Binh sĩ Ukraine nói về loại mìn Nga gây lo sợ nhất, kích hoạt phóng ra 1.850 mảnh kim loại
Aleksandr Slyusar, lính công binh Ukraine, mới trải qua 30 giờ làm việc không ngừng nghỉ tại Staromaiorske, ngôi làng Ukraine được cho là mới giành quyền kiểm soát ở tỉnh Donetsk. Slyusar thuộc lực lượng chuyên rà phá bom mìn, đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch phản công.
Quân đội Ukraine đang rất thiếu lính công binh chuyên rà phá bom mìn.
Slyusar, 38 tuổi, có cuộc trả lời phóng viên báo Anh Guardian trong quãng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi. "Trên lý thuyết, đơn vị của chúng tôi có 30 lính công binh. Thực tế là chỉ có 13 người và nếu tính những người đang sẵn sàng chiến đấu, con số này chỉ là 5", Slyusar nói. "Tôi luôn phải dùng thuốc giảm đau mỗi ngày để có thể tiếp tục duy trì chiến đấu".
Ukraine được coi là quốc gia khai có lượng mìn cài ở mặt đất lớn nhất trên thế giới. Các khu vực bị ảnh hưởng được cho là gấp đôi diện tích của Bồ Đào Nha, lên tới 180.000 km2.
Kể từ khi mở chiến dịch phản công vào đầu tháng 6, những bãi mìn dày đặc của Nga là một trong những lý do quân đội Ukraine hứng chịu tổn thất lớn.
Mìn POM-3 được Nga sử dụng trong xung đột với Ukraine.
Chủng loại mìn mà các binh sĩ Ukraine phải đối mặt cũng hết sức đa dạng, theo Guardian. Có loại mìn khác mang tên PMN, chứa một lượng chất nổ vừa đủ để binh sĩ mất một chân nếu giẫm phải. Loại mìn nguy hiểm nhất mà các binh sĩ Ukraine thường hay nhắc tới là mẫu POM-2 và POM-3.
Đây là mìn được phóng từ các hệ thống rải mìn chuyên dụng, sử dụng dù để tiếp đất. Quả mìn được thiết kể bám chặt trên nền đất và được tích hợp cảm biến phát hiện rung động. Một khi được kích hoạt, mìn sẽ phóng lên không trung ở độ cao ngang ngực và phóng ra 1.850 mảnh kim loại sắc nhọn. Mìn có phạm vi sát thương khoảng 16 mét.
Bên trong quả mìn POM-3 có chứa 1.850 mảnh kim loại.
"Những quả mìn như vậy không thể gỡ được và có mức sát thương rất cao", Slyusar nói. "Chúng tôi phá hủy mìn bằng cách sử dụng chất nổ hoặc bắn súng trường Kalashnikov vào chúng ở khoảng cách an toàn".
Công binh như Slyusar bí mật có mặt ở vị trí vào ban đêm, bắt đầu gỡ/phá hủy mìn lúc rạng sáng, thời điểm ít nguy cơ bị pháo binh đối phương bắn trả.
Phương pháp phá hủy mìn chủ yếu là sử dụng đầu dò bằng kim loại để phát hiện vị trí có mìn và sau đó dùng ngòi nổ được kích hoạt sau 90 giây để loại bỏ những quả mìn trong phạm vi ảnh hưởng.
Mìn chống tăng PTKM-1R của Nga.
Nhóm của Slyusar làm việc 4 giờ liên tục sau đó đổi ca, có thể đảm bảo dọn sạch mìn ở dải đất rộng 60cm và dài 100 mét. Nếu bị đối phương phát hiện, Slyusar và các đồng đội sẽ sử dụng bom khói để ngụy trang và rút lui. Mục tiêu đặt ra là đơn vị Ukraine có thể sử dụng con đường an toàn đã được rà phá bom mìn để tiến công.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov từng nói về việc khan hiếm nhân lực rà phá bom mìn. Vào tháng 5, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố quân đội có 6.000 lính công binh trong hàng ngũ chiến đấu, nhưng con số này có thể thấp hơn nhiều. Chỉ khoảng 200 người được đào tạo ở cấp độ quốc tế để họ có thể đóng vai trò hướng dẫn các đồng đội.
Slyusar nói anh và các đồng đội ưu tiên dò mìn bằng theo cách thủ công vì sự cơ động là yếu tố quan trọng hàng đầu. "Các cỗ máy và thiết bị phá mìn mà Mỹ cung cấp chỉ hữu dụng trên phim. Thực tế là máy móc càng đồ sộ càng cản trở di chuyển và dễ dàng trở thành mục tiêu cho pháo binh Nga", Slyusar nói.
Theo Slyusar, nguồn cung cấp mìn của Nga dường như là vô tận. “Mìn có ở khắp mọi nơi", Slyusar nói. “Tôi không biết bao giờ chuyện này mới kết thúc".
Ngoài ra, binh sĩ Ukraine khi tiến công cũng phải xem xét kỹ lưỡng bản đồ khu vực để tránh vướng vào những bãi mìn do đồng đội rải trước đó.
"Chúng tôi có những bản đồ chi tiết về nơi rải mìn. Đây sẽ là những tài liệu quan trọng phục vụ rà phá bom mìn sau chiến tranh", Yuri Sak, cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, nói trên tờ Guardian.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thừa nhận cuộc phản công của nước này đối mặt với rất nhiều khó khăn vì bãi mìn phòng thủ dày đặc của Nga, đồng thời hối thúc phương Tây...