Các kịch bản thương chiến Mỹ - Trung khi ông Donald Trump về lại Nhà Trắng
Thương chiến Mỹ - Trung sẽ diễn biến thế nào trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump là vấn đề được bàn luận sôi nổi trong giới chuyên gia.
Viễn cảnh ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đặt ra câu hỏi liệu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ), đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc này, sẽ đi tới đâu.
Thương chiến Mỹ - Trung sẽ tăng…
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng nếu quá khứ là một chỉ dấu thì có thể thấy trước thương chiến Mỹ - Trung sẽ tiếp tục căng thẳng dưới thời ông Trump, thậm chí có khả năng ông sẽ tăng nhiệt cuộc chiến này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào ngày 29-6-2019. Ảnh: REUTERS
Theo TS Nguyễn Thành Trung, giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, căn cứ vào những động thái của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu có thể đoán rằng thương chiến Mỹ - Trung sẽ không dừng lại trong nhiệm kỳ Trump 2.0. Năm 2018, ông Trump phát động thương chiến Mỹ - Trung, áp thuế 25% lên 350 tỉ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu từ TQ. Đến thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ vẫn duy trì chính sách thuế và căng thẳng thương mại đó, thậm chí mở rộng sang các lĩnh vực khác như quân sự, công nghệ. Thực tế này cho thấy sự nhất quán trong chính sách ứng phó với TQ từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Mỹ.
Bên cạnh đó, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump từng tuyên bố sẽ đánh thuế 60% hàng xuất khẩu từ TQ, không giấu giếm quan điểm TQ giao dịch không công bằng với Mỹ và làm giàu trên sự bất lợi của Mỹ. Căn cứ vào những điều này có thể thấy trước viễn cảnh thương chiến Mỹ - Trung sẽ được đẩy lên một tầng nấc mới một khi ông Trump thực hiện những gì đã nói khi tranh cử. Khi đó, hàng hóa từ TQ sẽ phải chịu mức thuế cao hơn và tất nhiên nước này sẽ trả đũa. Một trong những cách TQ sẽ làm là nâng thuế với hàng nhập khẩu từ Mỹ như nước này đã làm. Hệ quả là thương chiến sẽ càng căng thẳng hơn và quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng xấu đi.
Cùng ý kiến, PGS-TS Chee Meng Tan, Trường Kinh doanh ĐH Nottingham, thuộc ĐH Nottingham Malaysia, cho rằng thương chiến thương Mỹ - Trung “có thể sẽ tiếp diễn, nếu không muốn nói là leo thang dưới thời ông Trump”.
“Có một số lý do giải thích cho hành động của ông Trump: Ông Trump muốn giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ với TQ, đồng thời giải quyết những gì ông cho là hành vi không công bằng với doanh nghiệp Mỹ, bao gồm hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ, hạn chế quyền tiếp cận của các công ty Mỹ vào thị trường TQ, việc Chính phủ TQ bảo hộ cho các doanh nghiệp nhà nước” - PGS-TS Chee Meng Tan trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Phần lớn giới chuyên gia cho rằng sẽ không có sự thay đổi chiến lược lớn nào trong quan hệ Mỹ - Trung dưới nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump, bởi sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc đã xảy ra trước nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và vẫn tiếp tục dưới thời ông Biden.
… hay giảm nhiệt?
Dù thiên về khả năng thương chiến Mỹ - Trung leo thang và mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhưng nhiều chuyên gia không loại trừ kịch bản rằng căng thẳng này sẽ giảm nhiệt trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.
Lý do, theo TS Nguyễn Tăng Nghị, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV (TP.HCM), ông Trump khả năng sẽ thận trọng hơn khi nhận ra cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu của mình dù làm tổn thương TQ nhưng cũng gây ra tác dụng phụ với nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn khiến giá cả tăng cao, người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt.
Bên cạnh đó, chuyên gia lưu ý rằng tỉ phú Elon Musk, người đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng lịch sử của ông Trump trong mùa bầu cử 2024, có thể tác động lên chính quyền ông Trump làm giảm nhẹ mức độ căng thẳng thương chiến giữa hai cường quốc. Lý do là tỉ phú Elon Musk có quan hệ tốt với chính quyền Bắc Kinh, đã mở các cơ sở sản xuất xe điện của Công ty Tesla ở Thượng Hải và luôn xem quốc gia đông dân nhất thế giới này là thị trường then chốt.
Ông Sun Chenghao, nghiên cứu viên tại Trung tâm An ninh và chiến lược quốc tế (CISS) của ĐH Thanh Hoa (TQ), cho rằng mục tiêu cuối cùng của ông Trump khi tăng thuế đối với hàng hóa TQ là nhằm “mang lại kết quả hữu hình cho người dân Mỹ và nói với người dân Mỹ rằng ông có thể đàm phán điều gì đó với TQ và giúp ích cho nền kinh tế Mỹ”.
Theo ông Sun, dù thương chiến có thế nào thì Mỹ và TQ vẫn để mở cơ hội tương tác và đạt thỏa thuận chứ không phải chỉ là một chuỗi trả đũa qua lại khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ và không có hồi kết.
Về thời điểm ông Trump sẽ “đụng” đến thương chiến Mỹ - Trung, theo TS Nguyễn Tăng Nghị, “sau khi chính thức nắm quyền, ông Trump sẽ giải quyết những điểm nóng chiến tranh trước như cuộc chiến ở Ukraine, sau đó sẽ “tính toán” với TQ như một ưu tiên chính sách trong suốt nhiệm kỳ”.
Thương chiến Mỹ - Trung tỏa nhiệt ra thế giới Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Chee Meng Tan cho rằng những hành động từ phía Mỹ như tăng thuế hàng nhập khẩu từ TQ, hạn chế công nghệ Mỹ vào TQ cũng như hạn chế đầu tư của TQ vào Mỹ và những hành động ngược lại từ TQ sẽ làm gia tăng sức nóng của thương chiến và đẩy nhanh quá trình “tách rời” về kinh tế giữa hai cường quốc này. Trong bối cảnh đó, Mỹ sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường TQ và tìm nguồn cung ứng ở nơi khác. TQ có thể sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia ở phía nam bán cầu như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). “Rất có thể ảnh hưởng của TQ với các nước này, trong đó có ASEAN, sẽ ngày càng khăng khít hơn khi ông Trump luôn giữ quan điểm rằng nhiều quốc gia đang giao dịch không công bằng với Mỹ và do đó Washington nên áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Với sự phụ thuộc kinh tế ít hơn vào Mỹ, nhiều nước trên thế giới có thể sẽ hội nhập kinh tế nhiều hơn với TQ” - PGS-TS Chee Meng Tan nhận định. Trong khi đó, việc ông Trump tăng thuế với TQ “có thể định hướng lại một số mạng lưới sản xuất, chuyển khỏi mô hình tập trung vào TQ sang đặt trụ sở sản xuất tại Đông Nam Á, Nam Á và có thể là Trung Âu - những nơi mà ông Trump coi là thân thiện với Mỹ” - GS Stephen R. Nagy, khoa Chính trị và Quốc tế học Trường ĐH Cơ đốc giáo quốc tế (Nhật Bản), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM. Nhận định liên quan đến thực tế này, TS Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore), cho rằng nhìn chung thương chiến Mỹ - Trung sẽ tạo cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia Đông Nam Á. Mặt tích cực là có thể thu hút đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi TQ, bởi khi các nhà sản xuất TQ bị đánh thuế cao thì họ sẽ tìm các quốc gia khác chịu thuế suất thấp hơn khi xuất khẩu vào Mỹ để đặt nhà máy. Tuy nhiên, thách thức là các quốc gia khu vực này sẽ có thể phải chịu áp lực chọn bên, rơi vào vòng xoáy cạnh tranh nước lớn, ảnh hưởng đến môi trường kinh tế và an ninh trong khu vực. |
Liên tiếp các vị trí hàng đầu do Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đề cử là những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Nguồn: [Link nguồn]