Cá heo yêu say đắm người phụ nữ, tự sát khi phải xa "người tình"
Điều không ai ngờ tới đã xảy ra trong thí nghiệm, chú cá heo Peter đã phát triển tình yêu với một người phụ nữ sau một thời gian ở cùng nhau. Khi không còn được ở cùng người phụ nữ, con cá heo đã tự "kết liễu" theo cách riêng của loài này.
Margaret Howe và con cá heo Peter trong những năm 1960. Ảnh: BBC
Theo The Sun, con cá heo 6 tuổi có tên là Peter đã có tình cảm đặc biệt với Margaret Howe, nữ trợ lý nghiên cứu 23 tuổi, sau 10 tuần sống cùng nhau ở thời điểm những năm 1960.
Peter và Margaret lần đầu gặp nhau trong một thí nghiệm kỳ lạ do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tài trợ. Những con cá heo tham gia thí nghiệm sẽ được dạy để hiểu và thậm chí là bắt chước giọng nói của con người.
Mục đích lâu dài của thí nghiệm này là thông qua cơ chế học hỏi của cá heo để tìm ra cách giúp con người nói chuyện được với "người ngoài hành tinh" nếu họ thực sự tồn tại.
Để phục vụ thí nghiệm, một khu phức hợp rộng lớn, ngập nước có tên gọi là "nhà cá heo" ra đời. Tại đây, Margaret và Peter sẽ sống cùng nhau trong 10 tuần.
Margaret sẽ dành gần như toàn bộ thời gian của cô để ở dưới nước cùng Peter, ngoại trừ những lúc cô lên bờ nghỉ ngơi trên một chiếc giường hoặc ngồi ở một chiếc bàn ẩn sau lớp rèm phòng tắm.
Cặp đôi người và cá sống, ăn, ngủ và chơi cùng nhau khi Margaret cố gắng dạy Peter cách để bắt chước tiếng người.
Peter và Margaret có 10 tuần sống cùng nhau trong một thí nghiệm kỳ lạ do NASA tài trợ. Ảnh: BBC
Tiến sĩ John C Lilly, tới từ Phòng thí nghiệm Dolphin Point, trên đảo St Thomas ở vùng Caribbe đã giám sát thí nghiệm. Ông John dự đoán, cá heo có thể bắt chước giọng nói của con người trong vòng "1 hoặc 2 thập kỷ tới", tính từ thời điểm thí nghiệm diễn ra.
Tuy nhiên, giữa Peter và Margaret lại xảy ra một sự phát triển kỳ lạ mà không ai nghĩ tới. Đó là việc chú cá heo Peter "yêu say đắm" Margaret.
Dù thí nghiệm thất bại trong việc bắt cá heo học tiếng Anh nhưng lại giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn sâu sắc về cảm xúc mạnh mẽ của động vật.
Sau vài tuần Peter tỏ ra thích thú và muốn ở bên cạnh Margaret. Ảnh: BBC
Sau 4 tuần thí nghiệm, Margaret phát hiện Peter bắt đầu thích thú ở gần cô, có những hành vi tán tỉnh của một con cá heo đực dành cho con cái.
Khi mọi hành vi của Peter ngày càng thể hiện rõ hơn, Margaret buộc phải có những hành động đáp lại để con cá heo tập trung hoàn thành tốt thí nghiệm. Dù thừa nhận có cảm tình với Peter, nhưng nữ trợ lý phủ nhận các hành động của cô nhằm thỏa mãn dục vọng của bản thân mà chủ đích là để giúp con cá heo thoải mái hơn.
"Mối quan hệ chuyển từ bắt buộc phải ở cùng nhau thành sự thích thú ở bên nhau và muốn ở bên nhau. Tôi cảm thấy nhớ Peter khi không ở cùng nó", Margaret chia sẻ trong một bộ phim tài liệu của BBC năm 2014.
Margaret trong bộ phim tài liệu của BBC năm 2014. Ảnh: BBC
Peter thậm chí còn biết "ghen" khi Margaret nói chuyện với người khác và chú cá heo đực này cũng không phát triển quan hệ với 2 con cá heo cái khác khi được nhốt cùng.
Tuy nhiên, khi mối quan hệ giữa Peter và Margaret tiến triển ở mức thân thiết, kinh phí cho thí nghiệm cạn kiệt và "nhà cá heo" phải đóng cửa.
Peter được chuyển tới một phòng thí nghiệm nhỏ hơn ở Florida, Mỹ, cách xa "người yêu" hàng nghìn km.
Trong vài tuần, con cá heo dường như tỏ ra đau đớn và đã chết bằng một hành động mà các chuyên gia gọi là "tự sát" của loài cá heo.
"Tôi nhận được điện thoại từ tiến sĩ John. Ông ấy nói Peter đã tự sát", Margaret chia sẻ với tờ The Guardian.
Andy Williamson, bác sĩ thú y của phòng thí nghiệm ở Florida, còn cho rằng, Peter chết vì không được ở cùng "người yêu".
"Margaret có thể vượt qua được điều đó, nhưng Peter thì không", Williamson nói.
Ric O’Barry, nhà nghiên cứu tới từ tổ chức bảo vệ quyền động vật, The Dolphin Project, cũng cho rằng cái chết của Peter là hành động "tự sát" của loài cá heo.
"Cá heo không phải loài tự thở như con người. Mỗi hơi thở của chúng là một nỗ lực có kiểm soát. Nếu gặp phải những thay đổi lớn, cá heo chỉ cần lấy một hơi rồi tự chìm xuống đáy bể. Chúng không ngoi lên thở lần tiếp theo nữa", O’Barry giải thích.
Nguồn: [Link nguồn]
Khoảnh khắc gây kinh ngạc của đàn cá heo hàng nghìn con thực chất là một cái bẫy thông minh.