Các nước chi mạnh cho quốc phòng giữa chiến sự Ukraine: Áp lực trong, sức ép ngoài
Việc các nước “đổ tiền" vào quốc phòng gây áp lực lên các khoản chi tiêu trong nước đồng thời tạo ra sức ép an ninh đối với các quốc gia khác.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự thế giới đã tăng lên gần 2 nghìn tỉ USD trong năm 2020. Cuộc chiến Nga-Ukraine có thể sẽ khiến con số này tăng lên mức kỷ lục mới khi nhiều quốc gia, ngoài hai nước đối đầu trực tiếp, đổ nhiều tiền hơn vào chi tiêu quốc phòng hàng năm. Trong bối cảnh căng thẳng đó thì sẽ không có gì ngạc nhiên khi mức chi cho quốc phòng của thế giới sẽ tăng theo cấp số nhân vào năm 2022, theo tờ Politics Today.
Tiền “bơm” vào quốc phòng tăng mạnh từ Tây sang Đông
Việc Nga mở chiến dịch quân sự Ukraine đang buộc các nước châu Âu phải suy nghĩ lại về vấn đề chi tiêu quốc phòng của mình. Nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm, trong khi có một số quốc gia, chẳng hạn như Đức, trước đó đã chống lại việc tăng chi tiêu này.
Hôm 27-2, Đức ra kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng năm 2022 lên thành 112 tỉ USD, tức là tăng ngân sách cho lĩnh vực này từ 1,53% GDP lên 2% GDP, đáp ứng yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo đài DW. Trước đó, Đức đã chống lại sức ép từ Mỹ và các nước NATO trong việc tăng chi tiêu quốc phòng lên ngưỡng này.
Sau Đức, Bỉ cũng có động thái tương tự khi tăng ngân sách quốc phòng từ 0,9% GDP (4,69 tỉ USD) lên 1,54% (7,71 tỉ USD) trong 8 năm tới. Thụy Điển cũng tuyên bố tăng đáng kể chi tiêu quân sự lên 2% GDP so với mức bình quân mỗi năm từ sau chiến tranh lạnh là 1%.
Ngoài ra, các nước châu Âu khác như Ba Lan, Lithuania, Romania và Đan Mạch cũng đã có kế hoạch chi thêm cho quốc phòng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi cuối tháng 3 cũng đã đề xuất chi cho quốc phòng 813,3 tỉ USD cho năm tài khóa 2023, tăng khoảng 8,1% so với năm tài chính 2022. Đây là con số chi cho quốc phòng cao kỷ lục của Mỹ kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, theo đài CNN.
Đầu tháng 3, Trung Quốc cũng thông báo tăng chi tiêu quốc phòng năm 2022 lên 7,1%, tức là chi 229 tỉ USD, tăng so với 210 tỉ USD vào năm 2021.
Áp lực bên trong
Trong bài viết đăng trên trang Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), cựu Phó Giám đốc Ban Tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Sanjeev Gupta và Giáo sư Benedict Clements của ĐH Universidad de las Américas (Ecuador) khẳng định khi chi tiêu quốc phòng tăng lên, các khoản chi khác của chính phủ sẽ “chịu áp lực”.
Các nền kinh tế phát triển đã thông qua các gói kích thích tài chính vào năm 2020 để giải quyết hậu quả đại dịch COVID-19, chẳng hạn như cho các công ty chịu ảnh hưởng vì dịch vay lãi suất thấp. Chính điều này đã làm tăng tỉ lệ nợ trung bình trên GDP lên 19 điểm phần trăm vào năm 2020. Nếu tiếp tục chi mạnh cho quốc phòng trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine thì tỉ lệ nợ này sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Do đó, tăng chi tiêu quốc phòng sẽ đi ngược lại với các chính sách nhằm giảm thuế đang được triển khai nhằm ổn định tình hình tài chính trong trung hạn.
Đoàn xe chiến đấu bộ binh Puma của Đức. Ảnh: GETTY IMAGES
Các nước này có hàng tá thứ để chi. Cụ thể, họ đang phải đối mặt tình trạng dân số già tăng, đồng nghĩa với việc chi tiêu cho y tế và lương hưu sẽ tiếp tục tăng lên. Các cam kết giảm phát thải, chống biến đổi cũng đòi hỏi phải có tiền để hiện thực hóa. Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng cần chi nhiều hơn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nếu có kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Thêm vào đó là sẽ còn có khoản viện trợ mà các quốc gia này sẽ gửi đến Ukraine để giúp tái thiết sau chiến tranh. Như vậy, nếu “đổ” quá nhiều tiền vào quân sự thì các khoản chi này sẽ phải bị “bóp” lại rất nhiều.
Các nhà hoạch định chính sách ở những nước phát triển này sẽ phải “đau đầu” trong những năm tới. Cụ thể, các nước muốn tăng chi phí quân sự đang phải đối mặt với một môi trường đầy thách thức, bởi vì sau COVID-19 thì kích thích tài chính cần phải ở mức tối thiểu và mức chi tiêu tổng thể không được mở rộng. Việc tăng thuế ở các nền kinh tế này dường như rất khó khăn, đặc biệt là sau đại dịch nên rất ít có các giải pháp để “tiện cả đôi đường”.
Một lựa chọn có vẻ khả dĩ là hạn chế tăng chi tiêu liên quan đến y tế và lương hưu nhưng điều này sẽ đòi hỏi những cải cách khó khăn về mặt chính trị và không được lòng các nhóm bầu cử chủ chốt.
Một cách khác sẽ là tiết kiệm bằng cách cắt giảm các chương trình tương đối kém hiệu quả. Điều này cũng sẽ khó khăn vì những người hưởng lợi hiện tại của các chương trình sẽ phản đối mạnh mẽ bất kỳ khoản cắt giảm nào.
Sức ép bên ngoài
Thứ nhất, các nước đua nhau “đổ” tiền vào quân sự sẽ tạo ra thế lưỡng nan về mặt an ninh.
Lý do đầu tiên mà các nước muốn tăng chi tiêu quốc phòng là tự vệ. Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell đã kêu gọi các nước trong khu vực “chi tiêu quốc phòng nhiều hơn, chi tiêu hiệu quả hơn” và “để đảm bảo an ninh tập thể, chúng ta phải cùng nhau đầu tư nhiều hơn” trong bối cảnh chiến tranh nóng đang xảy ra ở châu Âu.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen H. Hicks cũng cho biết kế hoạch chi “khủng” cho quốc phòng vào năm 2023 được xây dựng dựa trên các nguyên lý của Chiến lược Quốc phòng mới để chống lại các mối thách thức an ninh như Nga, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên...
Tàu khu trục USS Kidd mang tên lửa dẫn đường (phải) của Mỹ ở Thái Bình Dương. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Tuy nhiên, việc chi nhiều quân sự của nước này để tự vệ có thể bị nước kia coi là mối đe dọa. Khi thấy một nước chi mạnh cho quốc phòng, vì nhu cầu duy trì độc lập và an ninh, các nước khác, đặc biệt là các nước lân cận sẽ phản ứng lại bằng cách đổ thêm tiền vào quân sự để củng cố vị trí của mình, dù không có khả năng là mình sẽ bị tấn công. Điều này tạo ra thế lưỡng nan về an ninh và một cuộc chạy đua vũ trang sẽ kéo dài bất tận. Hậu quả là càng nhiều nước đổ tiền vào quân sự thì càng mất an ninh hơn.
Thứ hai, lượng vũ khí “khủng” gửi đến Ukraine và chi tiêu quân sự ngày càng tăng của các quốc gia châu Âu để tăng cường phòng thủ đang làm giảm viện trợ phát triển cho các quốc gia nghèo trên thế giới.
Theo bà Yoke Ling - Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Mạng lưới Thế giới Thứ ba, chi tiêu quân sự leo thang chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp đến một loạt chi tiêu mà các nước phát triển cam kết dành cho các nước đang phát triển, từ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đến chống khủng hoảng khí hậu, đặc biệt là ở những nước châu Phi.
Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, cần phải có hỗ trợ tài chính từ quốc tế để ngăn chặn khủng hoảng nợ và giải quyết việc vay lãi suất cao. Phần lớn quốc gia đang phát triển sẽ cần sự hỗ trợ tích cực và khẩn cấp để trở lại đúng hướng nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), theo hãng tin Inter Press Service có trụ sở tại Ý.
Nguồn: [Link nguồn]
Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu, hàng loạt vũ khí có năng lực khủng đã đổ dồn về Ukraine, Al Jazeera đã thống kê các loại vũ khí được gửi đến...