Biến thể Omicron báo hiệu sự kết thúc sớm của đại dịch Covid-19?
Ngày càng nhiều các nhà khoa học đặt ra khả năng biến thể Omicron có thể đánh dấu sự kết thúc của đại dịch Covid-19, nhưng cũng có những luồng ý kiến thận trọng.
Người Nhật Bản tới thăm chùa chùa Sensoji ở Tokyo ngày 24.12.2021.
Theo Japan Times, các nghiên cứu ở Anh và Nam Phi cho thấy các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có tỉ lệ nhập viện thấp hơn so với các biến thể khác từ 50 – 80%.
Số ca nhiễm mới ở Nam Phi đạt đỉnh vào giữa tháng 11 và đến nay ngày càng giảm mạnh, dẫn đến phỏng đoán rằng đợt lây lan biến thể Omicron sẽ sớm kết thúc.
Kể từ khi đại dịch bùng phát vào cuối năm 2019, có những đồn đoán về việc dịch bệnh sẽ kết thúc như thế nào. Virus SARS-CoV-2 chỉ là một trong 7 loại virus Corona. Một loại khác từng gây đại dịch SARS năm 2004. Những loại virus Corona còn lại có thể gây cảm lạnh thông thường.
“Nhìn chung, virus càng tăng khả năng lây nhiễm, độc lực của chúng càng yếu đi theo thời gian”, chuyên gia Tetsuo Nakayama, giám đốc Hiệp hội Virus Lâm sàng Nhật Bản, nói. “Virus SARS-CoV-2 trong tương lai sẽ chỉ giống như virus gây cảm lạnh thông thường”.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, biến thể Omicron có thể khiến đại dịch đột ngột chấm dứt ngay trong giai đoạn đầu năm 2022 hoặc 2023, giống như đại dịch SARS.
“Tôi nghĩ rất có khả năng đó”, giáo sư Masahiko Okada đến từ Đại học Niigata, nói. “Đại dịch cúm Tây Ban Nha cũng dần biến mất vào năm thứ 3. Tôi nghĩ số ca nhiễm Covid-19 sẽ giảm đáng kể vào năm 2023”.
Một y tá Nhật Bản tiêm mũi vaccine tăng cường vào ngày 1.12.2021.
Tuy nhiên, vẫn có luồng ý kiến thận trọng, cho rằng dịch bệnh vẫn sẽ còn tồn tại lâu dài, dù không còn nghiêm trọng.
“Có nhiều người chưa tiêm chủng hoặc chưa từng nhiễm Covid-19 ở châu Phi và Đông Nam Á. Đó có thể là nguồn lây nhiễm lâu dài”, chuyên gia Nakayama nhận định. “Mọi chuyện sẽ trở nên sáng sủa hơn nếu những người đó được tiêm chủng đầy đủ, hình thành bức tường miễn dịch mạnh mẽ chống lại Covid-19”.
Masahiro Kami, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Quản trị Y tế, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Tokyo, nhận định: “Năm 2022 có thể đánh dấu việc đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nếu xu hướng ca nhiễm giảm ở châu Á cũng xảy ra ở các nơi khác trên thế giới. Ở chiều ngược lại, biến thể Omicron nếu lây lan đến một mức độ nhất định, có thể tạo nền móng để hình thành thêm các biến thể mới”.
Năm 2022 cũng đánh dấu sự xuất hiện của các phương pháp điều trị Covid-19 mới, bao gồm thuốc viên dạng uống. Theo các chuyên gia, đó là lúc dịch bệnh được kiểm soát tương tự như cúm mùa.
Các vị khách ngồi ngoài trời tại một quán rượu ở thủ đô London (Anh) ngày 28.12.
“Với các bước tiến của công nghệ trong năm mới và nếu có thể kiềm chế tốc độ lây lan của virus, cũng như các chiến dịch tiêm chủng ngày càng được mở rộng, tôi nghĩ chúng ta sẽ chấm dứt hoàn toàn đại dịch”, Nakayama nói.
Loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 luôn là mục tiêu cuối cùng. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, virus có thể tồn tại cùng con người trong thời gian dài, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Rất ít bệnh dịch có thể biến mất hoàn toàn. Chúng ta chỉ thành công một lần với bệnh đậu mùa”, Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, nói.
“Học cách chung sống, đương đầu và đối phó với dịch bệnh một cách dễ dàng hàng ngày là điều chúng ta nên kì vọng và hướng tới”, ông Ryan nói.
Một quan chức y tế hàng đầu cho biết Nam Phi đã vượt qua đỉnh điểm đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron.
Nguồn: [Link nguồn]