Bloomberg: Kế hoạch 2,3 nghìn tỷ USD của TQ khiến Mỹ phải "thẹn"
Hơn một nửa số dự án trong kế hoạch của Bắc Kinh sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành sản xuất và dịch vụ.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc vượt xa con số đầu tư của Mỹ, theo Bloomberg. Ảnh: Nicolas Bock
Theo Bloomberg, trong bối cảnh Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19, bất động sản nguội lạnh và giá dầu tăng cao do chiến sự ở Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuyển hướng tới các đồng minh đáng tin cậy để duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng: Hơn 50 triệu công nhân xây dựng của Trung Quốc.
Theo yêu cầu từ cấp trên, các chính quyền địa phương đã lập danh sách hàng nghìn "dự án lớn" mà họ đang chịu áp lực để xem xét thông qua.
Các phân tích của Bloomberg cho thấy, đầu tư có kế hoạch trong năm 2022 về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc lên tới 14,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,3 nghìn tỷ USD). Con số này cao gấp đôi mức chi tiêu mới trong gói cơ sở hạ tầng được quốc hội Mỹ thông qua năm 2021, với tổng số tiền đầu tư là 1,1 nghìn tỷ USD phân bố trong 5 năm.
Phần lớn chi tiêu trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm vào các lĩnh vực như giao thông, nguồn nước và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có số lượng đường sắt cao tốc nhiều gấp đôi so với phần còn lại của thế giới, cũng như mạng lưới đường cao tốc dài nhất thế giới. Vì vậy, Bắc Kinh đang thay đổi trọng tâm của việc thúc đẩy xây dựng.
Chỉ 30% các dự án trong kế hoạch là xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống (đường bộ và đường sắt). Hơn một nửa số dự án của kế hoạch cơ sở hạ tầng hướng tới hỗ trợ các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ: nhà máy, khu công nghiệp, vườn ươm công nghệ và thậm chí cả công viên giải trí. "Giờ đây, Trung Quốc đã có cơ sở hạ tầng hiện đại nên việc tập trung đầu tư vào sản xuất là hợp lý", theo Nancy Qian, giáo sư tại Trường Quản lý Kellogg, thuộc Đại học Northwestern (Mỹ).
Sự thay đổi cơ cấu của việc thúc đẩy xây dựng phản ánh cam kết của Bắc Kinh nhằm đảm bảo Trung Quốc giữ được thị phần thống trị trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu, ngay cả khi nước này chuyển sang các lĩnh vực tiên tiến hơn như xe điện, pin, năng lượng tái tạo và vi mạch.
Bên cạnh việc giúp các công nhân có việc làm, thúc đẩy xây dựng còn nhằm giúp đảm bảo cho Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2022 là 5,5%. Thị trường chứng khoán cũng có thể có một "cú hích" phát triển. Tính đến hiện tại, chỉ số chính của thị trường chứng khoán giảm 13,4% nhưng chỉ số phụ của các công ty liên quan đến các công ty cơ sở hạ tầng chỉ giảm 4,7%.
Giống như các gói kích thích trước, kế hoạch thúc đẩy xây dựng mới có tiềm năng thúc đẩy kinh tế toàn cầu, bằng cách thúc đẩy nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm trầm trọng thêm lạm phát hàng hóa vào thời điểm nhiều quốc gia đang phải đối phó với những cú sốc về giá năng lượng, do tình hình chiến sự ở Ukraine.
Về lâu dài - với các dự án lớn trong năm 2022 cần từ 3 đến 5 năm để hoàn thành - hiệu ứng toàn cầu có thể là thiểu phát (giá cả tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn so với lạm phát) khi các nhà máy Trung Quốc tăng cường sản xuất các mặt hàng có nguồn cung khan hiếm khiến giá bị đẩy lên cao như vi mạch.
Ngoài ra, các tác động về môi trường cũng cần được lưu ý.
Với sự bùng nổ của năm nay, Trung Quốc đang tự tin rằng các dự án lớn sẽ không trở thành gánh nặng cho hệ thống tài chính của đất nước với các khoản vay không thể hoàn trả, theo Bloomberg. "Nếu bạn tận dụng cơ hội đầu tư và cơ sở hạ tầng để giảm bớt tắc nghẽn, điều đó sẽ giúp tăng năng suất và doanh thu cho nhà nước", Justin Lin, cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới và là người từng tư vấn cho ông Tập, nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]
Năm 2022, sản lượng kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn tỷ USD và Trung Quốc sẽ cần nhiều thời gian hơn dự báo trước đây để có thể vượt Mỹ và trở...