Các điểm trú ẩn ở Israel biến thành 'bẫy chết người' trong cuộc tấn công của Hamas như thế nào?
Những điểm trú ẩn ở phía nam Israel đã biến thành những "cái bẫy chết người" khi lực lượng Hamas tràn vào khu vực này hôm 7-10.
Ngày 7-10, khi phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) nã rocket vào lãnh thổ Israel, gần 30 thanh niên Israel đã đến trốn trong một điểm trú ẩn có vẽ hình con chim màu xanh bên ngoài, ở vùng Re’im - giáp Dải Gaza. Họ tin rằng điểm trú ẩn này có thể bảo vệ họ khỏi cuộc tấn công của Hamas, theo tờ The New York Times.
Tuy nhiên, vào khoảng 7 giờ 40 cùng ngày, các thành viên Hamas đã tiến vào điểm trú ẩn trên. Nhiều người đã bị giết, trong khi một số người bị bắt làm con tin. Chỉ ít người sống sót sau vụ việc.
Một con đường ở phía nam Israel sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7-10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Trong cuộc tấn công ngày 7-10, nhiều điểm trú ẩn ở miền nam Israel cũng rơi vào thảm cảnh tương tự.
Theo The New York Times, tình cảnh đó khiến những điểm trú ẩn này - vốn được thiết kế để làm nơi trốn tránh an toàn - trở thành "những cái bẫy chết người". Vì chỉ có một lối ra vào nên khi các chiến binh Hamas ném lựu đạn và xả súng vào những điểm trú ẩn, những người trốn trong đó không còn lối thoát.
"Những cái bẫy chết người"
Điểm trú ẩn ở Re’im nói trên là một trong hàng trăm điểm trú ẩn nằm rải rác trên khắp các con đường ở miền nam Israel.
Ngày 7-10, khi nghe thấy báo động về cuộc tấn công, những người đang tham dự lễ hội âm nhạc Tribe of Nova ở Re’im đã bỏ chạy toán loạn. Trên đường bỏ chạy, nhiều người đã quyết định chạy vào bên trong các điểm trú ẩn.
Những điểm trú ẩn ven đường như vậy có kích thước bằng tủ quần áo. Những điểm trú ẩn này bắt đầu xuất hiện ở các khu vực giáp với Dải Gaza sau khi Hamas và các nhóm vũ trang khác bắn rocket vào Israel hơn 20 năm trước.
Các điểm trú ẩn được làm bằng bê tông dày và không lắp đặt cửa để có thể vào ra nhanh chóng. Tuy nhiên, chính việc chỉ có một lối ra vào và không che chắn như vậy đã khiến người ở trong không thể thoát thân nếu kẻ tấn công đứng chặn ở lối này.
Theo cảnh sát Israel, những người đang ẩn náu trong các điểm trú ẩn vào ngày 7-10 không hề hay biết hơn 1.500 thành viên Hamas đã tràn qua biên giới Israel. Do đó, họ không lường trước được rằng những nơi trú ẩn này có thể bị lực lượng Hamas tấn công.
Cảnh sát và Lực lượng Phòng vệ Israel không cung cấp con số cụ thể các điểm trú ẩn bị tấn công vào ngày 7-10.
Tuy nhiên, theo điều tra của The New York Times, chỉ tính riêng trên tuyến 232 - đoạn đường nối vùng Re’im và vùng Alumim, 4 trên 6 điểm trú ẩn đã bị Hamas tấn công. Những nơi này có dấu hiệu từng xảy ra bạo lực nghiêm trọng. Tường của các điểm trú ẩn này lỗ chỗ vết đạn, còn trần của chúng thì đầy vết máu.
Vết đạn bên ngoài một điểm trú ẩn ở phía nam Israel. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Ông Yossi Landau - chỉ huy khu vực phía nam của tổ chức tìm kiếm và cứu nạn ZAKA - đã bước vào một điểm trú ẩn trên tuyến 232 sau vụ tấn công ngày 7-10. Ông cho biết có khoảng 20 thi thể bên trong điểm trú ẩn này. Những thi thể bị cháy, nằm sát nhau.
“Thật khó để tách họ ra” - ông Landau nói.
Lời nhân chứng
Theo The New York Times, không có con số chính thức về số người trốn trong những điểm trú ẩn có vẽ hình con chim màu xanh ở vùng Re’im đã đề cập ở trên.Theo tờ báo, con số này có thể 29 người. Ít nhất 14 người đã thiệt mạng, 3 người bị bắt làm con tin tới Dải Gaza. Khoảng 8 người đã về được đến nhà. Số phận của những người còn lại vẫn chưa được xác định.
Cô Ziv Abud (26 tuổi) đến lễ hội âm nhạc vào khoảng 4 giờ 30 sáng 7-10 cùng với bạn trai, cháu trai và bạn gái của cháu trai. Trên đường chạy khỏi lễ tình hội, cả 4 người đã trốn vào điểm trú ẩn có vẽ hình con chim màu xanh bên ngoài. Trong số 4 người, cô Abud là người duy nhất về đến nhà.
“Chúng tôi là người đầu tiên vào. Sau đó, có nhiều người bước vào bên trong. Chúng tôi nghĩ đó là một nơi an toàn để trú một lúc rồi về nhà” - cô Abud nói.
Cô Agam Yosefzon (20 tuổi), bạn trai của cô và 3 người bạn của họ cũng đi vào điểm trú ẩn nói trên. Cô Yosefzon cho biết lúc đầu, mọi người cảm thấy loay hoay một chút nhưng nhìn chung, tâm trạng của họ rất tốt và họ còn cười nói với nhau.
Tiếng súng càng lúc càng gần, mọi người phải chen chúc trong điểm trú ẩn đầy rác rưởi. Các nhân chứng cho biết anh Aner Shapira - một quân nhân đang nghỉ phép - đứng ở lối vào điểm trú ẩn để kịp thời đối phó khi trường hợp xấu xảy ra.
Các nhân chứng cho biết vào 7 giờ 41 các thành viên Hamas đến điểm trú ẩn này. “Chúng tôi nghĩ có thể họ sẽ đi ngang qua và không nhìn thấy chúng tôi. Chúng tôi đã giữ im lặng” - cô Abud nói.
Đoạn phim được ghi lại sau đó cho thấy một thành viên Hamas ném lựu đạn vào điểm trú ẩn. Vì quá sợ hãi, một nam thanh niên bỏ trốn khỏi nơi trú ẩn, chạy băng qua đường. Các thành viên Hamas bắn vào anh ta, khiến người này thiệt mạng.
Theo những người sống sót, sau đó, các thành viên Hamas ném nhiều lựu đạn vào nơi trú ẩn. Một trong những quả lựu đạn đó rơi vào sâu trong điểm trú ẩn và phát nổ.
Anh Shapira đã ném lại ít nhất 8 quả lựu đạn gây choáng và lựu đạn gây nổ vào nhóm thành viên Hamas. Sau đó, các thành viên Hamas ném một quả lựu đạn ngay lối vào, khiến Shapira thiệt mạng.
Một điểm trú ẩn ở phía nam Israel. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Vào thời điểm đó, cô Abud nhắm mắt lại và cầu nguyện. “Tôi nghe thấy tiếng la hét, hơi thở cuối cùng của mọi người, tiếng kêu cứu” - cô nhớ lại.
Trong khi đó, cô Yosefzon cho biết mình có cảm giác như bị hút vào một không gian đen tối. “Sau đó tôi cảm thấy hồn mình quay trở lại. Tôi mở mắt ra và không thấy gì ngoài mảng bụi màu cam” - cô Yosefzon kể.
Cuộc tấn công chưa kết thúc ở đó. Sau khi đám bụi tan, các thành viên Hamas tiến vào điểm trú ẩn và đưa 3 người sống sót rời đi cùng họ. Một trong những người này là bạn trai của cô Abud.
Sau khi đưa 3 người trên ra ngoài, các thành viên Hamas đã dùng súng bắn vào bên trong nơi trú ẩn. Những người còn sống sau cuộc tấn công cho biết họ sống sót là nhờ thi thể của những người khác che chắn.
Những người này sau đó phải giả chết trong nhiều giờ liền. Cô Yosefzon bị bắn vào chân và bạn trai cô bị bắn vào tay.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong hơn 1 tháng qua, bầu trời Dải Gaza trong đêm liên tục đỏ rực vì tên lửa, ban ngày lại tràn ngập khói đen.