Các đại dịch trong quá khứ đã kết thúc như thế nào?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Giới chuyên gia cho rằng có thể nhìn lại các đại dịch trong quá khứ để gợi ý những dấu hiệu kết thúc dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đã kéo dài hơn 2 năm. Nhiều nơi trên thế giới đã ghi nhận những tiến triển trong thời gian gần đây như tỷ lệ tử vong, số lượng các ca mắc mới và ca nhập viện giảm mạnh. Điều nhiều người quan tâm vào thời điểm này là khi nào đại dịch Covid-19 kết thúc.

Theo chuyên gia Erica Charters, Đại học Oxford, kết thúc đại dịch là quá trình lâu dài, bao gồm các quá trình “kết thúc y tế” khi các ca bệnh giảm dần, “kết thúc về chính trị” khi các biện pháp phòng ngừa của các chính phủ được nới lỏng và “kết thúc về mặt xã hội” khi người dân dần quay trở về cuộc sống bình thường.

Tại Mỹ, các chuyên gia đưa ra một số dẫn chứng rằng dịch Covid-19 dần tới giai đoạn kết thúc. 65% người Mỹ đã tiêm vaccine đầy đủ, trong đó 29% đã tiêm mũi tăng cường.

Các ca bệnh đã giảm trong 2 tháng qua. Trong tuần trước, số ca mắc mới mỗi ngày trung bình giảm khoảng 40%. Tỷ lệ các trường hợp cần nhập viện cũng giảm mạnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các quy định về đeo khẩu trang cũng dần được nới lỏng. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhận định đã tới thời điểm người dân Mỹ có thể quay lại nơi làm việc và nhiều lĩnh vực trong cuộc sống trở lại bình thường như trước khi đại dịch xảy ra.

Trong một thông báo gần đây, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 đang xem xét các tiêu chí cần thiết để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”.

Các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề làm thế nào để xác định tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã kết thúc.

Trước khi có thể đưa ra quyết định cuối cùng về đại dịch, giới chuyên gia cho rằng, có thể nhìn lại các đại dịch trong quá khứ đã kết thúc như thế nào?

Dịch cúm

Giai đoạn 1918-1919, dịch cúm khiến 50 triệu người trên thế giới tử vong, bao gồm 675.000 ca tử vong tại Mỹ.

Đợt bùng phát dịch cúm giai đoạn 1957-1958 khiến 116.000 người Mỹ tử vong. 100.000 người tử vong trong đợt bùng phát dịch năm 1968. Tuy nhiên, tới đợt bùng phát dịch cúm năm 2009, chỉ có chưa tới 13.000 người Mỹ tử vong.

Tháng 8/2010, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố cúm đã chuyển sang giai đoạn hậu đại dịch với số lượng các ca mắc và các đợt bùng phát dịch có xu hướng lặp lại theo mùa.

Theo ông Matthew Ferrari, chuyên gia tại Đại học Bang Pennsylvania, bệnh cúm dần trở thành căn bệnh thông thường khi trong năm, có thời điểm xuất hiện nhiều ca bệnh, thời điểm khác lại ghi nhận ít ca bệnh hơn. Theo vị chuyên gia, dần dà, bệnh cúm trở thành bệnh theo mùa hoặc cảm lạnh thông thường.

Thông thường, các đại dịch có xu hướng suy yếu dần theo thời gian và khi đa số dân số đã được miễn dịch. Các chuyên gia cho rằng đại dịch cúm đã chuyển thành căn bệnh cúm theo mùa, xuất hiện lặp lại vào các năm và xu hướng này có thể cũng sẽ xảy ra với virus corona.

HIV

Các ca mắc bệnh AIDS lần đầu xuất hiện tại Mỹ năm 1981. Tới năm 1994, virus HIV và bệnh AIDS đã trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người Mỹ trong độ tuổi 25-44.

Tuy nhiên, cùng với việc tìm ra các phương thức điều trị vào những năm 1990, bệnh AIDS đã trở thành bệnh mãn tính có thể kiểm soát được tại Mỹ. Nhưng, tình trạng dịch bệnh AIDS vẫn diễn biến đáng quan ngại tại châu Phi và các khu vực khác trên thế giới. Một số nơi, tình trạng khẩn cấp vẫn tiếp diễn.

Chuyên gia nghiên cứu Erica Charters thuộc Đại học Oxford cho rằng các đại dịch không chấm dứt hoàn toàn khi một số khu vực trên toàn cầu vẫn ghi nhận các đợt bùng phát dịch.

Theo chuyên gia Charters, dịch bệnh toàn cầu kết thúc khi dần chuyển sang trạng thái dịch bệnh cục bộ tại các khu vực trên thế giới.

Zika

Năm 2015, các ca bệnh do virus Zika bùng phát tại Brazil do muỗi mang virus gây ra. Tới cuối năm 2015, các ca bệnh lan rộng tại các nước Mỹ Latin cũng do vật chủ mang virus là muỗi.

Năm 2016, WHO công bố dịch Zika là tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng trên toàn cầu. Loại virus này trở thành nỗi khiếp sợ khi một số nghiên cứu chỉ ra rằng thai phụ nhiễm virus Zika trong thời gian mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển của não, gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ ghi nhận 224 ca bệnh do muỗi lây truyền tại lục địa Mỹ và hơn 36.000 ca trong các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ.

Tuy nhiên, các ca bệnh giảm mạnh vào năm 2017 và dường như dịch Zika biến mất khi đa phần dân số đạt miễn dịch, theo các chuyên gia.

Theo tiến sĩ Denise Jamieson, cựu quan chức CDC Mỹ, các ca nhiễm virus Zika giảm mạnh khiến áp lực phải điều chế vaccine Zika tại Mỹ cũng giảm xuống. Hiện nay, vẫn chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị Zika.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định dịch bệnh Zika có thể bùng phát trở lại nếu virus đột biến hoặc nhiều người trẻ tuổi chưa có khả năng miễn dịch.

Theo chuyên gia Jamieson tại trường y Đại học Emory, với hầu hết các đại dịch, không có tình trạng kết thúc hoàn toàn.

Covid-19

WHO thông báo Covid-19 là đại dịch vào ngày 11/3/2020 và sẽ dựa trên thời điểm số lượng các quốc gia ghi nhận các ca mắc giảm đáng kể (hoặc ít nhất dựa trên số ca phải nhập viện hoặc tử vong) để có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Song đến nay, WHO vẫn chưa đưa ra tiêu chí cụ thể và cần bàn bạc thêm.

Các ca mắc Covid-19 giảm đáng kể tại Mỹ, và giảm 5% trên toàn cầu vào tuần trước. Tuy nhiên, một số khu vực ghi nhận số ca mắc mới tăng như Anh, New Zealand và Hong Kong (Trung Quốc).

Chuyên gia y tế Carissa Etienne cho rằng tại nhiều quốc gia, người dân vẫn cần được tiêm chủng và chăm sóc y tế.

Chẳng hạn, tại khu vực Mỹ Latin và Caribbean, hơn 248 triệu người vẫn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Theo bà, các quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine thấp vẫn có khả năng gia tăng số ca nhiễm bệnh và trường hợp nhập viện và tử vong trong thời gian tới.

Theo tiến sĩ Ciro Ugarte, thuộc tổ chức Pan American Health Organization, “Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch. Chúng ta vẫn cần tiếp cận với dịch Covid-19 một cách thận trọng”.

Vì sao tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao ở Hong Kong?

Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở người cao tuổi và khả năng miễn dịch tự nhiên không cao đã góp phần gây áp lực lên hệ thống y tế Hong Kong trong đợt bùng phát dịch hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh (Theo AP) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN