Bỏ tết Âm lịch, Nhật Bản giờ ăn tết Dương lịch như thế nào?
Sau khi bỏ Tết Âm lịch để ăn mừng năm mới theo Dương lịch, một số phong tục đón Tết ở Nhật Bản dần bị mai một theo thời gian. Tuy nhiên, những nét truyền thống đặc sắc nhất của Tết cổ truyền vẫn được người Nhật lưu giữ đến tận ngày nay.
Người Nhật Bản trong trang phục truyền thống đón Tết (ảnh: Japan Times)
Tết vẫn là lễ hội quan trọng nhất và được người Nhật chờ đón nhất trong năm. Vào 3 ngày cận Tết, người Nhật Bản đổ xô đến các cửa hàng vào trung tâm thương mại để mua sắm, chuẩn bị cho việc đón rước vị thần năm mới Toshigami sama vào nhà.
Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong những ngày Tết ở Nhật Bản. 3 ngày cuối năm là thời điểm họ phải chuẩn bị rất nhiều món ăn.
Theo quan niệm của người Nhật, các vị thần rất ghét bị quấy rầy bởi âm thanh của việc nấu ăn trong dịp năm mới. Hàng quán cũng sẽ đóng cửa trong 3 ngày đầu năm. Vì vậy, việc chuẩn bị thức ăn tích trữ cho gia đình, khách khứa đến thăm nhà trong những ngày Tết là rất quan trọng.
Các món ăn thường xuất hiện trên mâm cơm ngày Tết ở Nhật Bản là trứng cá trích, khoai lang, tảo bẹ cuộn, hạt dẻ.
Tôm – thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết ở Nhật Bản (ảnh: Sushisushi)
Tôm là thực phẩm không thể thiếu đối với người Nhật trong ngày Tết. Tôm khi nấu chín sẽ có màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn. Lưng tôm cong như người già, biểu tượng của sự trường thọ theo quan niệm của người Nhật.
Giống như Tết Âm lịch, ngày 30.12 Dương lịch, người Nhật sẽ tổ chức tiệc tất niên. Thời khắc giao thừa họ sẽ không ngủ mà lắng nghe 108 hồi chuông từ những ngôi đền, chùa trên khắp cả nước. Người Nhật tin rằng tiếng chuông sẽ giúp họ xua đuổi 108 loài quỷ dữ trong năm mới.
Ngày đầu tiên của năm mới là thời điểm người Nhật đến các đền, chùa cầu may. Phong tục này ở Nhật Bản gọi là “Hatsumode”. Trước khi hành lễ và cầu nguyện, họ phải rửa tay, súc miệng thật sạch bằng nước trong.
Đền Meiji ở Tokyo là địa điểm thu hút nhiều du khách nhất Nhật Bản trong dịp năm mới. Ngôi đền thường đón hơn 3 triệu lượt du khách trong 3 ngày đầu năm.
“Nhật Bản được cả thế giới biết đến là một quốc gia thịnh vượng và phát triển nhanh. Thông qua các phong tục đón năm mới truyền thống, chúng tôi mong muốn mọi người biết đến Nhật Bản là một quốc gia có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng tôi cũng muốn giáo dục thế hệ con cháu sau này biết quý trọng những giá trị truyền thống từ cha ông để lại”, Norihumi Kitagawa – trụ trì đền Sengen, tỉnh Shizuoka – nói về giá trị của ngày Tết ở Nhật Bản.
Đến các ngồi đền, chùa để cầu may là phong tục không thể thiếu của người Nhật trong dịp Tết (ảnh: Japan Times)
Người Nhật rất coi trọng 3 ngày đầu năm mới. Đây là dịp để mọi người đến thăm hỏi, chúc tụng nhau trong ngày Tết.
Vào những ngày đầu năm mới, các phụ huynh, người lớn tuổi ở Nhật Bản thường tặng lì xì có chứa tiền cho trẻ con. Tiền được đựng trong các bao lì xì trang trí khá bắt mắt, gọi là “Pochibukuro”.
Không có quy định về độ tuổi được nhận lì xì ở Nhật. Tuy nhiên, những người từ 20 tuổi trở lên thường từ chối nhận lì xì của người khác vì cho rằng họ đã “quá lớn”.
Nguồn gốc của phong tục lì xì ở Nhật Bản là không rõ ràng. Tuy nhiên, giới nghiên cứu lịch sử Nhật Bản cho rằng, phong tục lì xì của nước này không bắt nguồn từ Trung Quốc mà dựa trên những câu chuyện của Thần đạo.
Mặc dù đã thống nhất đón Tết theo Dương lịch, nhưng ở một số khu vực tại Nhật Bản, người ta vẫn tổ chức lễ hội đón mừng năm mới theo Âm lịch.
Ở tỉnh Nagasaki, bạn có thể thưởng thức lễ hội đèn lồng ở khu phố người Hoa trong Tết Âm lịch.
Shinchi Chukagai ở tỉnh Nagasaki là khu phố Tàu lâu đời nhất ở Nhật Bản. Từ khi thành lập vào thế kỷ 17, Shinchi Chukagai thường tổ chức lễ hội đèn lồng để đón Tết Âm lịch.
Nagasaki là tỉnh Nhật Bản đầu tiên mở cảng cho Trung Quốc giao thương. Đây cũng là nơi đầu tiên cho phép thành lập phố Tàu tại Nhật Bản.
Lễ hội đèn lồng đón Tết Âm lịch ở khu phố Tàu tại Nhật Bản (ảnh: Japan Visitor)
Khoảng 15.000 chiếc đèn lồng được sẽ được sử dụng mỗi dịp Shinchi Chukagai tổ chức lễ hội đón năm mới. Những chiếc đèn lồng thường được thiết kế theo hình con giáp là biểu tượng của năm Âm lịch.
Ban đầu, lễ hội đèn lồng chỉ được thu hẹp trong phạm vi phố Tàu Shinchi Chukagai. Tuy nhiên, để có thể cảm nhận không khí đón Tết Âm lịch, nhiều người Nhật ở Nagasaki ngày càng đón nhận và tỏ ra hào hứng khi tham gia lễ hội này.
Trong lễ hội ở các khu phố Tàu khác tại thành phố Yokohama, Kobe, Nhật Bản, người ta cũng biểu diễn thái cực quyền, treo đèn lồng, bán các món ăn truyền thống, múa sư tử và đốt pháo để chào mừng Tết Âm lịch.
Một số thị trấn ở tỉnh Okinawa của Nhật Bản cũng đón Tết theo Âm lịch. Vào ngày mùng 1 Âm lịch, họ sẽ treo cờ, trang trí nhà cửa và ăn món mì soba truyền thống. Tuy nhiên, vì Tết Âm lịch không phải là lễ hội quốc gia nên người dân Nhật Bản vẫn phải đi làm, các hàng quán cũng mở cửa như bình thường.
____________
Không chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là một quốc gia từng bỏ Tết Nguyên đán để đón năm mới theo Dương lịch. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến Hàn Quốc bỏ Tết Nguyên đán lại vô cùng đặc biệt. Người Hàn Quốc cũng phải trải qua "cuộc chiến" gần 100 năm mới có thể khôi phục ngày Tết truyền thống. Mời quý độc giả khám phá đề tài thú vị này trong bài kỳ sau, xuất bản lúc 10h ngày 13.2 trên mục Thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]
Trải qua nhiều biến động về kinh tế - chính trị, Nhật Bản đã quyết định sử dụng Dương lịch thay cho Âm lịch, các...