Các nước Baltic có thể đưa quân sang Ukraine mà không chờ NATO

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nghị sĩ các nước vùng Baltic tuyên bố sẵn sàng gửi quân tới Ukraine nếu lực lượng Nga giành được thành công đáng kể trên chiến trường này, báo Der Spiegel đưa tin.

Các nước Baltic có thể điều quân đến Ukraine. (Ảnh: Insider)

Các nước Baltic có thể điều quân đến Ukraine. (Ảnh: Insider)

Theo tờ báo của Đức, cảnh báo này được đưa ra tuần trước, tại Hội nghị Lennart Meri diễn ra ở Tallinn (thủ đô của Estonia).

Der Spiegel không nêu tên quan chức nào và cũng không cho biết họ đại diện cho quốc gia nào, chỉ cho biết họ bày tỏ lo ngại về chính sách hiện tại của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đối với xung đột ở Ukraine.

Thủ tướng Scholz từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Đức cung cấp để tấn công vào đất Nga, tương đồng với lập trường của Mỹ.

Theo Der Spiegel, các quan chức vùng Baltic lo ngại chính sách như vậy là nỗ lực nửa vời khi hỗ trợ Ukraine và có thể giúp Nga chiếm thế thượng phong ở Ukraine. Họ nói rằng nếu Mátxcơva giành được kết quả đáng kể ở miền đông Ukraine, chính phủ của họ và Ba Lan có thể đưa quân vào vùng xung đột trước khi Nga đưa quân đến biên giới của họ.

Theo Der Spiegel, lý lẽ của những quan chức này là cách đối xử kiềm chế với Mátxcơva có thể phản tác dụng, từ đó khiến tình hình càng leo thang. Giống như Ukraine, các nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania trước đây thuộc Liên Xô.

Họ là những thành viên quyết liệt nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dươg (NATO) trong việc thúc đẩy liên minh quân sự này tăng cường hỗ trợ Kiev vì lo ngại Nga sẽ tiếp tục đưa quân sang quốc gia khác sau khi chiến thắng ở Ukraine.

Cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, những nước đó nhiều lần ngụ ý việc họ không loại trừ khả năng gửi quân NATO tới Ukraine. Các quan chức ở Estonia gần đây gửi tín hiệu rằng nước này có thể đưa quân của họ sang Ukraine để thực hiện những công việc phi chiến đấu, để Ukraine tập trung người cho tiền tuyến.

Bộ phận báo chí của Bộ Quốc phòng Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania chưa phản hồi đề nghị bình luận về thông tin này.

Bài báo của Der Spiegel xuất hiện vào thời điểm Nga vừa triển khai một cuộc tấn công mới ở phía đông bắc Ukraine, tiến vào thành phố Kharkiv và chiếm giữ một số khu định cư gần đó.

Các nhà quan sát quân sự cho rằng Mátxcơva không thể giành quyền kiểm soát Kharkiv với nguồn lực mà họ đã triển khai ở đó cho đến nay, nhưng cũng khiến Kiev phân tâm và buộc phải chia nhỏ thêm lực lượng.

Trên mặt trận chính ở miền đông, Ukraine chật vật trong nhiều tháng để kìm hãm bước tiến mạnh mẽ của Nga, khi nguồn cung vũ khí từ Mỹ suy giảm.

Viện trợ từ Mỹ đã được nối lại sau nhiều tháng bế tắc trong Quốc hội, nhưng Kiev cho biết vũ khí và khí tài của phương Tây thường đến quá muộn để họ có thể xoay chuyển cục diện cuộc xung đột, trong khi tình hình liên tục thay đổi.

Trong khi đó, các nước láng giềng thêm lo ngại sau khi Bộ Quốc phòng Nga soạn dự luật đề xuất thay đổi biên giới trên biển với Phần Lan và Lithuania từ tháng 1/2025. Dự thảo được tải lên trang web Cơ quan đăng ký luật của Nga đầu tuần trước, nhưng sau đó bị xóa.

Ngày 23/5, các quan chức Tallinn nói rằng Mátxcơva đã dỡ bỏ 24 trong số 50 phao đánh dấu biên giới giữa Nga với Estonia trên sông Narva.

Ngày 26/5, sáu quốc gia NATO, gồm Na Uy, Ba Lan, Phần Lan, Estonia, Latvia và Lithuania, cho biết sẽ xây dựng “bức tường không người lái”, sử dụng máy bay không người lái và các công nghệ tiên tiến hơn để củng cố biên giới của họ với Nga.

Chính phủ Thụy Điển đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga, truyền thông địa phương ngày 26/5 đưa tin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Linh - De Spiegel, Insider ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN