Các mục tiêu nổi bật của Trung Quốc
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, trong lúc chi tiêu quốc phòng tăng 7,2% so với năm ngoái
Ðại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV đã khai mạc kỳ họp thứ nhất tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh ngày 5-3.
Tại kỳ họp, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã trình bày báo cáo công tác chính phủ, theo đó nêu bật những thành tựu, thách thức trong 5 năm qua và công bố các kế hoạch cho năm nay.
Về những gì làm được trong năm vừa qua, theo Tân Hoa Xã, báo cáo cho rằng Trung Quốc đã ổn định nền kinh tế, cải thiện dần chất lượng phát triển và duy trì ổn định xã hội nói chung trong năm 2022, cũng như đạt được các thành tựu mới về phát triển.
Phục hồi kinh tế là nội dung được quan tâm nhiều tại kỳ họp lần này trong bối cảnh Trung Quốc gần đây mở cửa lại nền kinh tế, đối mặt không ít thách thức trong nước (đầu tư tư nhân còn yếu, thị trường bất động sản và các tổ chức tài chính nhỏ vẫn còn rủi ro, dân số già đi nhanh chóng, khoảng cách thu nhập gia tăng…), sức ép cạnh tranh ngày một lớn từ Mỹ, kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều nguy cơ…
Theo báo cáo, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay - thấp hơn so với mục tiêu khoảng 5,5% đề ra năm 2022. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này năm ngoái chỉ tăng trưởng 3%, phần lớn do chịu tác động của các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt.
Theo một số chuyên gia, mục tiêu trên là "không quá tham vọng" và phù hợp với các dự báo bên ngoài. Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 5,2%.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày báo cáo công tác chính phủ tại kỳ họp quốc hội ngày 5-3Ảnh: Reuters
Trung Quốc cũng công bố chi tiêu quốc phòng trong năm 2023 là 1.553,7 tỉ nhân dân tệ, tăng 7,2% so với năm ngoái. Tỉ lệ này năm ngoái là 7,1%. Theo tờ South China Morning Post, ngân sách quốc phòng thường niên của nước này tăng không quá 10% kể từ năm 2016.
Trong khi đó, ngân sách ngoại giao dự kiến tăng 12,2% năm nay, so với mức tăng 2,4% năm ngoái. Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc phải tuân thủ chính sách ngoại giao "độc lập" và hòa bình", theo đuổi tình hữu nghị và hợp tác với các nước khác, cũng như thúc đẩy những sáng kiến an ninh và phát triển toàn cầu của mình với cộng đồng quốc tế. Phát biểu này được đưa ra không lâu sau khi Trung Quốc công bố đề xuất hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine.
Về cuộc chiến chống COVID-19, ông Lý Khắc Cường cho biết sau khi các biện pháp phòng chống được nới lỏng, Trung Quốc sẽ tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương, như người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh nền... để ngăn các ca bệnh nặng. Ngoài ra, theo nhà lãnh đạo này, cần thúc đẩy phát triển thuốc điều trị mới và cập nhật vắc-xin.
Một nội dung đáng chú ý khác của báo cáo là Trung Quốc đặt mục tiêu tạo khoảng 12 triệu việc làm ở khu vực đô thị năm 2023, tăng so với mục tiêu ít nhất 11 triệu năm ngoái. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cho biết có kế hoạch tích cực ứng phó tình trạng già hóa dân số, tỉ lệ sinh giảm.
Kỳ họp trên dự kiến bế mạc ngày 13-3. Theo chương trình nghị sự, các đại biểu quốc hội sẽ bỏ phiếu về kế hoạch cải tổ các cơ quan thuộc Quốc vụ viện (tức Chính phủ Trung Quốc), các chức vụ cao cấp trong Quốc vụ viện…
Thúc đẩy các đột phá công nghệ Báo cáo công tác của chính phủ Trung Quốc kêu gọi củng cố sức mạnh và sự tự lực trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Theo báo cáo, chi tiêu của chính phủ dành cho nghiên cứu cơ bản dự kiến tăng gấp đôi trong 5 năm tới. Đáng chú ý, khoản hỗ trợ đặc biệt dành cho hoạt động phát triển chip và các ngành công nghiệp chủ chốt khác sẽ đạt mức 13,3 tỉ nhân dân tệ trong năm nay, tăng gần 50% so với năm 2022. Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi chính phủ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy các đột phá công nghệ, trong lúc doanh nghiệp là động lực đổi mới sáng tạo. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt sức ép ngày càng tăng từ Mỹ trong cuộc đối đầu về công nghệ cao. Trang Bloomberg ngày 5-3 đưa tin Washington sắp hoàn thành một sắc lệnh hành pháp có nội dung hạn chế doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào một số lĩnh vực của kinh tế Trung Quốc, trong đó có các công nghệ tiên tiến có thể giúp Bắc Kinh cải thiện năng lực quân sự và tình báo. Giới chức Mỹ cho biết việc các công ty nước này đầu tư vào Trung Quốc thường đi kèm với những lợi ích vô hình, như những kiến thức chuyên môn về quản lý và kỹ thuật có thể giúp công ty Trung Quốc nhanh chóng phát triển. Doanh nghiệp Mỹ hiện không bị Washington hạn chế khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc. Một số công ty Mỹ rót tiền vào các doanh nghiệp Trung Quốc đang phát triển những công nghệ được ứng dụng trong quân sự, như năng lực siêu điện toán. Phạm Nghĩa |
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị thắt chặt các quy định về một số khoản đầu tư ra nước ngoài nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự.
Nguồn: [Link nguồn]