Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo tâm lý chiến tranh lạnh đang trỗi dậy

Phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nhấn mạnh, tâm lý chiến tranh lạnh đang trỗi dậy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, làm gia tăng rủi ro về an ninh. Tuy vậy, Bắc Kinh luôn tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu. 

Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ xác nhận không gặp mặt bên lề diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore, trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng tuột dốc, giới quan sát đã dành sự quan tâm đặc biệt tới bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc vào sáng 4/6, đặc biệt là việc ông Lý lên tiếng về quan hệ Bắc Kinh - Washington. 

Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nhấn mạnh, quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp kỷ lục kể từ khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. "Không thể phủ nhận rằng, một cuộc xung đột hoặc đối đầu nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở thành thảm họa không thể tưởng tượng nổi đối với thế giới", ông Lý nêu rõ. 

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Đối thoại Shangri-La 2023. Ảnh: AP.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Đối thoại Shangri-La 2023. Ảnh: AP.

Được biết, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang căng thẳng vì một loạt vấn đề, bao gồm Đài Loan, Biển Đông và các hạn chế mà Tổng thống Joe Biden đưa ra để siết chặt ngành sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc. 

Bộ trưởng Lý cho rằng, Mỹ không nên áp lên nước này các cấm vận thương mại mà Liên hợp quốc chưa chấp thuận. Đặc biệt, về vấn đề Đài Loan, ông Lý khẳng định, Trung Quốc sẽ tự đưa ra cách giải quyết vì nước này coi Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ. 

Cũng trong bài phát biểu, ông Lý nhận định, tâm lý chiến tranh lạnh đang trỗi dậy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, làm gia tăng rủi ro về an ninh. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu: "Trung Quốc tin tưởng rằng, một cường quốc nên hành xử như một cường quốc thay vì kích động đối đầu theo khối vì lợi ích cá nhân".

Đồng thời, ông Lý nêu bật vai trò của Sáng kiến An ninh Toàn cầu - tập hợp các nguyên tắc và định hướng chính sách đối ngoại gồm phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và sử dụng phát triển kinh tế để ngăn chặn bất ổn và xung đột, vốn được Bắc Kinh công bố hồi tháng 4/2022. 

Bình luận ngắn gọn về đề xuất làm trung gian giữa Nga và Ukraine, Bộ trưởng Lý bảo vệ cách Trung Quốc thúc đẩy các cuộc đàm phán giúp chấm dứt cuộc xung đột, mô tả quan điểm của Bắc Kinh là "khách quan và vô tư".

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 4/6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đến Trung Quốc trong chuỗi các cuộc gặp mà Washington nỗ lực sắp xếp nhằm ngăn mối quan hệ giữa hai nước càng nguội lạnh.

Cùng đi với ông Kritenbrink là bà Sarah Beran - Giám đốc cấp cao về các vấn đề Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chuyến thăm này của ông Kritenbrink nhằm thảo luận các vấn đề then chốt trong mối quan hệ song phương.

Hồi tháng 11/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch lộ trình cải thiện quan hệ thông qua một "bậc thang" gồm các chuyến thăm của các quan chức cấp cao về tài chính, thương mại và ngoại giao, có khả năng dẫn đến chuyến thăm của ông Tập tới San Francisco (bang California, Mỹ) vào tháng 11 tới để dự Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). 

Tín hiệu đáng ngại từ cú bắt tay chóng vánh của hai bộ trưởng Mỹ - Trung

Cái bắt tay và nụ cười chóng vánh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại một khách sạn ở Singapore ngày 2/6 cho thấy tình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Khánh ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN