Các cầu thủ Ma Rốc có hiểu tiếng nói của nhau khi thi đấu tại World Cup?
Các cầu thủ Ma Rốc thi đấu tại World Cup tại vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, không chỉ vì nhiều cầu thủ sinh ra và lớn lên ở châu Âu, mà còn sự khác biệt giữa các phương ngữ trong nước.
Các cầu thủ Ma Rốc ăn mừng chiến thắng trước Bồ Đào Nha ở tứ kết World Cup 2022.
Ma Rốc (Morocco) đang là tâm điểm của sự chú ý khi đội tuyển quốc gia nước này trở thành đại diện đầu tiên góp mặt ở vòng bán kết World Cup của bóng đá châu Phi. Một bộ phận người hâm mộ bóng đá cũng rất tò mò về di sản và lịch sử Ma Rốc.
Trang The National News ngày 13/12 đăng tải thông tin cho biết, nhiều cầu thủ trong đội tuyển Ma Rốc tham dự World Cup đã nói về những khó khăn khi giao tiếp với nhau, không chỉ vì nhiều cầu thủ sinh ra và lớn lên ở châu Âu, mà còn sự khác biệt giữa các phương ngữ trong nước.
Gần đây, trong một video trả lời phỏng vấn, tiền vệ Abdelhamid Sabiri, tiết lộ rằng anh gặp khó khăn khi phải đưa ra quan điểm cá nhân bằng tiếng Darija (tiếng Ả Rập Ma Rốc - ngôn ngữ chính thức quốc gia). Đó là vì ở quê nhà Sabiri tại Ma Rốc, mọi người xung quanh thường nói với nhau bằng tiếng Berber - một dạng ngôn ngữ dân tộc.
"Tiếng Ả Rập của tôi không tốt lắm. Ở quê nhà, tôi cũng ít khi dùng đến tiếng Ả Rập. Tôi thực sự không hiểu lắm khi mọi người trao đổi bằng tiếng Darija", Sabiri nói.
The National News cho biết, một số tuyển thủ Ma Rốc biết tiếng Berber và cũng không ngần ngại biểu lộ điều này. Thủ môn Munir El Kajou, thành viên đội tuyển dự World Cup, từng đăng ảnh mình chụp cùng lá cờ Berber - lá cờ mang tính biểu tượng của cộng đồng người Berber ở Ma Rốc.
Một cuộc khảo sát năm 2012 của chính phủ Tây Ban Nha cho thấy, 98% người Ma Rốc biết tiếng Darija, 63% biết tiếng Pháp, 25% biết tiếng Berber, 14% biết tiếng Anh và 10% biết tiếng Tây Ban Nha.
Ma Rốc là quốc gia đa ngôn ngữ
Darija là ngôn ngữ chính thức ở Ma Rốc. Nhưng nó có những khác biệt cơ bản với tiếng Ả Rập ở các nước khác. Người Ả Rập đến Ma Rốc chưa chắc đã hiểu được ngôn ngữ này do người Ma Rốc đã có sự biến tấu trong giai đoạn văn hóa Ả Rập du nhập vào nước này suốt hàng ngàn năm.
Ngay cả ở trong nước, cũng có sự khác biệt giữa tiếng Darija ở các vùng, đặc biệt là ở phía bắc so với phần còn lại của Ma Rốc.
Phương ngữ được sử dụng nhiều thứ hai là tiếng Berber, là ngôn ngữ của người bản địa Ma Rốc.
Pháp và Tây Ban Nha từng kiểm soát Ma Rốc trong giai đoạn đầu những năm 1900. Mặc dù Ma Rốc đã độc lập vào năm 1956, tiếng Pháp là ngôn ngữ phổ biến ở khắp độ tuổi người Ma Rốc.
Nguyên nhân là vì đây là tiếng nước ngoài được giảng dạy trong trường học, sử dụng trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, văn hóa và khoa học.
Tiếng Tây Ban Nha chỉ được phổ biến ở các vùng phía bắc Ma Rốc, nơi ảnh hưởng của bán đảo Iberia (gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), vẫn còn hiện diện ở Ma Rốc.
Người Ma Rốc là người châu Phi, châu Âu hay Ả Rập?
Ma Rốc có sự pha trộn văn hóa phong phú giữa ảnh hưởng của Ả Rập, Berber, Do Thái, châu Âu và châu Phi.
Đại đa số người Ma Rốc là người Ả Rập và người bản địa gốc Berber, tương tự với các quốc gia khác ở Bắc Phi.
Ma Rốc có dân số khoảng 35 triệu người, đa phần là người Ả Rập và người Berber.
Nguồn: [Link nguồn]
Đội tuyển Ma Rốc (Morocco) có cơ hội viết tiếp những điều kỳ diệu trong trận bán kết gặp đội tuyển Pháp vào rạng sáng ngày 15/12 (giờ Việt Nam).