Bước lùi giữa hai miền Triều Tiên

Không chỉ Hàn Quốc, cả Mỹ và Nhật đều rất lo ngại khi thấy Triều Tiên thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Trung Quốc và Nga

Những gì xảy ra giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc trong thời gian gần đây đã hủy hoại hoàn toàn thành quả quan hệ song phương có được từ sau chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi năm 2018. 

Kết quả quan trọng và nổi bật nhất của sự kiện rất hiếm hoi này là hai bên ký kết Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) với nội dung chính là cam kết chấm dứt hoàn toàn sự thù địch lẫn nhau.

Tháng 11 năm ngoái, Hàn Quốc tuyên bố ngừng thực hiện một số nội dung trong thỏa thuận nói trên để phản đối việc Triều Tiên phóng tên lửa đưa vệ tinh do thám lên quỹ đạo. Sau đó, Triều Tiên còn đi xa hơn khi tuyên bố ngừng thực thi CMA.

Việc chấm dứt thả bóng bay cũng như ngừng hoạt động hệ thống âm thanh dọc giới tuyến quân sự tạm thời là những điều kiện tiên quyết của phía Triều Tiên cho CMA ký năm 2018.

 Vừa mới đây, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc khuyến nghị chính phủ có động thái tương tự và tái khởi động hệ thống âm thanh khổng lồ dọc giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền để khôi phục hoạt động chiến tranh tâm lý và tuyên truyền nhằm vào công chúng và dư luận ở Triều Tiên.

Bước đi này diễn ra sau khi Triều Tiên cho thả hơn 700 quả bóng bay khổng lồ chứa rác thải sang Hàn Quốc. Cho dù phía Triều Tiên đã tuyên bố ngừng cái gọi là "cuộc chiến bóng bay", một tổ chức tư nhân ở Hàn Quốc đã nối lại việc dùng bóng bay lớn và khinh khí cầu mang truyền đơn và USB chứa nhạc K-pop thả sang phía Triều Tiên.

Một bóng bay được cho là chứa rác thải của Triều Tiên tại TP Incheon - Hàn Quốc hôm 2-6 Ảnh: REUTERS

Một bóng bay được cho là chứa rác thải của Triều Tiên tại TP Incheon - Hàn Quốc hôm 2-6 Ảnh: REUTERS

Có thể thấy mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã bị đẩy lùi, thậm chí đảo ngược về trước năm 2018. Nguyên cớ có thể thấy được ở cả hai phía và đương nhiên bên này đổ lỗi cho phía kia. 

Ở phía Triều Tiên, nguyên cớ là việc nước này liên tục phóng tên lửa và đưa vệ tinh lên quỹ đạo, dù thành công xen lẫn thất bại. 

Với Hàn Quốc, nguyên cớ là sự thay đổi tổng thống từ ông Moon Jae-in sang ông Yoon Suk-yeol. Quan điểm, chính sách của ông Yoon đối với Triều Tiên, Nhật Bản và Mỹ khiến Bình Nhưỡng vừa rất không hài lòng vừa quan ngại sâu sắc và dè chừng.

Tổng thống Yoon Suk-yeol theo đuổi đường lối cứng rắn đối với Triều Tiên chứ không ôn hòa như người tiền nhiệm, song song đó là hòa giải với Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ liên minh quân sự chiến lược truyền thống với Mỹ, lại còn cùng Mỹ và Nhật Bản hình thành liên minh an ninh ba bên. 

Cả Mỹ và Nhật Bản đều đối địch và căng thẳng với Triều Tiên. Hai nước trên bán đảo Triều Tiên ứng xử và hành động như thế thì quan hệ song phương không xung khắc và đối địch mới là chuyện lạ. Chút ít tin cậy gây dựng được không còn đường nào khác ngoài nhanh chóng đổ vỡ và chiều hướng diễn biến là quay về quá khứ.

Không chỉ Hàn Quốc, cả Mỹ và Nhật Bản đều rất lo ngại khi thấy Triều Tiên thúc đẩy rất mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương với Trung Quốc và Nga thời gian gần đây. 

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã giúp cho Bình Nhưỡng trở thành đối tác và đồng minh rất quan trọng của Moscow. Đương nhiên, sự ủng hộ của Nga dành cho Triều Tiên trong cuộc đối đầu với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản cũng gia tăng đáng kể. Từ đó có thể thấy thời kỳ căng thẳng giữa hai miền trên bán đảo sẽ còn kéo dài. 

Ăn miếng trả miếng

Một nhóm người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc hôm 8-6 cho biết họ đã gửi thêm truyền đơn qua biên giới liên Triều, làm tăng thêm lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể tiếp tục thả bóng bay chứa rác thải để trả đũa.

Theo thông báo của nhóm trên, 10 quả bóng bay lớn mang theo khoảng 200.000 truyền đơn chống Bình Nhưỡng đã được thả từ đảo Ganghwa gần biên giới từ 21 giờ đến 22 giờ (giờ địa phương) ngày 7-6. Số bóng bay này còn mang theo thiết bị USB chứa bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 1-3 và thông điệp từ các nghị sĩ Mỹ cũng được đưa vào bong bóng. Seoul xác nhận những quả bóng này đã bay vào lãnh thổ Triều Tiên.

Theo hãng tin Yonhap, một quan chức quân sự giấu tên hôm 8-6 cho biết Hàn Quốc đang duy trì trạng thái sẵn sàng, đồng thời giám sát chặt chẽ các hoạt động của Triều Tiên.

Vụ thả truyền đơn trên diễn ra không lâu sau khi Triều Tiên phóng gần 1.000 quả bóng bay chứa đầy rác vào Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cho biết đây là động thái "ăn miếng trả miếng" trước hoạt động thả truyền đơn chống Triều Tiên.

Theo sau cảnh báo của chính phủ Hàn Quốc về các biện pháp đối phó mạnh mẽ, Triều Tiên tuyên bố tạm hoãn thả bóng bay qua biên giới. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng đe dọa gửi số lượng giấy vệ sinh và rác thải "nhiều gấp trăm lần" để đáp trả bất kỳ hoạt động phát truyền đơn nào nữa từ Seoul.

Trước đó, hôm 6-6, một nhóm nhà hoạt động tại Hàn Quốc đã thả những quả bóng bay mang theo 200.000 truyền đơn. Sau đó một ngày, một nhóm khác cũng thả 500 chai nhựa đựng gạo và tiền USD.

Xuân Mai

Quân đội Hàn Quốc phát cảnh báo đối với người dân nước này sau khi phát hiện Triều Tiên lại thả bong bóng chứa rác sang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGẢI SA ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN