Bộc lộ rạn nứt giữa Mỹ - Israel
Điều này được thấy rõ trong ngày 25/3 (giờ địa phương) khi Washington đứng sang một bên, tạo điều kiện cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza. Quyết định của Mỹ đã khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hủy bỏ chuyến thăm theo kế hoạch tới Thủ đô Washington của 2 cố vấn hàng đầu của mình.
Cụ thể, theo kế hoạch, cố vấn An ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi và ông Ron Dermer, thành viên nội các chiến tranh và cố vấn thân cận của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã lên kế hoạch tới Washington vào tối 25/3 để thảo luận về các phương án tấn công Rafah và các lựa chọn thay thế của Mỹ. Người phát ngôn An ninh Quốc gia John Kirby đã phản hồi trước quyết định của Thủ tướng Israel, đồng thời cho biết Washington thất vọng trước quyết định hủy chuyến đi.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller gọi quyết định của ông Benjamin Netanyahu là đáng ngạc nhiên và đáng tiếc. Ông Matthew Miller đồng thời cho biết rằng, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ Washington phản đối chiến dịch trên bộ quy mô lớn tại Rafah, đồng thời nhấn mạnh động thái như vậy sẽ càng gây nguy hiểm đến hơn 1,4 triệu người Palestine đang lánh nạn tại đó.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nhắc đến giải pháp thay thế cho một chiến dịch trên bộ để có thể đảm bảo cả an ninh cho Israel và bảo vệ người Palestine. Bên cạnh đó, hai quan chức cũng thảo luận về tính cấp thiết để đẩy mạnh và duy trì hỗ trợ nhân đạo bổ sung đáp ứng nhu cầu của người dân thường tại Gaza.
Theo một quan chức Mỹ, hủy bỏ chuyến thăm là phản ứng thái quá. Ông Benjamin Netanyahu đã không liên lạc trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden về quyết định này và người đứng đầu Nhà Trắng cũng không có kế hoạch gọi điện cho Thủ tướng Israel để thảo luận. Một quan chức chính quyền cấp cao khác của Mỹ tiết lộ, Washington đã định phủ quyết nghị quyết trên, nhưng đã có những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để thỏa hiệp, khiến họ rơi vào thế phải bỏ phiếu trắng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Israel Yoav Gallant tại một cuộc gặp năm 2023.
Trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ chạm mốc thấp mới, Israel hiện đang nỗ lực tìm một “đường vòng” để có được vũ khí và khí tài từ các nhà cung cấp không phải của Washington nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt trang thiết bị chiến đấu quan trọng. Một quan chức an ninh Israel tuyên bố rằng “sự chỉ trích và ủy quyền cho bên trung gian ngày càng tăng do cả các nhóm Hồi giáo và những thế lực phản đối gây nguy hiểm cho việc chuyển giao đạn dược và thiết bị chiến tranh do Mỹ hậu thuẫn”. Ngoài ra, có lo ngại rằng căng thẳng với Mỹ sẽ được tăng cường từ việc quân đội Israel tiến vào Rafah cùng với vấn đề nhân đạo ngày càng trầm trọng ở Gaza. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến việc Mỹ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Israel với cường độ tương tự. Hiện có nhiều nước không cung cấp trang thiết bị quân sự cho Israel và thực hiện “âm thầm tẩy chay”, trong đó lập luận rằng họ bị ràng buộc bởi luật pháp quốc gia để bán vũ khí cho các quốc gia có xung đột. Ví dụ, Canada tuyên bố rằng họ sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel vào tuần trước, trong đó có thiết bị điện tử và các thành phần phụ được sử dụng cho hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt).
Về phần mình, Pháp và Đức đang đe dọa tẩy chay việc cung cấp thiết bị cho Israel trong bối cảnh thiếu hụt đạn dược toàn cầu, cùng với việc các quốc gia đang tập trung vào nhu cầu riêng của họ. Theo quan chức Israel trên, nhà cung cấp vũ khí chủ chốt cho Israel là Mỹ. Hiện vẫn có sự trợ giúp do Mỹ hậu thuẫn, nhưng nỗi sợ hãi lớn nhất hiện tại là những căng thẳng do việc tấn công Rafah sẽ ảnh hưởng đến sự nhiệt tình của Mỹ trong việc giúp đỡ an ninh cho Israel.
Trước tình cảnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 25/3 đã tới Mỹ để gặp người đồng cấp nước chủ nhà Lloyd Austin với mục tiêu yêu cầu Washington cung cấp thêm thiết bị và vũ khí để hỗ trợ cuộc chiến của Israel ở Gaza. Cuộc gặp của hai bộ trưởng cũng sẽ đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông Yoav Gallant tới Lầu Năm Góc với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Israel. Trước đó một hôm, Bộ trưởng Yoav Gallant cũng đã hội đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Tại đây, chủ đề buôn bán vũ khí cũng được đem ra thảo luận. Rõ ràng, bất chấp căng thẳng gia tăng, việc mua vũ khí từ Mỹ vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các quan chức quốc phòng Israel. Các quan chức này cũng đang thúc đẩy các đối tác Mỹ phê duyệt nhanh hơn quá trình chuyển giao vũ khí. Các quan chức chỉ ra trước khi tới Washington, D.C., Bộ trưởng Yoav Gallant đã điện đàm với người đồng cấp Lloyd Austin vào tuần trước, nói rằng ông sẽ mang theo danh sách mong muốn mua vũ khí và thiết bị của Mỹ cho Israel, bao gồm nhiều loại đạn dẫn đường chính xác và máy bay chiến đấu F-35, F-15.
Trong cuộc điện đàm, Bộ trưởng Lloyd Austin liên tục nhấn mạnh với người đồng cấp Yoav Gallant rằng Israel đã sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho các hoạt động quân sự tại Gaza và Israel đang mất đi sự hỗ trợ quốc tế khi không làm nhiều hơn để bảo vệ dân thường ở đó. Tuần trước, theo thống kê của cơ quan y tế Palestine, hơn 32.000 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi chiến sự nổ ra vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, các quan chức cho biết quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho Israel không thay đổi nhiều kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Cũng trong ngày 25/3, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Thiếu tướng Patrick Ryder thông báo: “Về cơ bản, Bộ trưởng vẫn tin tưởng vào quyền tự vệ vốn có của Israel và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ về mặt đó”. Tuy nhiên, một mối lo ngại khác xuất hiện trong chính quyền Mỹ là việc phê duyệt quá nhanh nhiều thương vụ vũ khí lớn có thể cho phép Israel tích trữ vũ khí cho một cuộc đối đầu lớn với lực lượng Hezbollah ở Liban - điều mà Mỹ không mong muốn.
Bộ trưởng Yoav Gallant từng đe dọa Israel có thể tiến gần hơn đến một cuộc chiến ở phía Bắc với Liban nếu Lực lượng Phòng vệ Israel không giành được chiến thắng quyết định trước Hamas ở Gaza. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang tranh luận về việc làm thế nào để tạo điều kiện cho một số hình thức hỗ trợ quân sự nhất định cho Israel, đặc biệt khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu cân nhắc một cuộc tấn công quân sự lớn vào Rafah, nơi hơn 1 triệu người Palestine đang ẩn náu. Các quan chức Mỹ đã công khai phản đối một cuộc tấn công như vậy do Israel vẫn chưa đưa ra một kế hoạch giữ an toàn cho dân thường.
Trong 3 lần trước, Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết để hủy bỏ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về lệnh ngừng bắn ở Gaza. Nhưng lần này, Washington đã làm khác và vấp phải phản ứng từ phía đồng minh ở Trung Đông.
Nguồn: [Link nguồn]