Các bước đi mới của EU và phản ứng của Nga
Nga phản ứng mạnh trước việc EU đề xuất gói trừng phạt mới lên Nga.
Trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng, quan hệ giữa Nga và phương Tây cũng không có dấu hiệu dịu đi. Trước những động thái nhằm vào Nga gần đây của phương Tây, Moscow cũng đã có những phát ngôn nhằm đáp trả.
EU chuẩn bị ra gói trừng phạt thứ 8, Nga nói EU "tự bắn chân mình"
Để đáp trả việc Nga tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga tại 4 tỉnh Ukraine, gồm Luhansk, Donetsk, Zaporizhia và Kherson, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào Moscow.
Ngày 27-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng Nga đã làm chiến sự căng thẳng nay còn leo thang hơn và do đó phải trả giá, theo kênh Euronews.
Gói trừng phạt thứ 8 sẽ có các lệnh cấm nhập khẩu một số loại hàng hóa Nga vào thị trường EU, điều này có thể tước đi của Moscow 6,7 tỉ USD doanh thu. EU cũng sẽ cấm xuất khẩu một số mặt hàng tới Nga, đặc biệt là các loại hàng về liên quan quốc phòng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: EPA
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng: "Các lệnh cấm xuất khẩu này sẽ làm suy yếu thêm nền tảng kinh tế của Nga và sẽ làm suy yếu năng lực hiện đại hóa của nước này".
Theo bà von der Leyen, gói trừng phạt thứ 8 của EU cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho khối thực hiện quyết định áp giá trần lên dầu Nga mà các nước G7 đã đưa ra hồi đầu tháng. Nữ lãnh đạo này khẳng định việc áp giá trần lên dầu Nga sẽ làm giảm doanh thu của Nga và giữ cho thị trường năng lượng toàn cầu ổn định, theo Euronews.
Ngày 4-10, Đại sứ các nước EU đã nhất trí về việc áp giá trần dầu Nga như một phần của gói trừng phạt và dự kiến sẽ thông qua văn bản cuối cùng vào ngày 5-10, theo tờ Politico.
Đáp lại, ngày 3-10, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng việc phương Tây tiếp tục đưa ra các hạn chế và trừng phạt mới lên Nga là điều không nằm ngoài dự tính của Moscow. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt là con dao 2 lưỡi và phương Tây làm điều này như tự bắn vào chân mình, hãng thông tấn TASS cho hay.
Ông cho rằng phương Tây đang tự bắn vào chân mình vô thời hạn vì “tất cả các lệnh trừng phạt này đều phản tác dụng”. Ông nói rằng các lệnh này đã gây ra lạm phát, nạn đói, khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu.
Cũng trong ngày 3-10, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Belarus, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin so sánh các lệnh trừng phạt của phương Tây giống như một cuộc chiến tranh tổng lực về kinh tế và gây ra nhiều thách thức. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, đặc biệt là trong thương mại sẽ giúp 2 nước vượt qua những thách thức mới này.
Cộng đồng chính trị châu Âu chuẩn bị họp, Nga e ngại
Ngày 6-10, dự kiến cuộc họp đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) sẽ diễn ra tại thủ đô Praha (CH Séc). Theo đó, 27 lãnh đạo các nước EU và 17 lãnh đạo của các nước không thuộc EU, gồm Anh, NaUy, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, sẽ cùng nhau nhóm họp, theo hãng tin Reuters.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người khởi xướng thành lập Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC). Ảnh: GETTY IMAGES
EPC được thành lập dựa trên ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra hồi tháng 5. Ông cho rằng đây là một cách để gắn kết các nước châu Âu và chia sẻ các giá trị chung.
Chia sẻ tại viện nghiên cứu Wilson Center, Đại sứ Pháp tại Mỹ Philippe Etienne cho biết EPC sẽ là nơi để các nước châu Âu có thể thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm hợp tác chính trị và an ninh, khả năng phục hồi trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, cơ sở hạ tầng và xuất nhập cảnh tự do của người dân,...
Tuy nhiên, ông Etienne nhấn mạnh đây không phải là con đường thay thế cho việc gia nhập EU nhưng các nước có thể hành động cùng nhau một cách khẩn trương trước các thách thức chung.
Trước động thái này, ngày 3-10, Moscow đã bày tỏ sự hoài nghi về cuộc họp đầu tiên của EPC. Phía Nga cho rằng dù EPC có mục đích khá mơ hồ nhưng dường như là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở khu vực này, theo đài RT.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Việc thành lập khối mới này không thúc đẩy sự ổn định hoặc hay giúp xoa dịu tình hình căng thẳng hiện tại”.
Trước đó, vào hồi tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng ý tưởng của tổng thống Pháp Macron về việc thành lập EPC là ý tưởng với chủ ý đối đầu với Nga, theo hãng thông tấn TASS.
Ông Lavrov nói: "Cho đến nay, họ (phương Tây) đang quảng cáo EPC do Tổng thống Pháp Macron khởi xướng. Cộng đồng này sẽ không mang lại lợi ích kinh tế hoặc tài chính cụ thể nào, nhưng sẽ có yêu cầu đoàn kết chặt chẽ với EU trong các hành động chống Nga”.
Nguồn: [Link nguồn]
Hungary không muốn người dân trong nước phải trả giá cho cuộc xung đột mà họ “không liên quan”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố.