Bộ mặt thật của kiến: vai diễn phim kinh dị hay trò đùa tạo hóa?
Hình ảnh chụp cận cảnh bộ mặt một con kiến đã khiến cư dân mạng choáng váng, thậm chí nhiều người còn thốt lên: “Kinh dị!”.
Theo trang NDTV, nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Eugenijus Kavaliauskas người Lithuania đã đạt giành một giải thưởng trong cuộc thi nhiếp ảnh Nikon với bức ảnh khuôn mặt của một con kiến.
Nhiếp ảnh gia Kavaliauskas đã gửi bức ảnh mặt con kiến có độ phóng đại cao tham gia cuộc thi Chụp ảnh hiển vi Thế giới nhỏ Nikon năm 2022. Đây là cuộc thi tôn vinh nghệ thuật chụp ảnh bằng kính hiển vi, cho phép mọi người chụp lại những chi tiết mà mắt người không thể nhìn thấy.
Tác phẩm của ông Kavaliauskas là một trong 57 bức ảnh xuất sắc nhất được chọn. Bức ảnh về khuôn mặt của con kiến, được phóng đại 5 lần dưới kính hiển vi, đã giành được một vật phẩm Nikon trị giá 35 USD.
Bức ảnh chụp cận mặt một con kiến của nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Eugenijus Kavaliauskas. Ảnh: Nikon Small World
Khuôn mặt con kiến trong bức ảnh có đôi mắt đỏ và những vật trông như những chiếc răng nanh vàng. Hình ảnh này đã khiến cư dân mạng choáng váng, thậm chí nhiều người còn thốt lên: "Kinh dị!".
Một người dùng chia sẻ bức ảnh cận cảnh về con kiến đã viết: "Hình ảnh từ một bộ phim kinh dị? Không. Đó là khuôn mặt rất thật của một con kiến. Đúng, là một con kiến! Từ giờ, bạn sẽ phải nghĩ về nó cả đêm!".
Một số bình luận khác như sau: "Những con rồng không biến mất trong thần thoại mà chỉ bị thu nhỏ lại", "Chỉ cần tưởng tượng nếu chúng là những con kiến khổng lồ", "Hoàn toàn choáng váng!".
Trong khi đó, vị trí cao nhất của cuộc thi nhiếp ảnh năm nay thuộc về bức ảnh bàn tay phôi thai tắc kè Madagascar của tác giả Grigorii Timin, Trường ĐH Geneva (Thụy Sĩ).
Bức ảnh bàn tay phôi thai tắc kè Madagascar của tác giả Grigorii Timin. Ảnh: Nikon Small World
Hãng Nikon cho biết: "Bằng việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ hình ảnh và sự sáng tạo nghệ thuật, Timin đã sử dụng kính hiển vi có độ phân giải cao để chụp loài tắc kè ngày Phelsuma grandis này".
Theo The Independent, Nikon đã tổ chức các cuộc thi nhiếp ảnh trong suốt 48 năm qua. Cuộc thi năm nay nhận được khoảng 1.300 bài tham dự và kết quả được công bố vào tuần trước.
Khi lớp phủ băng vĩnh cửu của lãnh nguyên Siberia tan ra, nó có thể giải phóng một lượng lớn khí nhà kính được lưu trữ vào bầu khí quyển, làm tăng tốc độ ấm lên của toàn...
Nguồn: [Link nguồn]