Bốn lý do giúp kinh tế Nga trụ vững sau 1 năm bị phương Tây trừng phạt

Mỹ và hơn 40 quốc gia đồng loạt trừng phạt Nga để đáp trả việc Mátxcơva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2/2022. Các lệnh trừng phạt được mô tả là chưa từng có tiền lệ về quy mô và mức độ đối với một nền kinh tế như Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt hoa tưởng niệm những người anh hùng trong cuộc chiến chống phát xít Đức

Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt hoa tưởng niệm những người anh hùng trong cuộc chiến chống phát xít Đức

Gói trừng phạt ban đầu bao gồm đóng băng các tài sản của Nga ở nước ngoài và cấm xuất khẩu những công nghệ chủ chốt. Trong suốt năm 2022, trừng phạt được tăng cường đáng kể khi Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Trong khi đó, hơn 1.200 công ty phương Tây đóng cửa chi nhánh ở Nga.

Sau 1 năm, các lệnh trừng phạt đó có tác động như thế nào với Nga?

Lùi bước đầu nhưng nhanh trở lại

Trước khi xung đột nổ ra, các nước phương Tây hy vọng việc đe dọa trừng phạt sẽ ngăn Nga mở chiến dịch quân sự. Nhưng sau khi xung đột nổ ra, mục tiêu của phương Tây chuyển sang ngăn cản Tổng thống Nga Vladimir Putin leo thang và khiến ông phải ra lệnh rút quân, bằng cách giảm các nguồn thu nhập của Nga.

Ban đầu, giới bình luận phương Tây tự tin rằng các lệnh trừng phạt sẽ có tác dụng.

Trong tuần đầu của cuộc xung đột, đồng rúp của Nga tụt giá mạnh, vì người Nga hoảng sợ khi hầu hết các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift và tài khoản chính phủ trong ngân hàng nước ngoài bị đóng băng. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga nhanh chóng ổn định tỷ giá hối đoái, đưa về mức trước khi xung đột nổ ra. Lạm phát leo lên mức 18% nhưng đến cuối năm đã giảm xuống 12%.

Đến lúc đó, một số nhà quan sát phương Tây vẫn cho rằng các lệnh trừng phạt đang làm tê liệt nền kinh tế Nga.

Đúng là các lệnh trừng phạt đã gây thiệt hại lớn cho một số ngành, nhất là hàng không và sản xuất ô tô, khiến sản lượng giảm tới 80% do thiếu linh kiện nhập khẩu. Tuy nhiên, về tổng thể, Nga trải qua năm 2022 với GDP chỉ giảm 3%, doanh số bán lẻ giảm 9%. Một số thương hiệu quốc gia cùng các công ty Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ thế chân những đối thủ phương Tây trên thị trường này.

Dù bị trừng phạt và vấp phải một số bước lùi trên chiến trường, Tổng thống Putin không thể hiện dấu hiệu nào sắp lùi bước. Tháng 9 năm ngoái, ông huy động thêm 300.000 quân dự bị và bắt đầu chiến dịch tấn công vào hạ tầng của Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái.

Theo các chuyên gia, có bốn lý do khiến kinh tế có khả năng chống chịu tốt như vậy.

Xuất khẩu năng lượng của Nga vẫn mang về nguồn thu lớn. (Ảnh: AP)

Xuất khẩu năng lượng của Nga vẫn mang về nguồn thu lớn. (Ảnh: AP)

Sức sống của nền kinh tế

Nga có thể phải chi 300 triệu USD mỗi ngày cho chiến dịch quân sự, nhưng trong hầu hết năm 2022, nước này thu được 800 triệu USD/ngày từ xuất khẩu năng lượng. Mức thu đó đủ để ngăn mức sống không bị suy giảm và bổ sung vũ khí đạn dược cho Nga.

Cuộc xung đột cùng với việc Nga giảm xuất khẩu khí đốt cho châu Âu trong năm 2022 khiến giá năng lượng tăng mạnh. Trong tháng đầu tiên của cuộc xung đột, giá dầu toàn cầu tăng tới 50%, đạt đỉnh 139 USD vào tháng 4, trong khi giá bán buôn khí đốt ở châu Âu tăng 500%, đạt đỉnh 320 USD/megawatt giờ. Điều này càng giúp Nga tăng thêm nguồn thu.

Kể cả khi khối lượng xuất khẩu dầu khí từ Nga sang châu Âu giảm mạnh, doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga đạt 168 tỷ USD trong năm 2022, cao nhất kể từ năm 2011. Nga kết thúc năm qua với thặng dư tài khoản vãng lai 227 tỷ USD, mức cao kỷ lục.

Nhiều khách hàng khác

49 quốc gia tham gia trừng phạt Nga chỉ chiếm 60% kinh tế toàn cầu, 40% còn lại vẫn sẵn sàng làm ăn với Mátxcơva.

Hầu hết các nước không thuộc phương Tây từ chối tham gia trừng phạt. Nhiều nước coi cuộc xung đột ở Ukraine là kết quả của cạnh tranh nước lớn và không đổ lỗi cho Nga. Ấn Độ và Trung Quốc thậm chí mua dầu khí của Nga nhiều hơn, với giá chiết khấu tới 20 – 30 USD/thùng.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một đối tác quan trọng. Thương mại giữa nước này với Nga tăng 45% trong năm 2022.

Và dù nỗ lực giảm mua từ Nga, các nước châu Âu vẫn chi 125 tỷ USD nhập khẩu dầu khí của Nga sau khi xung đột nổ ra, trong khi Trung Quốc chi 50 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ chi 20 tỷ USD, và Ấn Độ chi 18 tỷ USD.

Chuẩn bị tâm lý

Chính phủ Nga đã chuẩn bị và lên kế hoạch trong nhiều năm, đã học cách chung sống với các lệnh trừng phạt từ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.

Những năm 1990 đầy biến động giúp các doanh nghiệp, khách hàng và công nhân Nga học được cách thích nghi với những cú sốc đột ngột, như lạm phát tăng vọt xoá sạch tiền tiết kiệm của nhiều người.

Thị trường lao động Nga nhìn chung thích nghi với những cú sốc bằng cách các công ty không sa thải lao động mà trả lương thấp hơn để chờ tình hình tốt lên. Bên cạnh đó, 15% lực lượng lao động Nga là người nhập cư, chủ yếu từ Trung Á, nên họ có thể trở về nhà.

Các tài phiệt

Một trong những giả định chủ chốt ban đầu khi phương Tây áp lệnh trừng phạt đã phạm sai lầm.

Phương Tây cho rằng việc trừng phạt sẽ khiến các tài phiệt mất hàng chục triệu đô la và mất quyền tiếp cận hàng hoá và dịch vụ xa xỉ của phương Tây, từ đó họ sẽ thuyết phục ông Putin thay đổi để cứu lấy tài sản.

Các tài phiệt Nga mất khoảng một nửa tài sản của họ, nhưng không mấy người công khai chỉ trích chiến dịch quân sự. Trong khi đó, các nhà kinh tế học điều hành ngân hàng trung ương và bộ tài chính vẫn rất trung thành.

Một số nhà quan sát hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ khiến người dân Nga đứng lên chống lại lãnh đạo của họ. Nhưng điều đó không xảy ra.

Kinh tế Nga ra sao sau một năm xung đột ở Ukraine?

Nền kinh tế Nga đã chứng minh khả năng phục hồi một cách bất ngờ khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây kể từ năm ngoái, nhưng để khôi phục kinh tế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - The Conversation ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN