Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc tập trận trên biển Đông
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 2-7 bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tập trận trên biển Đông, nói rằng động thái này sẽ khiến tình hình thêm phức tạp.
"Tiến hành các cuộc tập trận quân sự như vậy trên biển Đông đang phản tác dụng những nỗ lực xuống thang căng thẳng và duy trì ổn định" – Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, sau khi trung Quốc thông báo kế hoạch tập trận 5 ngày, bắt đầu vào ngày 1-7, gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
"Các cuộc tập trận này là động thái mới nhất trong chuỗi hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á ở biển Đông" – Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Thời gian qua, Mỹ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông và dọa nạt các nước láng giềng châu Á, những nước có thể muốn khai thác trữ lượng dầu khí khổng lồ của vùng biển này.
Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận trước đó gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: SCMP
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 2-7 cũng lên tiếng chỉ trích các cuộc tập trận của Trung Quốc trên biển Đông, nói rằng đây là một động thái "cực kỳ khiêu khích" có thể khiến căng thẳng leo thang trong khu vực. Mặc dù Manila không tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Bộ trưởng Lorenzana khẳng định việc Trung Quốc tập trận gần quần đảo này là "không thể chấp nhận".
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 vào ngày 26-6, Philippines cũng đã cảnh bảo về nỗi bất an gia tăng ở Đông Nam Á trong bối cảnh nhiều nước, trong đó có Mỹ, thể hiện lo ngại về việc Bắc Kinh đang tận dụng tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) để đẩy mạnh hoạt động hải quân và thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: AP
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 2-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần tuyên bố DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán COC (bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông) hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
"Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động này trong tương lai" - bà Thu Hằng nói.
Cách tiếp cận nhằm chống lại các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông từ Philippines được giới quan...
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bo-quoc-phong-my-chi-trich-trung-quoc-ta...