Mục tiêu có khả năng bị Israel nhắm tới khi trả đũa Iran?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Một số nhà phân tích, sĩ quan, cựu sĩ quan tình báo và quân đội cấp cao của Mỹ đã đưa ra cái nhìn tổng quan về các mục tiêu này.

Hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân Fordow của Iran. Ảnh: Getty

Hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân Fordow của Iran. Ảnh: Getty

Israel đã tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ Iran sau khi Tehran phóng một loạt gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel tối 1/10.

Theo nhận định của một số nhà phân tích, với lực lượng không quân vượt trội hơn hẳn so với hệ thống phòng không còn hạn chế của Iran, Israel có thể tấn công nhiều mục tiêu ở Iran nếu muốn, bao gồm các địa điểm quân sự và tình báo, chỉ huy cấp cao, trạm xăng dầu và nhà máy lọc dầu hoặc thậm chí là các địa điểm hạt nhân. Israel cũng có thể nhận được sự giúp đỡ từ tình báo Mỹ về thông tin thu thập qua vệ tinh và các nguồn khác.

“Có rất nhiều mục tiêu của Iran mà Israel có thể tấn công một cách hiệu quả. Iran sẽ không thể ngăn cản họ,” một cựu sĩ quan quân đội cấp cao của Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, Israel sẽ phải cân bằng phản ứng đáp trả của Iran, bao gồm cả nguy cơ Tehran có thể chọn tấn công các quốc gia vùng Vịnh, nơi có căn cứ không quân Mỹ, hoặc chọn đặt mìn biển ở eo biển Hormuz - tuyến đường thủy hẹp giữa Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương, nơi 1/5 lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua đây.

NBC News ngày 4/10 đã đưa ra 3 mục tiêu tiềm năng nhất của Iran mà Israel có thể tấn công dựa trên nhận định từ một số nhà phân tích, sĩ quan, cựu sĩ quan tình báo và quân đội cấp cao của Mỹ.

Cơ sở quân sự

Mục tiêu ở Iran dễ bị tấn công nhất được cho là các cơ sở quân sự. Ảnh minh họa: iStock

Mục tiêu ở Iran dễ bị tấn công nhất được cho là các cơ sở quân sự. Ảnh minh họa: iStock

Các mục tiêu có khả năng bị tấn công nhiều nhất sẽ là bất kỳ địa điểm hoặc đơn vị quân sự nào có liên quan đến cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel hôm 1/10. Các mục tiêu này bao gồm trung tâm chỉ huy và kiểm soát, bệ phóng tên lửa, địa điểm tiếp nhiên liệu và thậm chí cả các chỉ huy giám sát kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Iran.

Israel cũng có thể tấn công các trung tâm tình báo, thường đặt tại các căn cứ quân sự, để đáp trả nỗ lực rõ ràng của Iran nhằm tấn công trụ sở cơ quan tình báo Mossad của Israel hôm 1/10.

Ngoài ra, Israel có thể chọn không kích các mục tiêu quân sự khác như hệ thống phòng không và kho máy bay không người lái (UAV) của Tehran.

Một số quan chức và cựu quan chức Mỹ nói rằng Washington có thể sẽ coi các cuộc tấn công vào mục tiêu quân sự Iran là tương xứng và ít gây rủi ro thương vong cho dân thường hơn.

Dầu mỏ

Một cơ sở năng lượng của Iran. Ảnh: Reuters

Một cơ sở năng lượng của Iran. Ảnh: Reuters

Khi được phóng viên của NBC News hỏi hôm 3/10 rằng liệu Mỹ có ủng hộ việc Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ ở Iran hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời: “Chúng tôi đang thảo luận về vấn đề đó. Nhưng dù sao đi nữa, tôi nghĩ sẽ không có gì xảy ra hôm nay".

Giá dầu tăng sau bình luận của ông Biden.

Theo một số quan chức, cựu quan chức quân sự và an ninh quốc gia cấp cao của Mỹ, Israel có thể lựa chọn ném bom cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, vốn là huyết mạch kinh tế của nước này. 

Nếu quyết định theo phương án đó, câu hỏi tiếp theo là Israel sẽ nhắm vào những địa điểm nào của ngành dầu mỏ Iran.

Một lựa chọn là tấn công các nhà máy lọc xăng dầu chủ yếu phục vụ thị trường trong nước của Iran. Phương án này có thể hạn chế tác động đến nền kinh tế toàn cầu. 

Theo NBC News, nhà máy lọc xăng dầu Persian Gulf Star ở Bandar Abbas là nguồn cung cấp xăng trong nước quan trọng nhất cho Iran, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của nước này vào năm ngoái, theo các nhà phân tích trong ngành. 

Một cuộc tấn công vào các nhà máy lọc xăng dầu Iran có thể gây ra sự xáo trộn kinh tế cho Tehran, vốn đang phải vật lộn để quản lý nền kinh tế gặp khó khăn do nhiều năm chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và nhiều đồng minh.

Hoặc Israel có thể tập trung vào một cuộc tấn công rộng hơn bao gồm các cơ sở dầu khí trên một khu vực rộng lớn, bao gồm các cảng dầu được sử dụng để vận chuyển dầu ra khỏi đất nước. Nếu thực hiện phương án này, Israel có thể tấn công cảng dầu Kharg, nằm trên một hòn đảo cùng tên ở ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của Iran. Đây là nơi xử lý hơn 90% lượng dầu xuất khẩu của Tehran.

Để gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế Iran, Israel cũng có thể tấn công các nhà máy hóa dầu và nhà máy điện. 

Một cuộc tấn công vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran có thể đẩy giá dầu lên cao và gây chấn động nền kinh tế toàn cầu. Để đáp trả một cuộc tấn công như vậy, một số nhà phân tích cho rằng, Iran có thể đáp trả bằng việc đặt mìn biển ở eo biển Hormuz.

Chương trình hạt nhân

Nhà máy xử lý uranium của Iran ở thành phố Isfahan, cách thủ đô Tehran hơn 300km về phía nam. Ảnh: Reuters

Nhà máy xử lý uranium của Iran ở thành phố Isfahan, cách thủ đô Tehran hơn 300km về phía nam. Ảnh: Reuters

Hôm 2/10, ông Biden tuyên bố Mỹ phản đối bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel vào chương trình hạt nhân của Iran. 

Israel từ lâu đã cảnh báo về mối nguy hiểm của việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Theo một số nhà phân tích, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể quyết định rằng thời điểm đã chín muồi để tấn công vào các địa điểm hạt nhân trước khi chương trình hạt nhân của Tehran tiến xa hơn.

Theo NBC News, các cơ sở hạt nhân chính của Iran bao gồm các trung tâm làm giàu uranium Fordow và Natanz, nằm sâu dưới lòng đất, bên dưới các lớp đá và bê tông.

Ngoài ra, Iran còn có một trung tâm hạt nhân lớn ở ngoại ô thành phố Isfahan giám sát một số hoạt động cho chương trình hạt nhân, bao gồm sản xuất các bộ phận máy ly tâm và uranium, có thể được sử dụng để chế tạo lõi của một quả bom nguyên tử. Các mục tiêu tiềm năng khác bao gồm một nhà máy lò phản ứng hạt nhân nước nặng được xây dựng một phần ở Khondab, cũng như các trung tâm nghiên cứu hạt nhân ở thủ đô Tehran.

Một nghiên cứu vào tháng 4 -  được công bố trên Tạp chí các nhà khoa học nguyên tử - đã phân tích về một cuộc tấn công có thể xảy ra nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran. Nghiên cứu này kết luận, cách duy nhất  để thâm nhập vào các mục tiêu hạt nhân dưới lòng đất là sử dụng máy bay ném bom của Mỹ mang theo những quả bom phá boongke hạng nặng GBU-57A/B do Mỹ sản xuất (nặng 13,2 tấn).

Hồi tháng 4, để trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa trước đó của Iran, Israel đã không kích một cơ sở quân sự của Iran gần trung tâm công nghệ hạt nhân Isfahan. Động thái này của Israel gửi tín hiệu tới Tehran rằng họ có thể tiếp cận và tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran.

Israel có máy bay tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ, có UAV giám sát và chiến đấu cơ F-35. Theo một số sĩ quan, cựu sĩ quan Mỹ, về mặt lý thuyết, các vũ khí trên giúp Israel có thể tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran mà không cần dựa vào máy bay ném bom của Mỹ. Nhưng có khả năng các vũ khí trên của Israel không thể gây ra mức độ thiệt hại như máy bay ném bom của Mỹ có thể gây ra.

“Tôi không nghĩ họ thực sự có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran. Đó là các mục tiêu khó khăn”, một cựu sĩ quan quân đội cấp cao của Mỹ nhận định.

Cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett hôm 1/10 thúc giục đất nước nắm bắt cơ hội ngay lúc này và loại bỏ chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, NBC News cho rằng chương trình hạt nhân của Iran rất có thể sẽ bị cản trở nhưng không thể bị "xóa sổ" trong một cuộc tấn công của Israel. 

Iran được cho là đã phát triển được bí quyết để phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp những thiệt hại vật chất mà một cuộc tấn công quân sự có thể gây ra.

Tehran phủ nhận họ từng tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân và nói rằng chương trình hạt nhân của họ được thiết kế cho mục đích dân sự. 

Một thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới đã hạn chế dự án hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế. Nhưng 3 năm sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này. Kể từ đó, Iran được cho là đã phớt lờ các hạn chế về làm giàu uranium.

Nguồn: [Link nguồn]

Iran hôm 3/10 gửi thông điệp tới Mỹ, tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công nào từ Israel sẽ phải đối mặt với đòn đáp trả "phi đối xứng".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - NBC News ([Tên nguồn])
Căng thẳng Iran - Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN