Các công cụ ‘sẵn có’ giúp chấm dứt đại dịch
Chiến lược kết hợp vaccine, thuốc kháng virus, các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ và hợp tác toàn cầu sâu rộng hơn có thể giúp chấm dứt đại dịch COVID-19.
Theo kênh Channel News Asia, trong mỗi làn sóng dịch mà Mỹ trải qua, việc hành động quá ít so với những gì có thể làm đã khiến họ phải trả giá đắt. Sau khi triển khai tiêm vaccine diện rộng, số ca mắc mới ở nước này giảm đáng kế. Tuy nhiên, biến thể Delta đã làm đảo lộn mọi thứ, chúng len lỏi vào nhóm chưa được tiêm chủng và khiến số ca mắc mới hàng ngày tăng vọt.
Từ những gì chúng ta biết về khả năng thích nghi và phát triển của virus SARS-CoV-2 thông qua các đột biến, chỉ có một lựa chọn khả thi để kiểm soát dịch bệnh về lâu dài, đó chính là chiến lược kết hợp vaccine, thuốc kháng virus, các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ và hợp tác toàn cầu sâu rộng hơn.
Sự kết hợp vaccine, thuốc kháng virus và các biện pháp y tế công cộng
Theo Channel News Asia, vaccine chính là lớp phòng thủ đầu tiên bảo vệ chúng ta khỏi COVID-19. Vaccine đã có hiệu quả cao ngay từ thế hệ đầu tiên được sản xuất tại Mỹ, và các thế hệ tiếp theo sẽ còn mạnh hơn.
Thuốc kháng virus Remdesivir đã được FDA chấp thuận đưa vào điều trị COVID-19 khẩn cấp hồi tháng 5-2020. Ảnh: EPR
Tuy nhiên, dù có các mũi tiêm tăng cường và các thế hệ vaccine tiếp theo đã được điều chỉnh sao cho hiệu quả với các biến thể mới, đại dịch sẽ không thể chấm dứt chỉ bằng việc triển khai tiêm ngừa.
Vaccine sẽ không hiệu quả đối với tất cả mọi người. Vaccine vẫn có 5% thất bại trong việc chống lại chủng virus ban đầu. Trong khi đó, biến thể Delta lại chứng minh “sự lão luyện” của mình khi có thể vượt qua lớp phòng thủ vaccine tốt hơn các biến thể trước.
Hơn nữa, vaccine cũng giảm hiệu quả đáng kể đối với một số người như những người được cấy ghép tạng, dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân ung thư và một bộ phận người cao tuổi. Giống như vaccine cúm hàng năm, bằng chứng ban đầu cho thấy khả năng miễn dịch nhờ vaccine cũng có thể mất dần theo thời gian.
Vì lẽ đó, các loại thuốc kháng virus và thuốc phòng ngừa sẽ là những yếu tố vô cùng cần thiết để bù đắp lỗ hổng của vaccine, tạo nên lớp phòng thủ thứ hai trước COVID-19. Chính phủ Mỹ gần đây đã cam kết chi 3,2 tỉ USD để phát triển các liệu pháp kháng virus nhằm tăng sức ứng phó đối với virus SARS-CoV-2.
Mặc dù hầu hết mọi người tập trung vào việc sử dụng các loại thuốc này như một phương pháp điều trị, nhưng khả năng thực sự của chúng nằm ở việc kiểm soát đại dịch. Theo Channel News Asia, việc dùng các loại thuốc này có thể giúp những người từng tiếp xúc với virus không bị đổ bệnh hoặc lây lan cho người khác.
Đề cập tới các biện pháp y tế công cộng, Channel News Asia dẫn tin các quốc gia như Australia, Trung Quốc, New Zealand và Singapore đã áp dụng hiệu quả phương pháp xét nghiệm diện rộng, truy vết tiếp xúc toàn diện, cách ly bắt buộc, kiểm soát chặt chẽ biên giới và cách ly người mới nhập cảnh.
Theo Channel News Asia, đây là những chiến lược quan trọng để bảo vệ người dân khỏi hầu hết mọi bệnh truyền nhiễm trong lịch sử hiện đại. Tuy nhiên, đối Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới, công tác xét nghiệm và truy vết đã bị trì trệ, hoặc thậm chí thất bại ngay từ đầu.
Sự ra đời của các loại thuốc kháng virus đã giúp họ bù đắp lại lỗ hổng này. Những loại thuốc này cũng giúp mở ra cơ hội mới với ngành du lịch, khi giúp loại bỏ yêu cầu cách ly trong thời gian dài.
Những loại thuốc này hiện vẫn chưa được sử dụng rộng rãi do chi phí sản xuất cao và cần phải truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, các thế hệ thuốc kháng virus tiếp theo được kỳ vọng sẽ ở dạng viên nén, giúp có thể sử dụng ở những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao như viện dưỡng lão - nơi có nhiều người bị ức chế miễn dịch và không thể dựa vào sự bảo vệ từ vaccine.
Sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế - yếu tố then chốt chống dịch
Ba phương pháp kể trên sẽ vẫn không hiệu quả nếu không được triển khai rộng rãi trên toàn thế giới. Điều này có nghĩa là cộng đồng quốc tế phải cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh qua việc tăng cường khả giám sát cũng như tăng cường sự phổ biến của các hoạt động xét nghiệm, điều trị và tiêm ngừa.
Theo Channel News Asia, hiện nay các cơ chế hợp tác quốc tế đang bị suy yếu bởi chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa dân tộc vaccine. Tuy nhiên, tương lai vẫn có nhiều hy vọng khi các nước có thu nhập cao đang dư thừa vaccine. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất vaccine tại địa phương cũng đang được xúc tiến.
Bên cạnh những việc sản xuất và tiêm vaccine, cộng đồng quốc tế cần quan tâm nhiều đến việc giám sát dịch bệnh trên toàn cầu để xác định các đợt bùng phát mới, đặc biệt là nơi bùng dịch vì các biến thể dễ lây lan.
Sau 18 tháng đại dịch, chúng ta đã có những thứ cần thiết để chấm dứt nó. Giờ đã đến lúc chúng ta phải áp dụng kiến thức và tận dụng mọi công cụ mà chúng ta có. Không có cách tiếp cận đơn lẻ nào là đủ. Cùng nhau, bốn vòng phòng thủ - vaccine, thuốc kháng virus, các biện pháp y tế công cộng và hợp tác quốc tế - có thể giúp chúng ta loại bỏ COVID-19.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo các chuyên gia Trung Quốc, "kiểm soát được dịch bệnh" nghĩa là không ghi nhận ca Covid-19 mới trong ngày.