“Biệt đội cảm tử" coi thường đạn của IS ở Philippines
Không được trang bị vũ khí hay đồ bảo hộ, họ vẫn lao vào vùng xung đột ở Marawi với nhiệm vụ cao cả, bất chấp làn đạn của IS và những cuộc không kích của quân đội.
“Biệt đội cảm tử" thu thập xác người tại thành phố Marawi
Saripada Pacasum Jr. che miệng và quay mặt đi khi lần đầu nhìn thấy một thi thể phân huỷ tại thành phố Marawi, nơi hàng trăm người thiệt mạng từ khi các chiến binh cực đoan IS âm mưu chiếm thị trấn miền nam Philippines hơn 1 tháng trước.
Thế nhưng, Pacasum - tình nguyện viên cứu hộ - không có nhiều thời gian để lãng phí vì tiếng súng của lính chính phủ và quân IS nổ xung quanh anh.
Anh đeo găng tay cao su và giúp đưa thi thể của người chết ra khỏi vùng xung đột bằng xe tải.
"Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ nghỉ việc", Pacasum, người làm việc trong một văn phòng cứu trợ thiên tai nói với Reuters. "Tôi đã sợ hãi và không sẵn sàng cho công việc này."
Họ liều mạng để thu thập xác nạn nhân và cứu những người đang mắc kẹt
Nhưng Pacasum, 39 tuổi, vẫn tiếp tục dẫn dắt một đội gồm khoảng 30 người trẻ, những người làm việc hằng ngày để giải cứu dân thường và tìm kiếm nạn nhân ở Marawi. Nơi làm việc của họ bị “ô nhiễm” bởi những tay súng bắn tỉa IS và những cuộc không kích của quân đội Philippines.
Họ được biết đến như là lực lượng "mũ trắng" hoặc "biệt đội cảm tử" vì những rủi ro họ phải đối mặt khi không được trang bị vũ khí. Họ chỉ được bảo vệ bởi mũ bảo hộ bằng nhựa trắng.
Hơn 460 người đã thiệt mạng từ khi trận chiến tại Marawi bắt đầu vào ngày 23.5, trong đó có 82 thành viên của lực lượng an ninh và 44 thường dân.
Họ được biết đến như là lực lượng "mũ trắng" hoặc "biệt đội cảm tử" vì những rủi ro họ phải đối mặt khi không được trang bị vũ khí
Quân đội cho biết hàng trăm thường dân vẫn còn mắc kẹt trong cuộc xung đột - mối đe dọa an ninh trong nước lớn nhất mà Philippines phải đối mặt trong hàng thập kỷ. Cuộc xung đột cũng gây sốc cho các nước láng giềng, lo ngại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể thiết lập căn cứ ở Đông Nam Á.
Ngư dân, nông dân, sinh viên và chủ doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu quê ở Marawi, là những người tình nguyện tham gia cứu hộ.
Abdul Azis Lomondot Jr., sinh viên đại học 25 tuổi cho biết: "Tất cả chúng tôi đều lớn lên ở Marawi và chúng tôi rất buồn khi biết Marawi đang bị vây hãm.”
Xe tải dùng để chuyển xác chết ra khỏi thành phố
Thường thường, khi nhóm cứu hộ nhận được cuộc gọi kêu cứu từ người dân bị mắc kẹt hoặc người thân đã sơ tán, nhóm sẽ cố gắng xác định vị trí của người mắc kẹt. Đội trưởng Pacasum sau đó tập hợp tình nguyện viên.
Sinh viên Lomondot nói: "Chúng tôi lấy mũ bảo hiểm, thẻ nhận dạng, thang, một số dụng cụ nhỏ và sẵn sàng lên đường”.
Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, nhóm cứu hộ lái xe vào khu vực xung đột khi chưa thể tìm thấy ngôi nhà có 4 người cao tuổi bị mắc kẹt.
"Trong khoảnh khắc đó, tôi hoảng loạn vì nghĩ đó có thể là cuộc phục kích", Pacasum nói. "Chúng tôi chỉ chờ đợi tiếng súng."
Sau khi lái xe trong vòng 20 phút, nhóm cuối cùng cũng định vị được căn nhà, nhưng đã bị bắn nhiều phát khi họ lái xe thoát ra ngoài cùng với những người vừa được giải cứu.
Tình nguyện viên tìm kiếm người mắc kẹt ở Marawi
Khi quân đội bắt đầu hỗ trợ một số nhiệm vụ của nhóm, Pacasum nói rằng mặc dù điều này có lợi thế, nhưng cũng có nghĩa nhiều khả năng họ bị các chiến binh IS tấn công hơn.
Nhóm cứu hộ cũng nhận được tư vấn và thiết bị từ Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), và đào tạo về cách thu tập xác người đúng cách.
Pacasum, người từng lãnh đạo hơn 10 nhiệm vụ giải cứu, muốn chứng kiến trận chiến cho đến hồi kết. Tuy nhiên ông cũng đang xem xét việc thay đổi nghề nghiệp khi Marawi “hòa bình”.
"Công việc đó quá căng thẳng”, ông nói. "Một số tình nguyện viên... họ chỉ là người trẻ tuổi, họ rất nhiệt tình. Tôi thì thận trọng hơn, tôi có con cái và tôi muốn nhìn chúng lớn lên".
Quân đội Philippines ngày 28.6 đã tìm thấy 17 thi thể dân thường bị phiến quân thân IS sát hại ở thành phố Marawi.