Điều gì xảy ra với binh sĩ tự ý rời khỏi quân đội Trung Quốc?
Nằng nặc đòi rời khỏi quân đội khi chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc, thanh niên Trung Quốc đã phải nhận cái kết đắng.
Tại Trung Quốc, việc đòi rời quân ngũ khi chưa hoàn thành xong nghĩa vụ sẽ phải đối mặt với nhiều hình phạt rất nặng (ảnh: CNN)
Nhìn vào lực lượng quân sự lên tới 2 triệu người của Trung Quốc, nhiều người sẽ nghĩ rằng, câu chuyện về một binh sĩ không thể chịu đựng sự khắc nghiệt, đòi rời quân ngũ, sẽ không gây quá nhiều chú ý.
Nhưng tiếc rằng đó không phải là trường hợp của Zhang Moukang, một sinh viên đại học nhập ngũ, đến từ tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Trang web tiếng Anh chính thức của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mới đây (16.12) đã đăng tải thông tin chi tiết về hình phạt đối với với Zhang Moukang, sau khi anh này nằng nặc đòi xuất ngũ trước thời hạn.
Zhang Moukang sẽ phải đối mặt với tổng cộng 8 hình phạt, bao gồm: Lệnh cấm ra nước ngoài trong hai năm. cấm đi máy bay, xe lửa, xe buýt đường dài ở Trung Quốc. Cấm mua bất động sản tại Trung Quốc. Cấm vay tiền tại ngân hàng và mua bảo hiểm. Cấm thành lập doanh nghiệp. Cấm ghi danh hay học tập tại bất kỳ trường cao đẳng hoặc trung học nào trên cả nước.
Ngoài ra, Zhang sẽ không được phép làm việc tại bất kỳ công sở, doanh nghiệp nào của nhà nước trong suốt cuộc đời, kể cả chỉ là một nhân viên thời vụ. Ở một quốc gia như Trung Quốc, nơi có ngành công nghiệp chủ yếu được điều hành bởi nhà nước, thì những hình phạt như trên thật sự hết sức nặng nề.
Zhang Moukang cũng sẽ phải chịu khoản tiền phạt lên tới 4.000 USD. Kèm theo đó là khoản bồi hoàn 3.750 USD cho quân đội, bao gồm các loại chi phí: Xác minh chính trị, kiểm tra y tế, chi phí đi lại và sinh hoạt, cũng như giường ngủ, quần áo… Các hình phạt này được quy định cụ thể trong luật pháp Trung Quốc.
Ngoài ra, Zhang Moukang còn đối mặt với sự xấu hổ trước dư luận. Hành động tự ý xuất ngũ và hình phạt đối với anh ta, sẽ được công bố rộng rãi tới toàn xã hội, thông qua internet, truyền hình, báo chí và các phương tiện truyền thông.
Trường hợp yêu cầu xuất ngũ khi chưa đến hạn của Zhang Moukang được coi là rất hiếm, nhưng không phải là duy nhất tại Trung Quốc.
Tờ CNN đã mở cuộc tìm kiếm trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, và phát hiện thêm ít nhất vài chục trường hợp quân nhân tự ý xuất ngũ, bị điểm tên trong mấy năm gần đây. Bắc Kinh có thể đang muốn sử dụng những trường hợp này để "làm gương”.
Ông Adam Ni, giảng viên tại Khoa Nghiên cứu An ninh và Tội phạm học tại Đại học Macquarie ở Úc, cho biết:
"Vụ việc của Zhang Moukang là một ví dụ thể hiện sự căng thẳng mà PLA đang phải đối diện. Quân đội Trung Quốc cần giữ những hình ảnh tốt và mặt khác, cần phải ngăn chặn những hành vi mà họ coi là xấu hoặc bất tuân."
Các binh sĩ của Quân đội Giải phóng Nhân dân diễu hành trong một cuộc diễu hành để kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ảnh: CNN)
Các chuyên gia cho biết, nghĩa vụ quân sự của Trung Quốc là bắt buộc, nhưng những năm gần đây, ngày càng có nhiều thanh niên làm đơn tự nguyện nhập ngũ, trong bối cảnh Trung Quốc đang hiện đại hóa nhanh chóng quân đội.
Lực lượng quân đội Trung Quốc những năm gần đây đã thu hẹp về quy mô. Sự hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đòi hỏi ít về số lượng, nhưng binh sĩ đầu vào sẽ được tuyển chọn một cách khắt khe hơn.
Trung Quốc đặc biệt ưu ái những người thành thạo về khoa học, kỹ thuật, tự nguyện nhập ngũ và có xu hướng hạn chế binh sĩ đến từ các khu vực nghèo, với trình độ học vấn thấp.
Trong báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2019, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ (DIA) đã nêu ra một vấn đề đầy thách thức mà PLA hiện đang phải đối mặt:
"Nghĩa vụ quân sự vẫn là một lựa chọn kém hấp dẫn khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phát triển. Mặc dù giới trẻ Trung Quốc vẫn quan tâm đến lĩnh vực quốc phòng, nhưng điều này không phổ biến."
Báo cáo của DIA cũng lưu ý việc Bắc Kinh đang muốn "đào tạo thế hệ quân sự kiểu mới”, nhằm giữ chân những nhân tài và phát triển nhân sự quốc phòng, để có thể đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Theo tờ Tân Hoa Xã, quân đội Trung Quốc hiện đang ưu tiên tuyển chọn những sinh viên đại học mới tốt nghiệp nhập ngũ. Tuy nhiên, theo ông Adam Ni, những khó khăn của cuộc sống quân sự ở Trung Quốc cũng tác động không nhỏ đến những người trẻ có học thức.
"Tôi nghĩ rằng đó (quân đội Trung Quốc) là một môi trường khá khắc nghiệt. Những người tham gia sẽ phải cách xa gia đình và bạn bè. Đây cũng là một công việc yêu cầu cao về thể chất, chưa tính đến sự nguy hiểm."
“Đối với hầu hết người trẻ Trung Quốc, PLA sẽ không phải là một địa chỉ lý tưởng để làm việc", ông Adam Ni nói.
Theo báo cáo của PLA, Quân đội Trung Quốc không phải là cuộc sống mà Zhang Moukang mong muốn, dù chỉ mới phục vụ trong thời gian ngắn (bắt đầu từ tháng 9 năm nay).
"Zhang Moukang đã không thể thích nghi với cuộc sống quân đội vì sự yếu đuối và sợ những vất vả. Bất chấp sự kiên nhẫn động viên từ quân đội, anh ta vẫn nằng nặc đòi xuất ngũ", báo cáo cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước thăng quân hàm cho 170 sĩ quan quân đội và là đợt thăng hàm lớn nhất từ...