Ca nhiễm tăng cấp số nhân, Singapore vẫn tiếp tục mở cửa
Singapore đang trải qua đợt bùng phát nặng sau khi mở cửa với vài ngàn ca nhiễm mỗi ngày, dù thế chính phủ nước này vẫn quyết định trấn an người dân và tự tin tiến về phía trước.
Singapore đang trải qua một giai đoạn thách thức trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Sau thời gian mở cửa, từ giữa tháng 9, dịch ở Singapore bùng mạnh lại. Đáng ngại, từ đầu tuần đến giờ, nước này mỗi ngày ghi nhận tầm 3.000-3.500 ca nhiễm, hơn gấp đôi so với chỉ khoảng hai tuần trước, với 8-9 người chết/ngày, theo kênh Channel News Asia.
Người dân Singapore. Ảnh: Gaya Chandramohan
Nhiễm tăng mạnh, dân người lo, người bình tĩnh
Ngày 2-10, đội đặc nhiệm chống dịch đa bộ ngành của chính phủ Singapore đã họp báo về tình hình dịch. Ông Gan Kim Yong, đồng lãnh đạo đội đặc nhiệm chống dịch, là bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp từ tháng 5-2021, sau 10 năm (2011-2021) làm bộ trưởng Y tế, dự báo rằng số ca nhiễm có thể tăng trên mức 5.000 ca/ngày trong tuần này. Bộ Y tế thì dự báo cứ 8-10 ngày thì số ca nhiễm cộng đồng sẽ tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Gan Kim Yong khẳng định phần lớn ca nhiễm không có triệu chứng và có thể hồi phục nhanh tại nhà. Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cho rằng Singapore may mắn vì đối mặt với làn sóng dịch nặng lúc này - thời điểm tỉ lệ phủ sóng vaccine ở nước này đã cao.
Theo Bộ Y tế Singapore, tỉ lệ người đã tiêm vaccine khi bị nhiễm phải nhập viện và cần chăm sóc tích cực chỉ khoảng 0,2%. Dữ liệu cho thấy so với người chưa được tiêm vaccine, nguy cơ phải cần chăm sóc tích cực hay tử vong với người được tiêm vaccine đủ hai mũi ít hơn đến 14 lần. Đối tượng lo ngại nhất là người lớn tuổi, đặc biệt người lớn tuổi chưa được tiêm vaccine. Thực tế cho thấy phần nhiều các ca tử vong ở Singapore là người lớn tuổi.
Tuy thế, trong cuộc họp báo chung này, ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính Singapore, thừa nhận rằng trong dân chúng đang có nhiều cách nghĩ về chủ trương hành động của chính phủ, có người ủng hộ, người phản đối. Cụ thể theo ông, người dân có hai hình thức phản ứng khác nhau. Một nhóm thì lo lắng, kiểu như “nhìn xem, quá cao, phải nhanh phong tỏa lại và giảm số ca nhiễm xuống”. Một nhóm thì bình tĩnh hơn, kiểu như “đây hoàn toàn là điều đã được dự đoán, chúng ta đã thống nhất sống chung với COVID-19 rồi, vì thế cứ tiến về phía trước thôi”.
Singapore nên chấp nhận rằng đây sẽ không phải là làn sóng dịch COVID-19 cuối cùng. Bộ trưởng Tài chính Singapore LAWRENCE WONG, đồng lãnh đạo đội đặc nhiệm chống dịch đa bộ ngành của chính phủ Singapore |
Lùi lại hay tiến về phía trước?
Bộ trưởng Lawrence Wong đề nghị người dân không nên “quá lo lắng và sợ hãi” với số ca nhiễm hằng ngày mà hãy sát cánh và hợp tác với chính phủ.
Với nhóm lo lắng, Bộ trưởng Lawrence Wong cho rằng dĩ nhiên khi chứng kiến đà tăng ca nhiễm trong vài ngày gần đây, tới mức vài ngàn ca/ngày thì chuyện lo lắng là có thể hiểu được. Tuy nhiên, với việc nhóm này muốn các biện pháp hạn chế được siết lại, ông trấn an rằng Singapore “đã đi qua thời điểm phải làm vậy”. Ông nói rõ vì tỉ lệ tiêm vaccine đã đủ cao, Singapore giờ không cần quay lại thời đóng cửa như trước, mà có thể từng bước mở cửa song song với tăng năng lực hệ thống y tế để bảo vệ người bệnh nặng. Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cũng cho rằng Singapore thời điểm này đã “ở vị thế hoàn toàn khác”, có thể vượt qua làn sóng dịch này và sống chung với COVID-19.
Với nhóm muốn chính phủ mở cửa rộng hơn nữa, Bộ trưởng Lawrence Wong kêu gọi sự kiên nhẫn. Theo ông, đây là lần đầu tiên Singapore đối mặt với làn sóng dịch mạnh như vậy, nó đang gây căng thẳng lớn cho hệ thống y tế và nhân viên y tế. Vì thế Singapore lúc này vẫn chưa thể mở bung hết xem như không có dịch, vẫn cần giới hạn trong mức hệ thống y tế có thể chịu được. Ông khẳng định: “Chiến lược tái mở cửa toàn diện của chúng ta không thay đổi”.
Thời gian qua, Bộ Y tế Singapore đã xúc tiến lập thêm nhiều cơ sở chữa trị, trong bối cảnh nhu cầu điều trị tăng cao vì làn sóng dịch nặng hơn. Theo Bộ trưởng Gan Kim Yong, quan trọng là phải tiếp tục tối đa các nguồn lực y tế và để dành giường bệnh cho những người thực sự cần đến.
Về chiến lược tiêm chủng, theo Bộ Y tế Singapore cho biết cuối tuần rồi thì nhân viên y tế và lực lượng phản ứng tuyến đầu khả năng tới đây sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi 3). Tiêm mũi vaccine tăng cường cũng được khuyến khích với người từ 50 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 2 ít nhất sáu tháng trước.
Cũng nhằm tăng năng lực y tế, Singapore đã nhanh chóng vào cuộc đàm phán đặt hàng mua thuốc điều trị COVID-19. Ngày 6-10, Singapore đã chốt được thỏa thuận mua thuốc kháng virus dạng viên uống Molnupiravir của hãng Merck & Co.
Về phần người dân, chính phủ Singapore kêu gọi mọi người hợp tác bằng cách tự bản thân hạn chế các hoạt động xã hội không cần thiết.
Nên có cách nghĩ mới về COVID-19 thế nào? Trong một bài viết trên Channel News Asia, nhà xã hội học Omer Ali Saifudeen nhận định Singapore đang trải qua giai đoạn chuyển đổi tiến hóa, hướng tới sống với COVID-19 như một bệnh đặc hữu. Ông cũng đề nghị chính quyền và người dân nên có cách nghĩ mới về COVID-19. Cụ thể, trước tiên, chuyển từ tập trung vào số ca nhiễm sang ưu tiên chăm sóc y tế cho những người dễ bị tổn thương nhất và tiếp tục thực hiện các phác đồ quản lý an toàn và tiêm chủng. Thứ hai, bình thường hóa chuyện để người nhiễm không triệu chứng hay có triệu chứng nhẹ điều trị hồi phục tại nhà. Nếu không làm được điều này có thể sẽ tiếp tục chứng kiến các ca nhẹ hoảng sợ, tìm đến bệnh viện và sử dụng các nguồn lực y tế mà lý ra nên dành cho các trường hợp cần thiết hơn. Thứ ba, tập trung hỗ trợ bộ phận người yếu thế trong dịch (người nghèo, gặp khó khăn, nguy cơ bị lây nhiễm cao, có vấn đề về sức khỏe, tinh thần…), cùng dìu dắt nhau qua đại dịch. Cuối cùng, luôn duy trì suy nghĩ lạc quan rằng mọi thứ sẽ tốt hơn khi đại dịch đi qua. |
Một chuyên gia về mô hình dự đoán các bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Singapore cảnh báo, số ca mắc mới trong ngày của...
Nguồn: [Link nguồn]