Biết gì về quyền Thủ tướng và các nhân vật chủ chốt trong "chính phủ mới" của Taliban?
Taliban hôm 7/9 tuyên bố các nhân vật chủ chốt trong "chính phủ mới" do tổ chức này thành lập ở Afghanistan. Một số nhân vật cấp cao trong số này có mối quan hệ mật thiết với cố thủ lĩnh kiêm nhà sáng lập Taliban - Mullah Omar.
Các nhân vật chủ chốt trong "chính phủ mới" mà Taliban công bố hôm 7/9 ở Afghanistan. Ảnh: TOI
Theo Al Jazeera, 2 vị trí đáng chú ý nhất là quyền Thủ tướng Afghanistan và quyền Phó Thủ tướng Afghanistan lần lượt do Mullah Mohammad Hasan Akhund - người nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc - và Abdul Ghani Baradar - người đồng sáng lập Taliban - nắm giữ.
Nhóm lãnh đạo của Taliban từ lâu được giữ kín, ngay cả trong lần cai trị Afghanistan trong giai đoạn (1996-2001).
Một số chức vụ trong "chính phủ mới" vẫn chưa được công bố. Dưới đây là thông tin về một số quan chức chủ chốt của "chính phủ mới" đã được Taliban công bố hôm 7/9.
Mohammad Hasan Akhund - quyền Thủ tướng
Mullah Mohammed Hasan Akhund
Mullah Mohammed Hasan Akhund là một cựu binh của Taliban và từng là cộng sự thân cận kiêm cố vấn chính trị cho Mullah Omar - người sáng lập ra Taliban.
Là thành viên của Hội đồng tối cao Taliban, Akhund từng bị đưa vào danh sách trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc vì có liên quan tới các "hành vi và hoạt động" của Taliban.
Akhund cũng từng là thống đốc tỉnh Kandahar trong bộ máy của Taliban. Trong giai đoạn đầu Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan những năm 1990, nhân vật này đã giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Thủ tướng Afghanistan.
Liên Hợp Quốc cho biết, Akhund nổi tiếng là "một trong những thủ lĩnh hiệu quả nhất của Taliban".
Abdul Ghani Baradar - quyền Phó Thủ tướng
Abdul Ghani Baradar
Abdul Ghani Baradar, người được Taliban bổ nhiệm vào vị trí quyền Phó Thủ tướng Afghanistan, lớn lên ở tỉnh Kandahar, Afghanistan.
Nhân vật này được cho là đã sát cánh cùng người sáng lập Taliban - Mullah Omar - ngay từ những ngày đầu.
Cả hai cùng nhau lập ra Taliban vào đầu những năm 1990 - thời điểm Afghanistan rơi vào hỗn loạn và nội chiến sau khi Liên Xô rút quân khỏi quốc gia này.
Sau khi Taliban bị Mỹ "hất cẳng" năm 2001, Baradar được cho là một trong số ít các thành viên Taliban tiếp cận người đứng đầu chính phủ lâm thời Afghanistan khi đó là Hamid Karzai, với một thỏa thuận tiềm năng rằng Taliban sẽ công nhận chính quyền mới do Mỹ hậu thuẫn khi đó.
Baradar bị tình báo Mỹ và chính quyền Pakistan bắt và giam giữ ở nước này từ năm 2010 đến năm 2018. Khi được trả tự do, nhân vật này chuyển tới Qatar. Ở đây, Baradar được bổ nhiệm làm người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban, giám sát việc ký kết thỏa thuận rút quân với Mỹ dưới thời ông Donald Trump.
Sirajuddin Haqqani - quyền Bộ trưởng Nội vụ
Sirajuddin Haqqani. Ảnh: FBI.gov
Sirajuddin Haqqani, người 2 lần trở thành phó thủ lĩnh của Taliban và là người đứng đầu mạng lưới hùng mạnh Haqqani, được Taliban bổ nhiệm vào vị trí quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan.
Mạng lưới Haqqani từ lâu bị Mỹ coi là "một nhóm khủng bố" và một trong số những nhóm vũ trang nguy hiểm nhất ở Afghanistan. Nhóm này nổi tiếng với các phần tử đánh bom liều chết và được cho là chủ mưu của một số vụ tấn công khủng bố khét tiếng nhất ở Kabul trong những năm qua.
Mạng lưới Haqqani cũng bị cáo buộc ám sát các quan chức hàng đầu của chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn và bắt cóc các công dân Mỹ để đòi tiền chuộc, bao gồm cả vụ bắt cóc binh sĩ Mỹ Bowe Bergdahl - người được trả tự do năm 2014.
Được biết đến với tính độc lập, sự nhạy bén trong chiến đấu và khôn ngoan trong kinh doanh, mạng lưới Haqqani có trụ sở chính ở miền đông Afghanistan và nắm giữ quyền lực đáng kể trong hội đồng lãnh đạo của Taliban.
Mullah Yaqoob, quyền Bộ trưởng Quốc phòng
Mullah Yaqoob, con trai của người sáng lập Taliban Mullah Omar, là người đứng đầu ủy ban quân sự của Taliban - chuyên giám sát mạng lưới rộng lớn các chỉ huy thực địa.
Hôm 7/9, Yaqoob được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan.
Mawlawi Amir Khan Mutaqi, quyền Bộ trưởng Ngoại giao
Mawlawi Amir Khan Mutaqi. Ảnh: Memri
Mutaqi từng là Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin kiêm Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ Taliban trước đây (1996-2001). Nhân vật này sau đó được cử tới Qatar làm thành viên ủy ban hòa bình và nhóm đàm phán - chuyên tổ chức các cuộc đàm phán với Mỹ dưới thời ông Trump.
Theo các nguồn tin Taliban, Mutaqi không phải chỉ huy quân sự hay thủ lĩnh tôn giáo. Nhân vật này là chủ tịch của một ủy ban chuyên lôi kéo, dụ dỗ các quan chức chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn đào tẩu.
Trong các tuyên bố và bài phát biểu khi giành quyền kiểm soát Afghanistan, Mutaqi thể hiện thái độ ôn hòa, kêu gọi các lực lượng đối đầu đang ẩn náu ở thủ phủ các tỉnh đàm phán với Taliban để tránh giao tranh trong khu vực đô thị.
Trong những tuần sau khi Kabul thất thủ, Mutaqi cũng làm công việc kêu gọi tương tự với phe kháng chiến ở tỉnh Panjshir, kêu gọi giải quyết mọi việc trong hòa bình.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ lĩnh tối cao Taliban Haibatullah Akhundzada tuyên bố sẽ xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá.