Bộ Quốc phòng Mỹ nói gì về tin 'nổ hạt nhân ở biển Đông'?
Ông Turner không phản hồi đề nghị bình luận của báo chí về thông tin “nổ hạt nhân ở biển Đông”.
Tình hình biển Đông gần đây nhiều căng thẳng, nhưng không có nước nào cho nổ một quả bom hạt nhân dưới biển tuần rồi. Ảnh: SCMP
Tổ chức The Bulletin of the Atomic Scientists (Mỹ) ngày 25-11 đưa phản ứng của Mỹ về thông tin “vụ nổ hạt nhân dưới biển Đông” gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Thông tin này xuất phát từ ông Hal Turner - nhà bình luận chính trị cực hữu người Mỹ, ủng hộ thuyết người da trắng là ưu việt, và tham gia chỉ điểm cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Ban đầu ông Turner đưa câu chuyện về “vụ nổ hạt nhân dưới biển Đông” lên trang web của mình. Ông này dẫn thông tin từ “một số nguồn tin quân sự” và tham khảo từ một số “thiết bị hải dương” cho thấy một thiết bị hạt nhân có sức mạnh 10.000-20.000 tấn thuốc nổ phát nổ dưới độ sâu khoảng 50m ở biển Đông.
Ông Turner còn đặt ra câu hỏi liệu có phải vụ nổ này do Trung Quốc tạo ra để cảnh cáo Mỹ sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về Hong Kong, thậm chí còn nói vụ nổ liên quan đến một tàu ngầm của Mỹ ở biển Đông.
Sau đó ông Turner tiếp tục nói về thông tin này trên chương trình phát thanh Hal Turner Radio Show được ông này ra mắt năm 2002 và đã từng nhiều lần tung tin giả.
Bộ Quốc phòng Mỹ: “Sự bịa đặt ngớ ngẩn”
Nhà báo Matt Field của The Bulletin of the Atomic Scientists dẫn lời một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 22-11 nói câu chuyện của ông Hal Turner là “sự bịa đặt ngớ ngẩn”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của báo South China Morning Post (SCMP) về sự việc, một quan chức quốc phòng Mỹ bác bỏ thông tin mà ông Turner đã bịa ra.
“Chúng tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy thông tin này đáng tin”, quan chức này nói với SCMP.
The Bulletin of the Atomic Scientists (bản tin của các nhà khoa học nguyên tử) là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên viết về các vấn đề khoa học và an ninh toàn cầu xuất phát từ đà phát triển công nghệ kỹ thuật, hay nói cách khác công nghệ kỹ thuật có hậu quả tiêu cực thế nào đến con người.
Trước khi gia nhập Bulletin of the Atomic Scientists nhà báo Matt Field từng viết về các hoạt động của Nhà Trắng, của Quốc hội Mỹ, về các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ…
Nhà báo Matt Field cho biết ông Bob Rosner - Chủ tịch Ban Khoa học và An ninh của Bulletin of the Atomic Scientists - nói ông cảm thấy nực cười với thông tin có một vụ nổ hạt nhân với sức mạnh từ 10.000-20.000 tấn thuốc nổ ở vùng biển Đông bận rộn mà lại không được phát hiện.
Ông Turner không phản hồi đề nghị bình luận của Bulletin of the Atomic Scientists về thông tin này.
Tác hại từ việc cứ thấy tin là đưa
Tài khoản Twitter IndoPac_Info vốn là một nguồn tốt để theo dõi các thông tin về quân sự ở châu Á. Tài khoản này được một lượng lớn nhà báo, học giả, và cả nhiều tổ chức truyền thông uy tín như Reuters theo dõi.
Chiều 22-11 tài khoản IndoPac_Info đưa tới hàng chục dòng tweet chỉ trong 36 giờ với các thông tin từ nhiều cơ quan truyền thông như hãng tin Reuters, tạp chí Foreign Policy về các chủ đề đi từ hoạt động của hải quân Mỹ ở các vùng biển có tranh chấp cho đến chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ về thiết bị tự hành. Và trong số này có một dòng trạng thái về một “vụ nổ hạt nhân ở biển Đông”.
Và nguồn mà tài khoản IndoPac_Info lấy thông tin này xuất phát từ trang web của ông Turner.
Tài khoản IndoPac_Info đưa lại thông tin không có thật về một “vụ nổ hạt nhân ở biển Đông” và được chia sẻ cả 2.000 lượt. Ảnh: BULLETIN
Sau thời gian hào hứng ban đầu với thông tin quá nóng này, chủ tài khoản IndoPac_Info đã tỉnh táo hơn và đồng ý với đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ.
“Cần phải có sự xác nhận và tôi đã cố gắng tìm thêm chứng cứ… Với việc không có thêm chứng cứ hay sự làm chứng độc lập về bài viết của Hal Turner, nó có thể không đáng tin. Xin nói lời xin lỗi”, người sử dụng tài khoản IndoPac_Info viết trên Twitter.
Tuy nhiên điều đáng nói trước khi IndoPac_Info thừa nhận thông tin này không đáng tin thì bản tin này đã được gần 2.000 lượt chia sẻ. Ngày 22-11, hàng loạt cơ quan truyền thông trong đó có nhiều trang tin ở Trung Quốc đại lục cũng đưa lại thông tin này, nhưng sau đó xóa đi.
Chủ tài khoản IndoPac_Info nói với Bulletin of the Atomic Scientists rằng mình chỉ đưa thông tin về châu Á chứ không vì quyền lợi cá nhân gì. Người này thừa nhận chuyện hiểu rõ thông tin nền về các hãng tin, các trang web truyền thông mà mình lấy tin lại là rất khó.
“Vấn đề nằm ở đó. Tôi không quen với ông ta… Tôi không hay biết về lịch sử của ông ta. Một người theo dõi gửi tôi câu chuyện của ông ấy và rồi tôi cứ thế làm theo”, chủ tài khoản IndoPac_Info nói về ông Turner.
Một quan chức quốc phòng Mỹ đã bác bỏ thông tin về một vụ nổ được cho là vụ nổ tàu ngầm hạt nhân Mỹ xảy ra ở...
Nguồn: [Link nguồn]