Hợp Quốc hay gần đây là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua việc nâng mức khoản hỗ trợ kinh phí. Động thái diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump giảm đáng kể mức đóng góp cho các tổ chức nước ngoài. |
Các tướng quân đội của Trung Quốc và Ấn Độ hôm 6/6 đã gặp mặt để trao đổi về tình hình căng thẳng biên giới giữa...
Nguồn: [Link nguồn]