Bữa tiệc tàn khốc thời Mãn Thanh: 8 vị tướng vui vẻ đến dự, chưa đụng đũa đầu đã rơi
Từ xưa, lịch sử Trung Quốc đã ghi lại không ít câu chuyện “Hồng môn yến” - bữa tiệc nguy hiểm ngầm chứa âm mưu sát hại thực khách. Bữa tiệc đẫm máu dưới triều Thanh là một trong những câu chuyện như vậy.
Lịch sử Trung Quốc có không ít câu chuyện “Hồng môn yến” (tranh minh họa)
Tháng 12 năm 1863, vùng sông Giang, sông Hoài tuyết rơi mù mịt, là lúc cuộc bình định Thái Bình thiên quốc của triều Thanh diễn ra một cách mạnh mẽ. Lý Hồng Chương (đại quan triều Thanh) chiếm được thành Tô Châu mà không mất chút sức lực nào.
Đó là bởi, tám vị tướng Thái Bình thiên quốc đã đầu hàng, đem thành Tô Châu làm lễ vật dâng cho Lý Hồng Chương. Vậy tám vị tướng này vì sao lại đem thành Tô Châu dâng Lý Hồng Chương? Lý Hồng Chương đã dùng cách nào để đạt được mục đích của mình?
Trần Ngọc Thành, một trong hai vị tướng của Thái Bình thiên quốc, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Thanh (tranh minh họa)
Khi đó, Thái Bình Thiên quốc có hai vị tướng quân. Một người là Trần Ngọc Thành, còn người kia là Trung vương Lý Tú Thành. Hai người này đều đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến chống Thanh.
Năm 1861, đội quân của Trần Ngọc Thành và quân Tương (quân đội địa phương ở Hồ Nam dưới triều mãn Thanh, được thiết lập bởi Tăng Quốc Phiên, một danh thần triều Mãn Thanh) đã có cuộc giao tranh ác liệt ở An Khánh. Lý Tú Thành nhân cơ hội đó đã tấn công các thành phía nam như Hàng Châu, Tô Châu và giành được thắng lợi.
Thái Bình thiên quốc thành lập căn cứ địa ở phía Nam, nơi được coi là có sản vật phong phú (tranh minh họa)
Sau đó, Thái Bình thiên quốc thành lập căn cứ địa ở phía Nam, nơi được coi là “ngư mễ chi hương” (quê hương của cá và gạo), nơi có sản vật phong phú mà từ xưa đã phát triển vô cùng thịnh vượng. Quân Thái Bình cũng rất tự hào khi chiếm cứ được vùng đất trù phú này.
Điều đó làm Từ Hi Thái hậu vô cùng khó chịu. Bà không muốn mất đi lãnh địa của mình, nên đã lệnh cho quân Tương lập tức Đông chinh đánh Thái Bình thiên quốc để giành lại vùng đất đã mất.
Từ Hi Thái hậu rất muốn giành lại vùng đất từ Thái Bình thiên quốc
Khi đó, Tăng Quốc Phiên tự nhận thấy quân Tương không đủ mạnh so với quân Thái Bình thiên quốc. Tăng Quốc Phiên không muốn tổn thất quân sĩ chỉ vì bất mãn cá nhân của Từ Hi thái hậu, cho nên ông đề nghị nghỉ ngơi dưỡng sức rồi sau đó mới thực hiện chủ trương tấn công. Từ Hi chỉ còn cách nghe theo đề nghị của Tăng Quốc Phiên.
Lúc đó, Lý Hồng Chương tình nguyện tham chiến, dẫn quân đánh Tô Châu. Từ Hi thái hậu vui mừng ra mặt.
Lý Hồng Chương (người đứng giữa) từng nói về sự khôn ngoan “bắt chước phương Tây để chế ngự phương Tây”
Lý Hồng Chương là người khởi xướng phong trào Tây hóa. Ông đã từng nói về sự khôn ngoan “bắt chước phương Tây để chế ngự phương Tây”. Ông tập trung nghiên cứu kỹ thuật sản xuất và chế tạo vũ khí của phương Tây.
Đối mặt với cuộc chiến này, Lý Hồng Chương đã có sự chuẩn bị tốt. Ông còn tuyển mộ 6.000 binh sĩ dũng mãnh từ quê hương của mình để huấn luyện.
Lý Hồng Chương đã đánh bại quân Thái Bình thiên quốc ở ngoại ô Thượng Hải, sau đó tiến thẳng đến Tô Châu. Trên đường đi, ông chiếm được các thị trấn quan trọng như Thái Cang, Côn Minh, Giang Âm, Vô Tích, sau đó tiến vào Tô Châu, căn cứ phía nam của Thái Bình thiên quốc.
Khi đó, Lý Tú Thành đang ở chiến trường Thiên Tân. Nghe nói Lý Hồng Chương đã tiếp cận được Tô Châu, ông tức tốc điều binh từ Thiên Tân quay về Tô Châu.
Quân Thái Bình và quân Hoài (là đội quân do Lý Hồng Chương tuyển mộ, thiết lập, tướng lĩnh và binh lính chủ yếu đến từ vùng sông Hoài) đã có cuộc giao tranh ác liệt ở khu vực Tô Châu.
Tại Tô Châu, cuộc giằng co giữa quân Thái Bình và quân Hoài diễn ra trong một thời gian dài (ảnh minh họa)
Lúc đó, ở Tô Châu, quân Thái Bình có lực lượng dự bị khoảng 30.000 quân. Vào thời điểm then chốt giao tranh với quân Hoài, Lý Tú Thành gửi cầu viện đến Hoàng Tử Long (một tướng lĩnh của Thái Bình thiên quốc) đóng quân gần Tô Châu, để Hoàng Tử Long gửi 3 vạn quân đến cứu viện. Nhưng Hoàng Tử Long lại phớt lờ mệnh lệnh của Lý Tú Thành, không phái binh đến. Cuối cùng, Lý Tú Thành thất bại.
Tại Tô Châu, cuộc giao tranh cát cứ giữa quân Hoài và quân Thái Bình đã diễn ra trong một thời gian dài. Lý Hồng Chương nhận ra rằng, trừ khi đánh một trận chiến dứt khoát, phải trả một cái giá đắt, nếu không sẽ không dễ dàng giành chiến thắng ở Tô Châu.
Sau khi chiến bại, Lý Tú Thành đã dẫn quân rút khỏi Tô Châu. Đồng thời, Lý Tú Thành cũng nhận ra rằng, dù tám tướng trấn giữ Tô Châu với số quân đông đảo, nhưng họ không thực sự muốn chiến đấu với quân Hoài, chỉ có “lão Quảng Tây” Đàm Thiệu Quang là có niềm tin yêu nước kiên định. Vì thế, trước khi Lý Tú Thành rời Tô Châu, ông đã nhắc Đàm Thiệu Quang cần lưu ý tám người này, đề phòng họ vì vinh hoa mà phản bội.
Các tướng trấn giữ thành Tô Châu với số quân đông đảo (tranh minh họa)
Đồng thời lúc đó, một người Anh là Gordon cũng gợi ý cho Lý Hồng Chương, tốt nhất là thông qua cách “chiêu hàng”, đàm phán với các tướng lĩnh trong thành. Lý Hồng Chương thấy ý tưởng này cũng khả thi. Vì vậy ông nghĩ đến cách cho người đi đàm phán với tám vị tướng.
Tám vị tướng cũng tích cực phối hợp với quân Hoài trong đàm phán việc đầu hàng. Điều thú vị là, Lý Hồng Chương có thế mạnh đàm phán. Ông đã phái một vị tướng giỏi của mình đến thương lượng.
Lý Hồng Chương là người có thế mạnh đàm phán
Lý Hồng Chương đã ra lệnh cho thuộc hạ của mình thông báo cho tám vị tướng rằng triều đình đã chuẩn bị chức quan và quan phục (trang phục của quan) cho họ.
Đàm Thiệu Quang biết tin tám tướng đầu hàng, nhưng ông tin rằng có thể cảm hóa làm thay đổi quyết định của họ. Ngày 4/12/1863, Đàm Thiệu Quang mời tám vị tướng đến dự tiệc, nhân tiện bàn chuyện quân sự.
Trong bữa tiệc, trước tiên, Đàm Thiệu Quang nói về những khó khăn đang gặp phải ở Tô Châu. Tiếp theo, ông ca ngợi những cống hiến của các tướng, ghi nhận họ là trụ cột của Tô Châu. Sau đó bóng gió nói về một số tướng sĩ Thái Bình tinh thần lung lay, có xu hướng đầu hàng kẻ thù, hi vọng rằng tám vị tướng sẽ quyết tâm giữ vững Tô Châu.
Tám vị tướng đến dự tiệc bàn chuyện quân sự theo lời mời của Đàm Thiệu Quang (ảnh minh họa)
Đến đây, một trong tám tướng giật mình, cho rằng Đàm Thiệu Quang biết tin mình đầu hàng, vì vậy đã quyết định ra tay trước, nên bất ngờ bật dậy khỏi chỗ ngồi, rút dao ra đâm chết Đàm Thiệu Quang.
Sau khi giết Đàm Thiệu Quang, tám tướng vui vẻ dẫn quân đến gặp Lý Hồng Chương, đem thành Tô Châu và đầu Mộ Vương (tức Đàm Thiệu Quang) dâng cho Lý Hồng Chương. Lý Hồng Chương vô cùng vui vẻ, khen ngợi họ là thần dân tốt của Đại Thanh và mời họ vào dự tiệc.
Sau khi các tướng ngồi vào chỗ, Lý Hồng Chương vui vẻ mời họ mấy chén rượu, rồi lấy lý do đi ra ngoài.
Ngay sau đó, tám bộ quan phục được Lý Hồng Chương cho người mang vào. Các tướng đang chuẩn bị mặc thử, thì bất ngờ bị quân của Lý Hồng Chương xông vào tấn công, giết chết. Quân Thái Bình đi theo các tướng của họ cũng bị Lý Hồng Chương cho giết sạch. Cảnh tượng vô cùng bi thảm.
Tám tướng đang chuẩn bị mặc thử quan phục, thì bất ngờ bị quân của Lý Hồng Chương xông vào (ảnh minh họa)
Gordon nghe tin Lý Hồng Chương tàn sát các tướng và quân Thái Bình, đã vô cùng thất vọng, định cầm súng đi tìm gặp Lý Hồng Chương. Nhưng sau khi nhận được mấy vạn lượng bạc từ Lý Hồng Chương, người này đã bỏ ý định và tiếp tục lãnh đạo “đội súng Tây”, hỗ trợ Lý Hồng Chương chiếm các nơi còn lại, theo Kknews. Về chuyện này, phong thái lịch lãm của người phương Tây ở Gordon có lẽ không còn thích hợp, trước những viên đạn bọc đường của Lý Hồng Chương.
Đối với 8 tướng của Thái Bình thiên quốc thì quả là, kẻ bán nước cầu vinh không mấy khi có kết cục tốt đẹp.
“Hồng Môn yến” (tiệc Hồng Môn) chỉ bữa tiệc nguy hiểm ngầm chứa âm mưu sát hại thực khách. Thuật ngữ này xuất phát từ sự kiện năm 206 TCN. Khi đó, Lưu Bang tấn công chiếm được Hàm Dương, kinh đô nhà Tần. Mưu sĩ của Hạng Vũ là Phạm Tăng cảm thấy Lưu Bang là mối đe dọa cho chủ công của mình, nên đã thúc giục Hạng Vũ loại bỏ Lưu Bang. Hạng Vũ tổ chức bữa tiệc ở Hồng Môn, mời Lưu Bang đến. Trong tiệc rượu, mưu sĩ của Hạng Vũ là Phạm Tăng bảo em họ của Hạng Vũ là Hạng Trang vờ thực hiện màn múa kiếm rồi nhân cơ hội giết Lưu Bang, nhưng Lưu Bang đã may mắn trốn thoát dưới sự hộ tống của Hạng Bá (theo Sử Ký – Hạng Vũ bản kỷ). |
Đại tướng quân mạnh nhất thời Chiến Quốc là người làm suy yếu các nước chư hầu, dọn đường để Tần Thủy Hoàng...
Nguồn: [Link nguồn]