"Bơm" hàng nghìn tên lửa phòng không vào một nước, Mỹ từng phải "ôm hận" ra sao?
"Đổ" số vũ khí trị giá hàng tỷ USD vào quốc gia Trung Đông, sau hơn 40 năm, thứ Mỹ nhận lại được chỉ là sự thù địch và những mối nguy.
Stinger – tên lửa vác vai được xem là “khắc tinh” của trực thăng chiến đấu (ảnh: CNN)
Tháng 12.1979, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan nhằm hỗ trợ chính quyền Cộng hòa Dân chủ Afghanistan đối phó nhóm chiến binh nổi dậy Mujahideen do Mỹ hậu thuẫn. Tới khoảng giữa năm 1980, quân đội Liên Xô ở Afghanistan đã đông tới hơn 100.000 người. Với ưu thế áp đảo về hỏa lực và không quân, phe Liên Xô và quân đội của chính phủ Afghanistan bước đầu giành thế chủ động trên chiến trường, theo Military Times.
Tới đầu năm 1986, Mỹ mở chiến dịch Lốc xoáy, không ngừng cung cấp vũ khí phòng không cho nhóm Mujahideen, trong đó nổi bật nhất là dòng tên lửa vác vai stinger.
Chiến đấu ở khu vực địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi như Afghanistan, pháo binh và xe tăng rất khó triển khai, Liên Xô chỉ có thể giành lợi thế bằng máy bay trực thăng tầm thấp. Tên lửa Stinger của Mỹ được xem là khắc tinh của loại máy bay này. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 1986, hơn 150 trực thăng Liên Xô đã bị tên lửa Stinger bắn rơi. Stinger thậm chí còn uy hiếp cả MiG – dòng tiêm kích chủ lực của quân đội Liên Xô lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, việc được trang bị Stinger không giúp lực lượng Mujahideen thay đổi cục diện trên chiến trường. Trên thực tế, quân đội Liên Xô vẫn thường xuyên đánh bại Mujahideen trong các cuộc giao tranh.
Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan (ảnh: History)
Năm 1989, những bất ổn trong nội bộ và khủng hoảng kinh tế buộc Liên Xô phải rút quân khỏi Afghanistan. Sau khi Liên Xô rút khỏi, Mỹ cũng tìm cách giảm dần hiện diện quân sự ở Afghanistan. Do lo ngại những tên lửa Stinger viện trợ cho Mujahideen có thể bị sử dụng vào các hoạt động khủng bố, từ năm 1990, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có nhiệm vụ thu hồi loại vũ khí này.
Theo The Diplomat, những điệp viên của CIA đã nhận lệnh có thể mua lại tên lửa Stinger với giá 100.000 USD/bệ phóng hoặc thu hồi tên lửa “bằng bất cứ giá nào”.
Trong cuốn “Ghost Wars”, Steve Coll – cây bút lão luyện của New York Times – viết, khi Taliban tiến vào Kabul năm 1996, nhóm này đã thu được 600 trong tổng số hơn 2.300 tên lửa Stinger Mỹ từng viện trợ cho Mujahideen. Iran – quốc gia đối thủ của Mỹ ở Trung Đông – cũng tìm cách mua lại càng nhiều càng tốt tên lửa Stinger từ tay Mujahideen.
Theo Military Times, dù đã chi ra hàng triệu USD, nhưng Mỹ chỉ thu hồi được số ít tên lửa Stinger ở Afghanistan. Nguyên nhân của vấn đề này là do Mỹ đã mạnh tay “bơm” hàng nghìn tên lửa Stinger cho Mujahideen mà thiếu cân nhắc về số lượng cần thiết.
Sự rút lui của Liên Xô khiến chính quyền Cộng hòa Dân chủ Afghanistan của Tổng thống Najibullah ngày càng suy sụp. Tháng 4.1992, những chiến binh Mujahideen tiến vào Kabul.
Tên lửa Stinger tràn lan ở Afghanistan khiến Mỹ phải tìm cách thu hồi lại từ tay Mujahideen (ảnh: Reuters)
Dưới sự điều hành của nhóm Mujahideen, tình hình Afghanistan ngày càng bất ổn. Taliban – nhóm phiến quân được thành lập vào tháng 9.1994 – cho rằng, nguyên nhân những cuộc chiến tranh liên miên ở Afghanistan là do giới lãnh đạo không triệt để thi hành luật Hồi giáo Sharia và kiên quyết chống đối phe Mujahideen cầm quyền.
Với sự hậu thuẫn của Pakistan, Taliban mua được một lượng lớn vũ khí Mỹ từng chuyển vào Afghanistan và ngày càng lớn mạnh. Năm 1995, Taliban tấn công thủ đô Kabul dữ dội, chính quyền của Burhanuddin Rabbani – chỉ huy Mujahideen – do Mỹ hậu thuẫn có nguy cơ bị lật đổ.
Sau nhiều chiến dịch thắng lợi liên tiếp, năm 1996, Taliban tiến vào Kabul, ông Burhanuddin Rabbani cùng nhiều quan chức nội các phải trốn ra nước ngoài. Tới năm 1998, Taliban đã nắm quyền kiểm soát hơn 90% lãnh thổ Afghanistan.
Tháng 10.2001, sau vụ khủng bố 11.9, Mỹ và đồng minh tổ chức không kích lực lượng Taliban ở Afghanistan. Taliban bị đánh bật khỏi Kabul, nhưng Mỹ và đồng minh cũng phải hiện diện quân sự ở Afghanistan với mục đích tiêu diệt triệt để nhóm phiến quân này.
Phiến quân Taliban trên những chiếc Humvee của Mỹ (ảnh: AP)
Nhằm ủng hộ chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai, Mỹ đã viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Afghanistan. Theo Văn phòng Tổng thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR), tính đến ngày 30.6.2021, Washington đã viện trợ cho Afghanistan hơn 144 tỷ USD, trong đó có 88,61 tỷ USD chi cho mua sắm vũ khí và bảo đảm an ninh.
“Chúng tôi đã cung cấp cho Afghanistan tất cả phương tiện. Tôi nhắc lại, tất cả phương tiện”, Tổng thống Mỹ Biden phát biểu hồi năm 2021 trước khi quyết định rút quân khỏi Afghanistan.
Ông Biden thực sự không nói quá khi đưa ra phát biểu trên. Từ tháng 4 đến tháng 7.2021, Mỹ đã bàn giao cho Lực lượng Quốc phòng và An ninh Afghanistan (ANDSF) 6 máy bay cường kích A-29, 174 xe bọc thép Humvee, hơn 10.000 đạn pháo cùng hàng triệu viên đạn súng máy, theo The Diplomat.
Các loại trực thăng, máy bay chiến đấu chính do Không quân Afghanistan (AAF) vận hành bao gồm UH-60 Blackhawks, MD-530, A-29 Super Tucano, C-130 Hercules, C-208, AC-208, đều do Mỹ và đồng minh viện trợ.
Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút quân, các lực lượng vũ trang Afghanistan tỏ ra yếu thế trước Taliban và nhanh chóng hạ vũ khí đầu hàng. Tháng 8.2021, Taliban tiến vào Kabul và tuyên bố nắm quyền kiểm soát Afghanistan.
Với việc kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan, Taliban có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tài nguyên quân sự khổng lồ mà Mỹ để lại.
“Những vũ khí thu được của Mỹ không chỉ giúp Taliban nhanh chóng tiến vào Kabul mà còn giúp nhóm này củng cố quyền lực ở những thành phố còn lại ở Afghanistan”, Raffaello Pantucci – chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam – nhận xét.
Nhiều hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, các chiến binh của Taliban đã thay những khẩu Ak-47 bằng dòng súng máy M4 Carbine và M16 do Mỹ sản xuất. Phương tiện di chuyển được các nhóm chiến binh Taliban yêu thích là dòng xe bọc thép chống mìn Humvee của Mỹ.
Taliban khoe lô vũ khí Mỹ chiếm được lên truyền hình (ảnh: Atlanticcouncil)
Theo AP, thị trường vũ khí chợ đen đang “nở rộ” ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân. Điều này không chỉ giúp Taliban tăng thêm doanh thu mà còn làm gia tăng bất ổn ở khu vực Trung Đông, thậm chí xa hơn là châu Phi.
“Chưa tính đến việc những chiến binh Taliban có thể lái chiến đấu cơ Mỹ. Việc tịch thu được vũ khí Mỹ đã là một chiến thắng về khía cạnh tâm lý chiến”, Elias Yousif – chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Quốc tế (Mỹ) – nhận xét.
Chuyên gia Elias Yousif lo ngại, giống như năm 1990, Mỹ có thể phải điều các điệp viên thâm nhập thị trường chợ đen Trung Đông để mua lại chính những chiếc trực thăng, máy bay chiến đấu từng viện trợ cho Afghanistan.
“Số vũ khí thu được từ Mỹ có thể giúp Taliban thỏa sức mua bán trong vòng hàng chục năm. Hiện tại, Taliban chỉ dùng một phần nhỏ trong số đó để kiểm soát lãnh thổ”, Nils Duquet – Quyền Giám đốc Viện Hòa bình Flemish Nils Duquet – nhận xét.
Afghanistan không giáp biển nên việc vận chuyển thiết bị quân sự từ nước này trở lại Mỹ không hề dễ dàng. Mỹ sẽ phải tìm cách thu hồi một số vũ khí hạng nặng đang nằm trong tay Taliban. Washington có thể đề nghị hỗ trợ từ một số đồng minh trong khu vực để làm điều này. Tuy nhiên, việc vận chuyển số lượng lớn vũ khí trong khu vực Trung Đông có thể gây ra một số hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng tới đời sống người dân như những gì từng xảy ra ở Iraq năm 2011, theo CNN.
Phát biểu trên truyền hình hôm 31.3, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, Nga đang tập trung, củng cố lực lượng ở Donbass và quân đội Ukraine đã sẵn sàng cho điều đó.
Nguồn: [Link nguồn]