Binh sĩ TQ xách "Thanh Long đao" như của Quan Vũ tới đánh đồn Ấn Độ nơi biên giới?
Không dùng xe tăng hay chiến đấu cơ phản lực, những binh Trung Quốc ở Đường kiểm soát thực tế (LAC) giờ sử dụng đại đao – món vũ khí từ thời phong kiến – để đối phó với quân đội Ấn Độ trong “cuộc chiến” giành giật tiền đồn, Forbes đưa tin.
Hình ảnh binh sĩ Trung Quốc cầm đại đao chuẩn bị xâm nhập tiền đồn Ấn Độ ở LAC hôm 7.9 (ảnh: India Today)
Theo India Today, tối ngày 7.9, hàng chục binh sĩ Trung Quốc đã mang theo đại đao, giáo mác và thậm chí cả súng nhằm xâm nhập, chiếm một tiền đồn then chốt của Ấn Độ.
Nhóm binh sĩ Trung Quốc trong ảnh mặc giáp nhẹ, đội mũ bảo vệ và cầm theo nhiều thanh đại đao. Trước đó, trong vụ đụng độ đổ máu hôm 15.6, các binh sĩ Trung Quốc cũng bị cáo buộc là sử dụng gậy có quấn thép gai, gắn đinh.
Vụ xâm nhập của các binh sĩ Trung Quốc bất thành do bị phát hiện từ sớm. Binh sĩ hai bên sau đó nổ súng về phía đối phương để cảnh cáo, khiến tình hình LAC thêm căng thẳng.
“Đại đao là một loại vũ khí có lưỡi lớn, sắc bén của người Trung Quốc, tạo thành từ một cán dài và một lưỡi đao hình cánh cung, nặng từ 2 – 5 kg”, Dambiev – trang quân sự Nga phân tích.
Theo Thời báo Hoàn cầu, đại đao binh sĩ Trung Quốc sử dụng tương tự như “Thanh Long Yển Nguyệt đao” – món vũ khí lợi hại của Quan Vũ, nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung.
Hãng thông tấn PTI (Ấn Độ) cũng cho rằng, các binh sĩ Trung Quốc đã sử dụng “Quan đao” trong vụ xâm nhập bất thành hôm 7.9 ở hồ Pangong.
Theo Forbes, trong số các “vũ khí lạnh” ở biên giới, binh sĩ Trung Quốc sử dụng đại đao là hợp lý nhất. Đại đao có sức sát thương lớn. Có thể chém, chặt, phi và đâm. Đặc biệt là đại đao thích hợp cận chiến ở khoảng cách tương đối xa, giúp binh sĩ Trung Quốc chiếm lợi thế khi đụng độ.
Binh sĩ Trung Quốc đang được huấn luyện dùng đại đao cho thuần thục (ảnh: Forbes)
Năm 1996, một thỏa thuận về LAC được ký kết giữa Trung Quốc với Ấn Độ. Theo đó, không bên nào được phép khai hỏa hay sử dụng súng, chất nổ để giao tranh trong phạm vi 1.3 km của LAC.
Forbes nhận xét, đại đao do các binh sĩ Trung Quốc sử dụng ở LAC là loại vũ khí “sáng tạo nhưng nguy hiểm chết người”. Trung Quốc trước đó cũng được cho là điều một số võ sĩ MMA tới LAC để huấn luyện cận chiến cho binh sĩ.
Ấn Độ cũng có nhiều loại “vũ khí lạnh” gây sát thương cao, ví dụ như dao quắm Kukri, kiếm Talwar hay Chakram – thứ vũ khí giống chiếc vòng sắt có khả năng lấy đầu người.
Tuy nhiên, LAC không phải là địa hình thuận lợi cho việc cưỡi ngựa. Vì vậy, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ bớt xảy ra các trận hỗn chiến theo kiểu phong kiến bằng vũ khí thô sơ nhưng đầy nguy hiểm.
Nguồn: [Link nguồn]