Bước ngoặt "định mệnh" mối quan hệ Nga - Ukraine

Những thông điệp rõ ràng của Tổng thống Vladimir Putin đã "đóng đinh" vị thế của 4 vùng lãnh thổ mới với nước Nga, bước đi được mô tả là rất khó đảo ngược trong tương lai...

Nga quyết tâm bảo vệ "lãnh thổ mới"

Tại Sảnh đường St. George trong Điện Kremlin ngày 30/9, trước các thành viên lưỡng viện Quốc hội Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức kí thỏa thuận về việc sáp nhập các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, sau khi các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy phần lớn cư dân 4 vùng đó ủng hộ việc gia nhập Nga.

Tổng thống Nga và lãnh đạo các vùng mới sáp nhập trong lễ ký thỏa thuận tối 30/9. Ảnh TASS.

Tổng thống Nga và lãnh đạo các vùng mới sáp nhập trong lễ ký thỏa thuận tối 30/9. Ảnh TASS.

"Tôi chắc chắn rằng Quốc hội Liên bang sẽ ủng hộ các đạo luật hiến pháp về việc thông qua và hình thành thêm 4 khu vực mới ở Nga, 4 chủ thể mới của nước Nga, vì đó là ý nguyện của toàn bộ người dân", Tổng thống Putin nói thêm.

Hiến pháp Nga hiện ghi nhận 85 chủ thể liên bang, bao gồm Crimea và thành phố Sevastopol - trụ sở Hạm đội Biển Đen - cũng ở Crimea. Việc kết nạp thêm 4 vùng mới sẽ nâng tổng số chủ thể liên bang của Nga trong hiến pháp lên 89.

Nhà lãnh đạo Nga mô tả việc sáp nhập 4 khu vực trên phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, dù Ukraine và phương Tây phản đối. Ông cũng khẳng định, Nga và 4 vùng Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhzhia có những mối liên hệ khăng khít về lịch sử, văn hóa cùng các giá trị truyền thống khác.

"Tôi muốn chính quyền Kiev và phương Tây nghe tôi nói rõ: người dân ở Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia đã trở thành công dân của chúng tôi. Mãi mãi!", ông Putin nhấn mạnh. "Nga sẽ không bao giờ phản bội cư dân các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia".

Vị trí các khu vực mà Nga vừa sáp nhập. Ảnh: TRTWorld

Vị trí các khu vực mà Nga vừa sáp nhập. Ảnh: TRTWorld

Giống như Crimea, ông Putin tuyên bố rõ ràng, Nga sẽ "bảo vệ đất đai của mình bằng tất cả lực lượng và phương tiện". "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo cuộc sống an toàn của nhân dân. Đó là sứ mệnh vĩ đại", Tổng thống Nga nói.

Trong bài phát biểu quan trọng, ông Putin cũng nhắc lại Mỹ đã tạo ra "tiền lệ" bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Nhật Bản vào cuối Thế chiến II. Điện Kremlin sau đó ra tuyên bố riêng cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào vào các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập đều sẽ bị coi là hành động tấn công Nga. Điều này đồng nghĩa với việc 4 vùng mới sáp nhập Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sẽ nằm dưới "chiếc ô hạt nhân" của Moscow.

Cùng ngày, tại Quảng trường Đỏ đã diễn ra một buổi mít tinh với sự tham dự của gần 180.000 người để bày tỏ ủng hộ sự gia nhập của 4 vùng lãnh thổ vào Nga, theo Interfax. Tại đây, ông Putin một lần nữa khẳng định Nga sẽ hỗ trợ hết mình "những người anh em" ở Zaporizhzhia, Kherson, Donetsk và Lugansk.

Khoảng 180.000 người có mặt tại lễ mít tinh và chương trình ca nhạc ở Moscow chào mừng 4 vùng lãnh thổ Nga vừa sáp nhập. Ảnh: GettyImages

Khoảng 180.000 người có mặt tại lễ mít tinh và chương trình ca nhạc ở Moscow chào mừng 4 vùng lãnh thổ Nga vừa sáp nhập. Ảnh: GettyImages

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo an toàn, tăng mức độ an ninh trên các vùng lãnh thổ vì người dân. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để phục hồi nền kinh tế, khôi phục cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học mới, các cơ sở giáo dục khác, bệnh viện và trạm y tế", ông Putin nêu rõ.

Triển vọng đàm phán hòa bình Ukraine thêm bế tắc

Khi căng thẳng leo thang từ cuối năm 2021, Nga đã nêu rõ các đề xuất an ninh mà họ muốn Ukraine và phương Tây đáp ứng, bao gồm nội dung chủ chốt nhất là đảm bảo quy chế trung lập lâu dài của Ukraine cùng cam kết không đưa Kiev vào khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, Ukraine và phương Tây khước từ yêu cầu của Nga.

Chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra hôm 24/2/2022, Nga mở rộng yêu cầu thêm việc Kiev phải công nhận độc lập của hai vùng Donetsk và Lugansk ở miền Đông cũng như phải đáp ứng một số đòi hỏi khác khác xung quanh quy mô hoạt động của quân đội Ukraine. Các cuộc đàm phán giữa 2 bên có lúc tưởng chừng đã đi đến đồng thuận ở Istanbul hồi tháng 3/2022, nhưng cuối cùng đổ bể.

Cuộc gặp ở Istanbul hồi tháng 3/2022 là lần cuối phái đoàn Nga-Ukraine đối thoại chính thức. Ảnh: GettyImages

Cuộc gặp ở Istanbul hồi tháng 3/2022 là lần cuối phái đoàn Nga-Ukraine đối thoại chính thức. Ảnh: GettyImages

Nửa năm qua, đối thoại bế tắc, cùng với diễn biến thực tế chiến trường, các yêu cầu của Nga tiếp tục được mở rộng, không chỉ còn xoay quanh Donbass và Crimea.

Trong bài phát biểu sáp nhập 4 vùng lãnh thổ, Tổng thống Putin dù nói Nga sẵn sàng tham gia đàm phán với Ukraine, nhưng khẳng định một trong những điều kiện tiên quyết để chấm dứt chiến sự là Kiev phải "tôn trọng sự lựa chọn của Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson".

Giống như Crimea, Tổng thống Putin loại trừ khả năng thương lượng về tương lai 4 vùng lãnh thổ vừa sáp nhập, động thái cho thấy tình hình ở Ukraine nay đã rất khác trước. "Chúng tôi sẽ không thảo luận về sự lựa chọn của người dân Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Điều đó đã được thực hiện. Nga sẽ không phản bội họ", ông Putin nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, Ukraine duy trì quan điểm cứng rắn khi khẳng định họ sẽ không từ bỏ lãnh thổ. Các khu vực mới sáp nhập vào Nga có diện tích khoảng 90.000km2, tương đương 15% diện tích Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, các cuộc đàm phán với Nga sẽ không thể diễn ra, chừng nào nước Nga chưa có …. Tổng thống mới.

Cần nhắc lại rằng, năm 2020, Nga đã sửa đổi hiến pháp, trong đó có điều khoản "đặt lại" số nhiệm kỳ các Tổng thống Nga từ trước tới giờ về 0, tức mở đường để Tổng thống Putin tranh cử thêm 2 nhiệm kì nữa sau năm 2024. Nếu Tổng thống Putin ra tranh cử và giành phần thắng, ông có thể lãnh đạo đất nước đến năm 2036. Tỷ lệ ủng hộ của ông Putin thường xuyên ở mức trên 70%.

Ông Zelensky ký đơn xin gia nhập NATO cùng Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk, Thủ tướng Denys Shmygal. Ảnh: gettyImages

Ông Zelensky ký đơn xin gia nhập NATO cùng Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk, Thủ tướng Denys Shmygal. Ảnh: gettyImages

Cùng ngày Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ mới, Tổng thống Zelensky đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các tướng lĩnh, quan chức an ninh cấp cao nhất của đất nước. Thông tin chi tiết cuộc họp của ông Zelensky chưa được tiết lộ, nhưng Ukraine sau đó đệ đơn xin gia nhập NATO khẩn cấp. Hồi đáp lá đơn trên, Mỹ nói lúc này không phải thời điểm thích hợp để Ukraine vào NATO.

Trên chiến trường, Ukraine đang đạt được một số bước tiến trong nỗ lực tái chiếm thị trấn Lyman chiến lược ở tỉnh Donetsk. Tuy vậy, diễn biến này không đủ để đảo ngược cục diện, nhất là khi Nga đang huy động một phần lực lượng dự bị, và hoạt động của các lực lượng phòng vệ lãnh thổ Nga sẽ sớm mở rộng sang các vùng vừa sáp nhập.

Ngoài việc triển vọng đàm phán Nga-Ukraine tuột dốc, khả năng đối thoại giữa Moscow và phương Tây cũng bị thu hẹp. Trong bài phát biểu hôm 30/9, ông Putin dành thời lượng đáng kể để chỉ trích thái độ mà ông cho là thù địch của phương Tây với Nga, giữa lúc Mỹ cùng đồng minh đang tìm mọi cách trừng phạt kinh tế Nga và cô lập Moscow trên các diễn đàn quốc tế.

Sự cố với Nord Stream chắc chắn sẽ trở thành đề tài tranh cãi gay gắt giữa Nga và phương Tây. Ảnh: GettyImages

Sự cố với Nord Stream chắc chắn sẽ trở thành đề tài tranh cãi gay gắt giữa Nga và phương Tây. Ảnh: GettyImages

Đáng chú ý, ông Putin chính thức cáo buộc phương Tây đứng sau các vụ nổ khiến tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream rò rỉ. Ông cho đây là bước đi nhằm phá hủy hạ tầng năng lượng ở châu Âu. "Mọi người có thể thấy rõ ai hưởng lợi từ điều này", Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Nord Stream, gồm 2 tuyến đường ống dẫn khí chạy dưới đáy biển Baltic, trị giá hàng tỷ USD, do Nga và các nước châu Âu đầu tư xây dựng nhưng Moscow là bên chi nhiều tiền nhất cho Nord Stream và tuyến đường ống này cũng mang lại nguồn lợi lớn cho Nga nếu hoạt động ổn định.

Giới quan sát mô tả, bất đồng về Ukraine hay biến số khó đoán định xung quanh Nord Stream là chỉ dấu cho thấy mọi nỗ lực hợp tác giữa Nga và phương Tây hậu Chiến tranh Lạnh có thể tan biến. Moscow hiểu rõ điều đó và họ dường như đã và đang chuẩn bị cho một giai đoạn lịch sử mới "không phương Tây".

Nguồn: [Link nguồn]

Phát ngôn gây “sốc” của cựu thủ tướng Ý về xung đột Nga - Ukraine

Cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bày tỏ sự cảm thông cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hà ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN