Bước đi quan trọng của Đức ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Sự kiện: An ninh thế giới

Không quân Đức vừa có đợt triển khai lớn nhất trong thời bình tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho thấy Đức rất chú trọng mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực chiến lược này.

Ngày 15-8, không quân Đức điều cùng lúc 13 máy bay quân sự đến Úc để tham gia hai cuộc tập trận chung với 16 nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD), theo hãng tin Reuters.

13 máy bay này được huy động từ nhiều nơi khắp thế giới. Cụ thể, sáu máy bay phản lực Eurofighter - được sơn cờ của Đức, Singapore, Úc, Hàn Quốc và Nhật - xuất phát từ căn cứ không quân Neuburg vào chiều 15-8, theo sau là bốn máy bay đa năng A400M và ba máy bay vận tải chở dầu đa năng A330. Mục tiêu của 13 chiếc máy bay này là đến Singapore trong vòng 24 giờ, với sự thay đổi thí điểm diễn ra ở Abu Dhabi. Khi đến Singapore, các máy bay sẽ được chuyển đến Darwin (Úc) trước cuộc tập trận Pitch Black hai năm một lần diễn ra từ ngày 19-8 đến 9-9.

Máy bay không quân Đức được triển khai tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào ngày 15-8. Ảnh: KHÔNG QUÂN ĐỨC

Máy bay không quân Đức được triển khai tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào ngày 15-8. Ảnh: KHÔNG QUÂN ĐỨC

Đợt triển khai lớn nhất trong thời bình của không quân Đức

Trong cuộc tập trận Pitch Black, lực lượng không quân Đức sẽ thực hành các cuộc tấn công và phòng thủ không đối không, không đối đất cùng với các phi đội của đồng minh và đối tác, theo không quân Đức. Sau khi cuộc tập trận Pitch Black kết thúc, các máy bay Đức sẽ tham gia cuộc tập trận Kakadu của hải quân Hoàng gia Úc được tổ chức từ ngày 12 đến 26-9 với nội dung chính là giúp bảo vệ các tàu hải quân từ trên không. Sau hai cuộc tập trận, không quân Đức sẽ huấn luyện với lực lượng không quân Singapore, đồng thời sẽ thăm Nhật và Hàn Quốc. Các động thái này nhằm thể hiện khả năng hoạt động của không quân Đức và tình đoàn kết với các đồng minh của Đức ở khu vực.

“Chúng tôi muốn chứng minh rằng chúng tôi có thể đến châu Á trong vòng một ngày” - trang tin Defense News dẫn lời Trung tướng Ingo Gerhartz, Tham mưu trưởng không quân Đức.

Đây là đợt triển khai lớn nhất trong thời bình của không quân Đức đến AĐD - TBD. Trên Twitter ngày 15-8, Bộ Quốc phòng Đức cho biết việc triển khai 13 máy bay này (còn được biết đến với tên gọi nhiệm vụ Rapid Pacific 2022) cho thấy Đức “cũng đang nghĩ đến an ninh bên ngoài châu Âu”.

Đợt triển khai Rapid Pacific 2022 với 13 máy bay này của không quân Đức diễn ra sau lần hải quân Đức đưa tàu khu trục Bayern đến khu vực năm 2021. Đây có lẽ là đợt triển khai hải quân quan trọng nhất từ ​​châu Âu đến AĐD - TBD trong năm ngoái khi tàu Bayern có tới sáu tháng trên các vùng biển khu vực, dừng lại ở 12 địa điểm.

Con tàu đã đến Pakistan, Ấn Độ, Sri Lanka, Úc, Việt Nam, Singapore, Palau, Nhật và Hàn Quốc. Tàu cũng đã đến các căn cứ của Mỹ tại Diego Garcia và Guam và tham gia vào một cuộc tập trận chung với Mỹ, Nhật, Úc và Canada ở biển Philippines. Trong đợt triển khai này, tàu chiến Đức đã đi vào Biển Đông lần đầu tiên sau gần 20 năm. Bắc Kinh tuyên bố cuộc tập trận này “sẽ đe dọa hòa bình khu vực và gây ra sự bất mãn giữa các nước trong khu vực” và từ chối cho phép tàu Bayern thăm Trung Quốc (TQ).

TQ không phải là kẻ thù nhưng tất nhiên, chúng ta cần tính đến hậu quả đối với an ninh của mình khi chúng ta thấy TQ đầu tư mạnh vào các năng lực quân sự hiện đại mới, tên lửa tầm xa, vũ khí hạt nhân và cũng cố gắng kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng” - trích khái niệm chiến lược NATO công bố trong đợt hội nghị thượng đỉnh hồi cuối tháng 6.

Đức thay đổi cách tiếp cận AĐD - TBD

Kế hoạch chính sách trong bốn năm tới báo hiệu những thay đổi trong cách tiếp cận của Đức đối với AĐD - TBD, theo tờ Maritime Executive. Tháng 11-2021, Tư lệnh hải quân Đức - Phó Đô đốc Kay-Achim Schönbach cho biết ông sẽ điều tàu vào AĐD - TBD hai năm một lần với ý định tăng cường hợp tác với Nhật, Úc, Mỹ và vận động cho hòa bình, tự do hàng hải và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

Theo nhiều nhà quan sát thì các diễn biến trên cho thấy Đức cùng các đồng minh phương Tây đang chú trọng mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực chiến lược này, ngay cả khi đang phải đối mặt với những thách thức ở châu Âu với chiến sự giữa Nga và Ukraine.

Tại Hội nghị thượng đỉnh khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid (Tây Ban Nha) ngày 29-6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố khái niệm chiến lược mới của khối lần đầu tiên xác định tham vọng và chính sách TQ thách thức quyền lợi, an ninh và giá trị của NATO. Phần mình, năm 2020 Đức công bố một bộ hướng dẫn chính sách liên quan đến AĐD - TBD. Việc triển khai Rapid Pacific 2022 được xây dựng dựa trên những hướng dẫn đó, trang Defense News dẫn lời một số nguồn tin quan chức Đức.

Bộ Quốc phòng Đức từng lưu ý rằng an ninh của các tuyến đường thương mại toàn cầu là một mối quan tâm chính của nước này. Cụ thể, “sự suy yếu của các tuyến đường vận tải ở AĐD - TBD và tiếp đó là các chuỗi cung ứng đến và đi từ châu Âu, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự thịnh vượng và nguồn cung của Đức”. Việc các quốc gia AĐD - TBD tăng chi tiêu quốc phòng và sự hiện diện của các cường quốc hạt nhân bao gồm Ấn Độ, Pakistan, TQ và Nga ở khu vực này cũng được coi là rủi ro an ninh với Đức.

Các máy bay Đức không có kế hoạch bay qua eo biển Đài Loan

Khi được hỏi liệu các máy bay có đi qua Biển Đông và eo biển Đài Loan, hai tâm điểm căng thẳng với TQ trong khu vực hay không, Tham mưu trưởng không quân Đức Ingo Gerhartz cho biết các máy bay sẽ sử dụng các tuyến đường hàng không dân dụng và không có kế hoạch đi qua eo biển Đài Loan.

Ông Gerhartz nói rõ rằng việc triển khai này là nhằm gửi tín hiệu đến các đối tác của Đức hơn là tới TQ: “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ gửi bất kỳ thông điệp đe dọa nào tới TQ bằng cách bay tới tập trận ở Úc”.

Đại sứ Úc tại Đức Philip Green cũng nhấn mạnh rằng không có lý do gì để TQ xem động thái Đức triển khai máy bay tới khu vực hay bản thân các cuộc tập trận gây bất ổn cho khu vực.

Nguồn: [Link nguồn]

Hé lộ kế hoạch ”thay đổi cuộc chơi” của Trung Quốc ở Thái Bình Dương

Trung Quốc muốn 10 quốc đảo Thái Bình Dương thông qua thỏa thuận sâu rộng bao gồm mọi thứ, từ an ninh đến ngư nghiệp, được cho là nỗ lực “thay đổi cuộc chơi” của Bắc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Ân ([Tên nguồn])
An ninh thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN