Các cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới năm 2024

Hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và trung tâm chính trị, trong đó có các cường quốc hàng đầu thế giới và khu vực như Indonessia, Nga, Ấn Độ, Mỹ… hay Liên minh Châu Âu (EU) chiếm hơn 40% dân số và đa phần GDP toàn cầu diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng mà kết quả của nó tác động không nhỏ tới tình hình khu vực cũng như cả thế giới trong tương lai.

Những cuộc bầu cử quan trọng ở khu vực

Ngày 14-2, khoảng 204,8 triệu cử tri Indonesia đã đi bỏ phiếu để bầu tân Tổng thống, Phó Tổng thống và các thành viên của Hạ viện (DPR), Hội đồng đại diện khu vực (DPD) cùng Hội đồng lập pháp khu vực (DPRD) ở cấp tỉnh, thành phố và quận huyện tại quốc gia vạn đảo lớn nhất Đông Nam Á này. Với sự ổn định của nhiều năm, dù ứng cử viên nào giành chiến thắng cuộc tổng tuyển cử có quy mô lớn nhất tại Đông Nam Á cũng không tác động nhiều tới chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia vạn đảo, trong đó Indonesia tiếp tục duy trì mối quan hệ tích cực với tất cả các cường quốc trên thế giới phù hợp với chính sách đối ngoại “không liên kết” của Indonesia và theo đuổi “chính sách láng giềng tốt”.

Ngày 14-2, khoảng 205 triệu cử tri Indonesia đã đi bầu cử tổng thống

Ngày 14-2, khoảng 205 triệu cử tri Indonesia đã đi bầu cử tổng thống

Các chính đảng có ứng viên tranh cử vào Thượng viện Camppuchia khóa V hiện đang tích cực vận động cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 25-2 tới. Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), 4 chính đảng có ứng viên tranh cử gồm đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng Ý chí Khmer, đảng Bảo hoàng FUNCINPEC và đảng Sức mạnh Dân tộc sẽ cạnh tranh 58 trong số 62 ghế Thượng viện; 2 trong số 4 ghế sẽ do Quốc vương Norodom Sihamoni chỉ định và 2 ghế còn lại do Quốc hội giới thiệu thông qua quy trình lấy phiếu tín nhiệm.

Lên tiếng khi phát động chiến dịch vận động tranh cử Thượng viện Campuchia khóa V, Chủ tịch CPP Hun Sen đã gửi thông điệp tới toàn thể người dân, khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử sắp tới đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở quốc gia Đông Nam Á này. Chủ tịch CPP nhấn mạnh tuy cuộc bầu cử sắp tới không phải là cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu, nhưng được tiến hành theo ý nguyện thực sự của người dân vì những người trực tiếp bỏ phiếu - các nghị sĩ và ủy viên hội đồng xã, phường - là những đại biểu của nhân dân, xuất thân từ ý chí của nhân dân Campuchia nhằm đưa đất nước phát triển ngày càng vững mạnh, đời sống nhân dân ngày càng sung túc.

Việc Tổng thống Yoon Hàn Quốc Suk-yeol hoãn chuyến công du theo kế hoạch diễn ra vào tuần tới đến Đức và Đan Mạch cho thấy tầm quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội nước này. Việc đảng Dân chủ Hàn Quốc DPK, đảng đối lập chính của cựu Tổng thống Moon Jae-in, đang nắm đa số ghế trong Quốc hội khiến quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội nước này lâm vào bế tắc, không thể thông qua các đạo luật theo ý của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol. Trong khi đó, Tổng thống Yoon Suk-yeol lại đang đối mặt với tỷ lệ tín nhiệm xuống mức thấp, dưới ngưỡng 30%, nên đảng Sức mạnh quốc dân (PPP) của ông rất cần phải giành được đa số ghế tại Quốc hội trong kỳ bầu cử này.

Một trong những cuộc bầu cử quốc gia quan trọng nhất của châu Á và thế giới trong năm 2024 sẽ diễn ra ở quốc gia đông dân nhất thế giới Ấn Độ vào mùa hè năm nay. Đương kim Thủ tướng Narendra Modi cùng đảng BJP cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc của ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba. Ông Narendra Modi nhận được ủng hộ của phần lớn người dân Ấn Độ nhờ các thành tích lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, cũng như triển khai chính sách chống tham nhũng hiệu quả. Kể từ khi ông Modi nhậm chức, Ấn Độ đã phát triển từ nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới lên nền kinh tế lớn thứ 5, và có khả năng lọt top 3 vào năm 2027.

Tác động tới tình hình thế giới những năm tới

Một trong hai cuộc bầu cử được dõi theo với sự quan tâm sâu sắc trên toàn cầu là cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3 và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 năm nay. Tại nước Nga, dù 4 ứng cử viên là Leonid Slutsky của đảng Dân chủ tự do Nga (LDPR), Vladislav Davankov của đảng Những người mới, Nikolay Kharitonov của Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) và Tổng thống đương nhiệm Nga Vladimir Putin - người đang tranh cử nhiệm kỳ thứ năm với tư cách ứng viên độc lập, nhưng đương kim Tổng thống Vladimir Putin được xem là ứng cử viên sáng giá nhất, vượt trội sao với các ứng cử viên còn lại và hầu như không có ứng viên nào có thể cạnh tranh được với ông. Theo các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Vladimir Putin hiện lên tới mức kỷ lục, dao động từ 80-85%.

Đây cũng sẽ là lần đầu tiên cư dân của các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhia, và Kherson mà Nga tuyên bố sáp nhập sau Chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2-2022 tham gia bỏ phiếu. Gần hai năm sau khi bắt đầu xung đột với Ukraine, nền kinh tế Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây để tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nga cũng không còn phụ thuộc vào mối quan hệ thương mại năng lượng với châu Âu.

Chiến dịch quân sự tại Ukraine cũng như các thách thức khác như cuộc nổi dậy bất thành vào tháng 6-2023 của ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh nhóm Wagner, không những không ảnh hưởng tới hình ảnh của ông Vladimir Putin trong con mắt người dân Nga mà còn nâng cao uy tín của ông trên chính trường. Trong trường hợp ông Vladimir Putin tái đắc cử để cầm quyền tới năm 2030, cuộc xung đột với Ukraine vẫn tiếp diễn theo chiều hướng như hiện nay và nước Nga sẽ tiếp tục là một “cực” đối trọng với phương Tây do Mỹ đứng đầu trong cuộc đấu tranh địa chính trị kéo dài và quyết liệt.

Cuộc bầu cử được cả thế giới dõi theo tại nước Mỹ vào tháng 11 nhiều khả năng sẽ là màn tái đấu kịch tính giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump. Cựu Tổng thống Donald Trump ngày càng khẳng định vị thế là ứng cử viên dẫn đầu một cách khác vững chắc cho đề cử của đảng Cộng hòa dù đang phải đối mặt với nhiều rắc rối hình sự.

Chiến thắng của ông Donald Trump hay đương kim Tổng thống Joe Biden sẽ tác động sâu sắc tới chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ bởi sự khác biệt rất lớn trong cương lĩnh tranh cử của hai ông. Trong trường hợp ông Donald Trump giành chiến thắng, theo giới quan sát, có khả năng sẽ tạo ra sự bất ổn lớn trên toàn cầu vì cựu Tổng thống có thể đẩy lùi các chính sách quan trọng hàng đầu của ông Joe Biden, trong đó có vấn đề nhập cư. Việc đảo lộn hay hủy bỏ các chính sách của ông Joe Biden trong 4 năm qua sẽ “làm suy yếu” sự thống nhất của phương Tây và khiến chính sách của Mỹ trở nên khó dự đoán hơn đáng kể, nhất là đối với cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraina cũng như mối quan hệ với cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ là Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden trong thời gian cầm quyền luôn thực thi chính sách “Nước Mỹ đã trở lại” trên trường quốc tế, trong đó hỗ trợ tối đa cho Ukraina trong cuộc xung đột với Nga và việc thúc đẩy các mối quan hệ đồng minh ở châu Á nhằm duy trì vai trò ảnh hưởng, lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp ông Donald Trump trở lại có thể đảo ngược xu hướng và làm mới chiến dịch “Nước Mỹ đang rời đi” mà ông theo đuổi, thể hiện từ nhiệm kỳ đầu tiên 2016-2020 tới nay.

Không phải là cuộc bầu cử tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới của quốc gia nhưng cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào mùa hè năm 2024 có thể ảnh hưởng tới các mối quan hệ quan trọng không chỉ ở Cựu lục địa, với Nga mà cả thế giới nói chung. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen có thể được bổ nhiệm lại, thế nhưng Hội đồng châu Âu - cơ quan chịu trách nhiệm xác định các ưu tiên chính trị chung của EU - sẽ có một nhà lãnh đạo mới khi vấn đề “an ninh kinh tế và quyền tự chủ chiến lược là mục tiêu chính trị hàng đầu”.

Tương lai thế giới, ít nhất trong vòng 4 năm tới, sẽ phụ thuộc một phần quan trọng vào kết quả những cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2024 này.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuẩn bị cho cuộc bầu cử Mỹ 2024, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden có chiến lược rõ ràng, hành động cụ thể cho màn tái đấu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hà ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN