Bộ Quốc phòng Ukraine: Quân đội Nga có cách khắc chế "hỏa thần" HIMARS
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine – ông Aleksey Reznikov – thừa nhận, quân đội Nga có cách hóa giải loại vũ khí “thay đổi cuộc chơi” của Kiev.
Hệ thống pháo cơ động HIMARS do Mỹ sản xuất (ảnh: RT)
Trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times hôm 5/7, ông Reznikov cho rằng, quân đội Nga đã tìm ra cách can thiệp, khiến đạn pháo dẫn đường bằng GPS, bao gồm cả đạn pháo HIMARS giảm độ chính xác.
“Khi những hệ thống này lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Ukraine hồi cuối năm ngoái, chúng có độ chính xác cao”, ông Reznikov nói.
“Tuy nhiên, Nga – quốc gia có hệ thống tác chiến điện tử mạnh – đã tìm ra cách gây nhiễu đối với đạn pháo dẫn đường bằng GPS, bao gồm cả đạn pháo bắn từ tổ hợp HIMARS”, ông Reznikov nói thêm.
“Đây là cuộc chiến của kỹ thuật. Quân đội Nga tìm ra cách đối phó, chúng tôi thông báo cho các đối tác của mình để họ tìm ra biện pháp mới đối phó lại Nga”, ông Reznikov nói.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Reznikov kêu gọi các công ty quân sự viện trợ và đưa vũ khí tới “bãi thử” Ukraine.
“Đối với ngành công nghiệp quân sự thế giới, bạn không thể tìm thấy một bãi thử nào tốt hơn Ukraine”, ông Reznikov nói.
Theo ông Reznikov, các đối tác từ phương Tây đã đánh giá được độ hiệu quả của vũ khí, khi họ gửi chúng tới chiến trường Ukraine.
Theo RT, từ tháng 6 năm ngoái, Ukraine đã được phương Tây, đặc biệt là Mỹ, cung cấp hàng chục hệ thống pháo cơ động HIMARS. Đạn pháo loại thường bắn từ hệ thống này có tầm xa khoảng 80km.
Mỗi tổ hợp HIMARS được nạp sẵn 6 quả đạn pháo có khả năng dẫn đường, giúp khóa mục tiêu tốt hơn. Điểm mạnh khác của HIMARS là khả năng cơ động khi đặt trên khung gầm bánh lốp. HIMARS có thể “bắn và chạy”, hạn chế nguy cơ bị phản pháo trên chiến trường.
Nhiều chuyên gia phương Tây nhận định “hỏa thần” HIMARS là loại vũ khí “thay đổi cuộc chơi” trên chiến trường Nga – Ukraine.
Tuy nhiên, hồi tháng 5, CNN dẫn nguồn tin từ Mỹ, Anh và Ukraine cho hay, HIMARS ngày càng kém hiệu quả khi quân đội Nga đã tìm ra cách đối phó. Đạn pháo của HIMARS bị các thiết bị gây nhiễu, không định vị được mục tiêu thông qua hệ thống dẫn đường GPS.
Quân đội Nga cũng tuyên bố phá hủy hàng chục hệ thống HIMARS. Mỹ và Ukraine phủ nhận thông tin này.
Nguồn: [Link nguồn]
Để đáp trả động thái mới đây của Kiev, Hungary sẽ phản đối bất kỳ khoản viện trợ vũ khí nào mà EU dành cho Ukraine, Ngoại trưởng Hungary tuyên bố.