Các chuyên gia nói dịch virus Corona ngày càng lây lan mạnh

Các chuyên gia trên thế giới bày tỏ lo ngại rằng virus Corona ngày càng giống một đại dịch toàn cầu, nhưng không rõ số người chết vì virus có thể tăng đến mức nào.

Các nhân viên y tế Trung Quốc đưa người nhiễm virus đi cách ly.

Các nhân viên y tế Trung Quốc đưa người nhiễm virus đi cách ly.

Theo New York Times, virus Corona ngày càng lây lan mạnh ở Trung Quốc và đã xuất hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các nhà khoa học vẫn chưa rõ virus Corona nguy hiểm đến mức nào và vì vậy rất khó để ước tính thiệt hại và số người chết do virus. Nhưng có một điều chắc chắn rằng virus rất dễ lây từ người sang người.

Virus Corona lây lan mạnh giống như bệnh cúm, hơn là các chủng virus cùng họ chậm hơn nhiều như SARS và MERS.

“Virus lây lan rất, rất nhanh, gần như chắc chắn đây sẽ là một đại dịch”, bác sĩ Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ở Mỹ, cho biết. “Nhưng nó có phải là thảm họa hay không? Tôi không biết”.

Các mô hình tính toán ước tính số người nhiễm virus Corona đã lên tới 100.000 người. Số liệu Trung Quốc công bố chính thức tính đến ngày 2.2 là hơn 16.500 ca nhiễm ở đại lục, 360 người chết.

Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 ghi nhận 20-50 triệu người chết.

Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 ghi nhận 20-50 triệu người chết.

Virus SARS trong quá khứ lây nhiễm trong 9 tháng nhưng chỉ có 8.098 trường hợp nhiễm bệnh. MERS còn chậm hơn nhiều, chỉ có 2.500 trường hợp.

Tỉ lệ người chết vì virus Corona hiện chỉ ở mức 2%, nhưng vì dịch bệnh chưa kết thúc nên chưa thể vội đưa ra kết luận. Tỉ lệ người chết với virus SARS là 10% và virus MERS là 30%.

Năm 1918, bệnh cúm Tây Ban Nha cũng chỉ có tỉ lệ tử vong là 2,5%, nhưng vì nó lây nhiễm quá nhiều người, nên số người chết ước tính từ 20-50 triệu người.

“Càng ngày càng thấy không thể kiểm soát được virus”, bác sĩ Thomas R. Frieden, cựu giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ở Mỹ, cho biết. “Nó lây lan nhanh như bệnh cúm, nhưng không biết đến mức nào nó mới ngừng lại”.

Các chuyên gia hiện vẫn cần nghiên cứu thêm để có đánh giá toàn diện về virus. Việc phong tỏa biên giới, ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc không phải là biện pháp ngăn chặn hoàn toàn virus, nhưng nó sẽ giúp các chuyên gia có thêm thời gian để phát triển thuốc đặc trị và vaccine, theo New York Times.

“Virus lây lan như H1N1 hơn là SARS. Tôi cảm thấy rất quan ngại”, bác sĩ Peter Piot, Giám đốc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh ở London, Anh, nói. “Tỉ lệ tử vong 1% cũng có nghĩa là 10.000 người chết trong 1 triệu người lây nhiễm”.

Bác sĩ Ấn Độ theo dõi người trở về từ Trung Quốc.

Bác sĩ Ấn Độ theo dõi người trở về từ Trung Quốc.

Mô hình dịch tễ học do Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu công bố hôm 31.1 ước tính 75% người nhiễm bệnh đến châu Âu từ Trung Quốc vẫn đang trong thời kỳ ủ bệnh và do đó không thể phát hiện được ở các sân bay.

Có khả năng virus Corona sẽ biến mất khi thời tiết ấm lên, giống như các loại virus cúm thông thường. Virus SARS hay MERS cũng chỉ hoạt động mạnh vào mùa đông.

Nhưng dù virus có biến mất vào tháng 6, tháng đỉnh điểm của nắng nóng, một đợt lây nhiễm mới hoàn toàn có thể quay lại vào các mùa đông sau đó, giống như các đại dịch cúm trong quá khứ. Đến lúc đó, có lẽ các chuyên gia đã tìm ra phương pháp đặc trị virus Corona, theo New York Times.

Phương pháp chữa trị hiện tại là kết hợp giữa thuốc kháng virus HIV và thuốc kháng virus cúm. Thái Lan hôm 2.2 thông báo kết quả tích cực khi điều trị một bệnh nhân nhiễm virus Corona theo cách trên.

Nguồn: [Link nguồn]

Virus Corona: 360 người chết ở Trung Quốc, hơn 16.500 người nhiễm bệnh

Trung Quốc ngày 2.2 đã công bố số người nhiễm bệnh và tử vong vì virus Corona, trong khi số người khỏi bệnh được xuất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN