Châu Á đối mặt những "cơn gió ngược" mới
Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo Việt Nam tăng trưởng 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023
Một cửa hàng thịt ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản hôm 28-10. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tại Tokyo trong tháng 10-2022 đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021 - mức tăng mạnh nhất trong hơn 40 năm qua Ảnh: REUTERS
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 28-10 hạ dự báo tăng trưởng của châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 còn 4%, so với 4,9% đưa ra vào tháng 4. Ngoài ra, con số này trong năm 2023 là 4,3%, tức là thấp hơn so với dự báo trước đó là 5,1%. Theo Reuters, kinh tế khu vực này tăng trưởng 6,5% vào năm 2021.
Theo IMF, triển vọng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố, như xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới, lạm phát leo thang do cuộc xung đột Nga - Ukraine, "sức khỏe" kinh tế Trung Quốc…
"Khi tác động của đại dịch giảm bớt, khu vực này đối mặt những cơn gió ngược mới từ việc thắt chặt tài chính toàn cầu và nhu cầu bên ngoài dự kiến chậm lại" - báo cáo mới của IMF nhận định.
Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF, cho rằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của khu vực này vào đầu năm nay đang dần mất đà với quý II tăng trưởng thấp hơn dự kiến. Dù vậy, ông Srinivasan tin rằng châu Á - Thái Bình Dương vẫn là "một điểm tương đối sáng trong một nền kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm".
Đối với kinh tế ASEAN, giới chuyên gia IMF đánh giá các nước ASEAN vẫn hồi phục mạnh trong năm 2022 nhờ dịch vụ, tiêu dùng và xuất khẩu tăng mạnh trở lại.
Tuy nhiên, các động lực tăng trưởng sẽ giảm bớt trong năm 2023 do nhu cầu bên ngoài yếu hơn, gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Đáng chú ý, theo TTXVN, chuyên gia kinh tế Davide Furceri của IMF nhận định Việt Nam vẫn là điểm sáng tại khu vực trong tiến trình phục hồi, có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2022 nhờ chính sách tiền tệ đúng đắn, sự hỗ trợ tài khóa kịp thời, nhu cầu bên ngoài vẫn mạnh trong nửa đầu năm nay.
Bước sang năm 2023, dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm còn 6,2% theo xu thế chung nhưng đây vẫn là một trong những mức cao nhất ở khu vực.
Cũng theo báo cáo của IMF, tình trạng không chắc chắn trong chính sách thương mại và các hạn chế thương mại gia tăng có thể gây hại đến hoạt động kinh tế bởi khi đó doanh nghiệp tạm ngưng tuyển dụng, đầu tư và công ty mới trì hoãn tham gia thị trường.
Các dấu hiệu của sự phân mảnh toàn cầu xuất hiện trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc năm 2018. Những dấu hiệu đáng lo hơn sau đó xuất hiện, như xung đột Nga - Ukraine và động thái trừng phạt nhằm vào Moscow do cuộc khủng hoảng này.
Ông Srinivasan cảnh báo châu Á - Thái Bình Dương có nguy cơ chịu nhiều tổn thất nhất trong một thế giới phân mảnh do vai trò quan trọng của khu vực này trong chuỗi cung ứng toàn cầu. IMF lưu ý thêm rằng sự phân mảnh thương mại còn tác động mạnh mẽ hơn lên các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và các công ty đang mắc nhiều nợ.
Trong bối cảnh nói trên, IMF đưa ra một số đề xuất đối với các nhà hoạch định chính sách, như thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để bảo đảm lạm phát trở lại mục tiêu đề ra, dỡ bỏ các hạn chế thương mại gây tổn hại, cung cấp thông tin rõ ràng hơn về các mục tiêu chính sách…
IMF nhấn mạnh việc đối thoại giữa các nước đóng vai trò quan trọng để tránh những kịch bản phân mảnh tồi tệ nhất, từ đó bảo đảm thương mại tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế.
Các nhà kinh tế đặt cược rằng hầu hết các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ tránh được tình trạng “lạm phát đình trệ” - hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi...
Nguồn: [Link nguồn]