Các nước châu Âu lên tiếng về lệnh bắt Thủ tướng Israel của ICC
Nhiều quốc gia ở châu Âu bày tỏ sự ủng hộ lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nhưng cách thể hiện của họ lại khác nhau.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ảnh: Reuters
Ý và Hà Lan tuyên bố sẽ bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nếu 2 chính trị gia Israel này đặt chân tới lãnh thổ Ý và Hà Lan.
“Chúng tôi sẽ phải bắt giữ họ”, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto nói trên đài truyền hình RAI (Ý).
Ông Crosetto nói thêm rằng đây không phải là lựa chọn có động cơ chính trị nhưng với tư cách là thành viên của ICC, Ý có nghĩa vụ phải hành động theo lệnh của tòa án.
Hà Lan cũng cho biết họ sẽ tuân thủ lệnh bắt giữ của ICC.
Một số nước châu Âu khác bày tỏ sự ủng hộ đối với phán quyết của ICC.
Thủ tướng Ireland Simon Harris gọi quyết định này là "bước đi cực kỳ quan trọng. Những cáo buộc này rất nghiêm trọng".
“Ireland tôn trọng vai trò của Tòa án Hình sự Quốc tế. Bất kỳ ai, quốc gia nào có vị trí hỗ trợ Tòa án này thực hiện công việc quan trọng của mình đều phải hành động ngay lập tức”, ông Harris nói thêm.
Bộ ngoại giao Pháp không nói rõ rằng ông Netanyahu và ông Gallant sẽ bị bắt nếu họ đặt chân lên đất Pháp. "Đây là một điểm phức tạp về mặt pháp lý nên tôi sẽ không bình luận về vấn đề này hôm nay", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp nói.
Phản ứng của các quốc gia châu Âu được đưa ra sau lời kêu gọi của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các quốc gia thành viên tôn trọng và tuân thủ lệnh bắt giữ sau phán quyết mang tính bước ngoặt của ICC.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, phản đối tuyên bố của Israel rằng quyết định của ICC là mang động cơ chính trị.
"Đây không phải là một quyết định chính trị. Đây là quyết định của tòa án, của tòa án công lý, của tòa án công lý quốc tế. Và quyết định của tòa án phải được tôn trọng và thực hiện", ông Borrell nói, đồng thời nói thêm rằng quyết định của tòa án có tính ràng buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên EU.
Ngày 21/11, ICC phát lệnh bắt giữ ông Netanyahu và ông Gallant. Tòa án này cáo buộc ông Netanyahu và ông Gallant đã phạm “tội ác chiến tranh” và “tội ác chống lại loài người” vì vai trò của họ trong cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Quyết định ban hành lệnh bắt giữ của ICC có nghĩa là 2 chính trị gia Israel này có nguy cơ bị bắt giữ tại bất kỳ quốc gia nào trong số 124 quốc gia là thành viên của tòa án này. ICC không có thẩm quyền để thi hành lệnh bắt giữ của mình, nhưng về mặt lý thuyết, bất kỳ quốc gia nào đã ký vào Quy chế Rome của tòa án này đều có nghĩa vụ bắt giữ ông Netanyahu hoặc ông Gallant.
Theo Reuters, ICC ngày 21/11 cũng phát lệnh bắt giữ Mohammed Deif – chỉ huy cánh quân sự của Hamas.
Nhà Trắng ngày 21/11 cho biết "về cơ bản bác bỏ" quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về việc ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin...
Nguồn: [Link nguồn]