Biến thể mới thử thách vắc-xin Covid-19
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ra lệnh bắt buộc hành khách đeo khẩu trang trên hầu hết phương tiện giao thông công cộng tại nước này để phòng chồng Covid-19.
Các loại vắc-xin Covid-19 hiện nay sẽ phải được điều chỉnh để cải thiện hiệu quả bảo vệ trước các biến thể mới dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2, trong đó có loại đang lây lan nhanh ở Nam Phi. Đó là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra trong bối cảnh một số nghiên cứu mới cho thấy vắc-xin Covid-19 có thể kém hiệu quả hơn đối với các biến thể mới.
Theo kết quả được hãng Johnson & Johnson (Mỹ) công bố hôm 29-1, loại vắc-xin Covid-19 một liều của họ có hiệu quả 66% trong ngăn ngừa bệnh từ trung bình đến nặng trong cuộc thử nghiệm trên toàn cầu. Đáng chú ý, hiệu quả của vắc-xin này khác nhau tùy theo quốc gia và khu vực. Chẳng hạn, tỉ lệ này ở Mỹ là 72% nhưng giảm còn 57% ở Nam Phi, nơi biến thể mới đang hoành hành.
Trước đó một ngày, Công ty Novavax (Mỹ) cho biết vắc-xin Covid-19 của họ cho hiệu quả 89,3% trong cuộc thử nghiệm đối với 15.000 người ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên, đối với cuộc thử nghiệm có sự tham gia của 4.400 người ở Nam Phi, vắc-xin này chỉ cho hiệu quả 60% với những người không có HIV. Đối với người có HIV, tỉ lệ này thậm chí còn thấp hơn. Hầu hết trường hợp mắc Covid-19 trong cuộc thử nghiệm này là do biến thể mới gây ra. Biến thể ở Nam Phi, gọi là B.1.351, đã được tìm thấy tại gần 30 nước, trong đó có Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo biến thể này sẽ còn lây lan nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Tất cả hành khách phải đeo khẩu trang khi sử dụng hầu hết phương tiện giao thông công cộng tại Mỹ từ ngày 1-2 Ảnh: REUTERS
Không gì lạ khi ông Shabir Madhi, chuyên gia về vắc-xin tại Nam Phi, nhận định kết quả của cuộc thử nghiệm vắc-xin Novavax là đáng khích lệ vì nhiều người lo ngại vắc-xin Covid-19 hiện nay có thể không hiệu quả với biến thể mới. Bà Glenda Gray, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, cũng gọi đây là thông tin tốt nhưng nhấn mạnh các vắc-xin Covid-19 vẫn sẽ cần được điều chỉnh để ngăn chặn hiệu quả hơn nữa những biến thể mới.
Theo trang Bloomberg, hiệu quả của 2 vắc-xin mới nêu trên không cao như một số loại đã được cấp phép sử dụng trước đó, như 2 vắc-xin của Công ty Moderna (Mỹ) và hãng Pfizer (Mỹ) cùng đối tác BioNTech (Đức). Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng chúng vẫn sẽ tỏ ra hữu dụng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung. Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nhận định với đài CNN rằng vắc-xin của Johnson & Johnson và những loại khác sẽ giúp giảm bớt sức ép đang đè nặng lên hệ thống y tế Mỹ.
Cũng theo dự báo của ông Fauci, biến thể xuất hiện lần đầu ở Anh vào tháng 9-2020 sẽ lây lan mạnh mẽ hơn tại Mỹ vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4-2021. Biến thể này đã hiện diện tại ít nhất 28 bang và gây bệnh cho hơn 315 người. Tuy nhiên, ông Fauci nói thêm hiện chưa rõ điều này có xảy ra với biến thể Nam Phi hay không.
Trong nỗ lực ngăn viễn cảnh đáng lo trên xảy ra, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 29-1 ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trên hầu hết phương tiện giao thông công cộng tại nước này. Cụ thể, từ ngày 1-2 (giờ địa phương), tất cả hành khách phải đeo khẩu trang khi đi máy bay, tàu thủy, tàu hỏa, tàu điện ngầm, xe buýt, taxi, cũng như khi có mặt tại các trung tâm vận chuyển như sân bay, trạm xe buýt, bến phà, ga tàu hỏa, ga tàu điện ngầm và cảng biển. Reuters dẫn thông báo của CDC cho biết người vi phạm có nguy cơ bị phạt dân sự hoặc hình sự.
Mỹ chậm chân trong cuộc đua giải trình tự gien Các chuyên gia cho biết công việc giải trình tự gien để phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 không được tiến hành nhiều ở Mỹ, dẫn đến nỗi lo có những biến thể đang lây lan nhanh chóng mà không ai biết. Bà Mara G.Aspinall, chuyên gia tại Trường ĐH bang Arizona (Mỹ), nhận định với báo The Washington Post ngày 30-1: "Chúng ta đang chạy đua với thời gian vì những biến thể này. Trong cuộc đua đó, chúng ta bị tụt lại phía sau". Hiện tại, chỉ một phần nhỏ trong số tất cả mẫu xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Mỹ được giải trình tự gien. Tiến trình này đóng vai trò rất quan trọng vì virus SARS-CoV-2 cũng đột biến trong quá trình lây lan. Nếu các nhà khoa học không nắm rõ những biến thể nào đang tồn tại, các biến thể quan trọng có thể xuất hiện mà không bị phát hiện. Theo giới chuyên gia y tế và quan chức Mỹ, các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo và cố gắng tăng cường giải trình tự gien các mẫu xét nghiệm nhưng gặp trở ngại do thiếu kinh phí, ý chí chính trị và sự phối hợp liên bang. Họ cần thêm thiết bị, nhân sự và kinh phí trong khi Washington vẫn chưa thiết lập hạ tầng và thủ tục cần thiết để tiếp nhận, xử lý, chia sẻ dữ liệu về giải trình tự gien ở quy mô quốc gia. Phân tích của báo The Washington Post cho thấy Mỹ đã giải trình tự gien 84.177 mẫu trong số 25,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 29-1. Con số này ở Anh là 214.000 trong 3,7 triệu ca. Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết Washington đang tăng cường giải trình tự gien để phát hiện các biến thể mới trên toàn quốc. |
Nguồn: [Link nguồn]
Việt Nam nằm trong tốp 3 quốc gia và vùng lãnh thổ xử lý dịch Covid-19 hiệu quả nhất thế giới, theo Viện nghiên cứu Lowy...