Bộ ba vũ khí hạt nhân Ấn Độ răn đe Trung Quốc và Pakistan

Ngày nay, Ấn Độ sở hữu ít nhất 520kg plutonium, đủ để chế tạo “100-120 vũ khí hạt nhân”. New Delhi coi vũ khí hạt nhân là công cụ răn đe hiệu quả các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Pakistan.

Tên lửa tầm xa Agni-V uy lực nhất của Ấn Độ.

Tên lửa tầm xa Agni-V uy lực nhất của Ấn Độ.

Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới với 1,3 tỉ người, có nhiều khu vực tranh chấp mang ý nghĩa chiến lược.

Để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ, Ấn Độ đã ráo riết phát triển vũ khí hạt nhân và ngày nay sở hữu bộ ba vũ khí hạt nhân trên đất liền, trên không và trên biển.

Chương trình vũ khí hạt nhân Ấn Độ bắt nguồn từ năm 1948, một năm sau khi độc lập khỏi Anh. Chính phủ Ấn Độ khi đó coi hạt nhân là nguồn năng lượng dồi dào cần thiết cho một quốc gia non trẻ.

Năm đó, Ấn Độ thành lập Ủy ban Năng lượng nguyên tử để giám sát chương trình hạt nhân của đất nước. Do thiếu uranium, Ấn Độ quay sang sử dụng plutonium.

Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ, Apsara được xây dựng năm 1956 với sự giúp đỡ từ Vương quốc Anh. New Delhi ban đầu chế tạo các thiết bị hạt nhân có sức công phá để giúp xây cảng biển, khai thác khí tự nhiên, phục vụ các dự án khai thác khoáng sản.

Ấn Độ đã cải tiến các chiến đấu cơ Su-30MKI để mang theo bom hạt nhân chiến thuật.

Ấn Độ đã cải tiến các chiến đấu cơ Su-30MKI để mang theo bom hạt nhân chiến thuật.

Ở thời điểm đó, Ấn Độ chưa nghĩ đến việc sử dụng năng lượng hạt nhân làm vũ khí răn đe. Sau cuộc chiến biên giới với Trung Quốc năm 1962, Ấn Độ đã thay đổi quan điểm.

Giới lãnh đạo Ấn Độ cho rằng không thể chống đỡ nếu cả Trung Quốc và Pakistan cùng phát động chiến tranh. Việc Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân là điều tất yếu và Ấn Độ không thể đứng ngoài cuộc.

Ngày 18.5.1974, Ấn Độ lần đầu thử hạt nhân ở sa mạc Rajastan. Thiết bị hạt nhân mang tên “nụ cười của Phật” tạo ra sức công phá 6-15 kT, tương đương quả bom Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến 2.

Vụ thử được tiến hành bên dưới lòng đất để giảm thiểu tác động của phóng xạ. Ấn Độ mô tả vụ thử nhằm mục đích hòa bình nhưng vì Trung Quốc đã chế tạo bom hạt nhân năm 1964, nên chắc chắn rằng Ấn Độ muốn thử vũ khí hạt nhân, theo National Interest.

Vụ thử năm đó đưa Ắn Độ vào “câu lạc bộ hạt nhân” cùng Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc. Ấn Độ hạn chế thử vũ khí hạt nhân cho đến 24 năm sau.

Ngày 11.5.1998, Ấn Độ 3 lần thử hạt nhân và đến ngày 13.5, tiếp tục thử thêm 3 lần nữa. Đa số đều là thiết bị hạt nhân có sức công phá thấp, có thể nhằm mục đích thử vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Ấn Độ hiện đang sở hữu 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant.

Ấn Độ hiện đang sở hữu 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant.

Một trong số thiết bị hạt nhân Ấn Độ kích nổ năm đó là bom nhiệt hạch, nhưng vụ nổ không đạt kì vọng, với sức công phá chỉ 45 kT.

Ngày nay, Ấn Độ sở hữu ít nhất 520kg plutonium, đủ để chế tạo “100-120 vũ khí hạt nhân”, theo NI. New Delhi mô tả những vũ khí hạt nhân này “răn đe một cách hiệu quả” Trung Quốc và Pakistan.

Ấn Độ duy trì chiến lược không sử dụng vũ khí hạt nhân trước và chỉ dùng để đáp trả nếu bị tấn công. Kết quả là Ấn Độ đã tự xây dựng “bộ ba hạt nhân” uy lực ở trên đất liền, trên biển và trên không.

Đối với lực lượng không quân, Ấn Độ phát triển bom hạt nhân chiến thuật có thể được trang bị trên các chiến đấu cơ đa năng Su-30MKI và MiG-29.

Ở trên mặt đất, Ấn Độ chế tạo thành công tên lửa đạn đạo chiến thuật Prithvi có thể mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa Agni V. Mẫu tên lửa Agni mới nhất có tầm bắn lên tới 5.800km, đủ sức bao phủ một số thành phố chiến lược của Trung Quốc.

Ở dưới biển, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Arihant của Ấn Độ luôn sẵn sàng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Các tàu ngầm lớp Arihant có thể mang theo tên lửa đạn đạo tầm ngắn, lên tới 700km hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung, lên tới 3.500km.

Nếu phóng từ Vịnh Bengal và được nhóm tác chiến tàu sân bay INS Vikramaditya bảo vệ, các tàu ngầm lớp Arihant có thể phóng tên lửa đến Bắc Kinh.

Có thể nói, so với các cường quốc hạt nhân khác như Nga, Mỹ, vũ khí hạt nhân Ấn Độ có nhiều hạn chế cả về tầm bắn và sức công phá. Nhưng đây vẫn là những vũ khí đóng vai trò răn đe hạt nhân hiệu quả của Ấn Độ trước các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc và Pakistan.

Nguồn: [Link nguồn]

Ấn Độ và Trung Quốc đưa vũ khí hạng nặng đến sát biên giới

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang đưa các vũ khí hạng nặng bao gồm pháo tầm xa và phương tiện chiến đấu đến căn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN