Biến thể Delta đe dọa kéo dịch quay lại phương Tây
Dù thuộc nhóm các nước tiêm ngừa vaccine hiệu quả, hàng loạt nước phương Tây đang lo ngại dịch tái bùng phát vì biến thể Delta đang lây lan mạnh.
Họp báo ngày 21-6, Giám đốc điều hành các chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Mike Ryan cảnh báo rằng có nguy cơ biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh và có độc tố cao sẽ lan toàn cầu, theo hãng tin Reuters.
“Delta đang là biến thể lan nhanh nhất, khỏe nhất. Nó sẽ tìm đến những người dễ tổn thương nhất, những người dễ bị ốm nặng khiến họ phải nhập viện và đối mặt với nguy cơ tử vong. Chúng ta phải bảo vệ được những nhóm dân số này vì nếu không làm được, đó sẽ là một thất bại đạo đức mang tính thảm họa ở cấp độ toàn cầu” - ông Ryan báo động.
Biến thể Delta đe dọa thành quả chống dịch của phương Tây
Xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 4, biến thể Delta nhanh chóng lan rộng và nhấn chìm phần lớn châu Á vào đợt dịch mới, đặc biệt ở Nam Á và Đông Nam Á. Hiện biến thể Delta đã lan sang các nước phương Tây - những nước có tỉ lệ tiêm vaccine thuộc nhóm cao nhất thế giới và đang chuẩn bị mở cửa lại nền kinh tế.
Người dân Anh xếp hàng chờ được tiêm vaccine tại một trung tâm tiêm chủng ở London ngày 15-6. Ảnh: Reuter
92 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xuất hiện biến thể Delta, Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO - bà Maria Van Kerkhove thông tin trong cuộc họp báo ngày 21-6.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đầu tháng 6, Mỹ hiện ghi nhận trung bình 15.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, biến thể Delta chiếm ít nhất 10% trong số này và đang trên đà trở thành biến chủng phổ biến nhất ở nước này.
Tại Anh, biến thể Delta cũng đã trở thành biến thể chính, thay thế biến thể Alpha có nguồn gốc từ nước này được phát hiện hồi tháng 12 năm ngoái. Xâm nhập vào Anh hồi tháng 3, biến thể Delta chỉ trong chưa đầy ba tháng đã chiếm đến 99% số ca nhiễm tại đây, đài NPR dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế Công cộng Anh (PHE). Theo chuyên gia Jenny Harries thuộc Cơ quan An ninh sức khỏe Anh, số ca nhiễm đang tăng trên khắp cả nước và biến thể chính là Delta. Người bệnh chủ yếu nằm trong các nhóm tuổi trẻ hơn (những đợt trước) và đa số họ chưa được tiêm ngừa.
Việc biến thể Delta lây rộng cũng đã đặt dấu chấm hết cho kế hoạch mở cửa lại vào ngày 21-6 (giờ địa phương) của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson. Ông vừa phải thông báo kéo dài lệnh phong tỏa thêm bốn tuần, đến ngày 19-7 với lời nhận định “chờ thêm ít lâu nữa sẽ hợp lý và an toàn hơn”.
Ở Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết biến thể Delta đang chiếm 2%-4% các mẫu virus được phân tích tại đây. Ông nhấn mạnh dù con số này vẫn thấp nhưng tình hình ở Anh vài tuần trước cũng tương tự như vậy.
Tại Đức, Giám đốc Viện Dịch tễ Đức Robert Koch (RKI) Lothar Wieler cảnh báo biến thể Delta chiếm 6% tổng số ca nhiễm hiện tại và đang có xu hướng tăng dần. Ông dự báo rằng biến thể này có thể còn lây lan mạnh hơn nữa vào mùa thu và Delta trở thành biến thể thống trị chỉ là vấn đề thời gian.
Một số nước châu Âu khác cũng đang bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm tăng dần vì biến thể Delta lây lan mạnh. Thống kê của tờ Financial Times chỉ biến thể này đang chiếm tới 96% các ca nhiễm mới trong tháng 6 tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Ý và khoảng 16% tại Bỉ.
Phủ sóng tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất
Theo tạp chí khoa học New Atlas, giới khoa học chưa hiểu tường tận về biến thể Delta cũng như tại sao nó dễ lây hơn so với các biến thể khác và với chủng gốc. Đầu năm 2021, khi biến thể Alpha bắt đầu lan khắp thế giới, các nhà nghiên cứu ước tính nó dễ lây hơn chủng gốc của SARS-CoV-2 từ 40% đến 70%, còn bây giờ biến thể Delta vượt trội hơn chính biến thể Alpha tới ít nhất là 40%.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Công cộng Anh, “các kết quả nghiên cứu bước đầu từ Anh và Scotland cho thấy có dấu hiệu người nhiễm biến thể Delta có nguy cơ nhập viện cao hơn so với nhiễm biến thể Alpha”.
Có thể thấy, trước mắt đẩy mạnh tiêm chủng, phủ sóng miễn dịch cộng đồng vẫn là biện pháp giúp kiểm soát biến thể Delta hiệu quả nhất. Khi đó biến thể Delta sẽ ít có cơ hội lây lan và virus SARS-CoV-2 cũng ít có cơ hội tiến hóa ra các biến thể nguy hiểm khác nữa. Nói như chuyên gia dịch tễ học Tony Blakely thuộc ĐH Melbourne (Úc), “biến thể Delta đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi, tiêm chủng càng trở nên quan trọng hơn, không chỉ để bảo vệ người dân khỏi tử vong và bệnh nặng, mà còn để nâng cao miễn dịch cộng đồng và giảm thiểu lây nhiễm”.
Các nghiên cứu sơ bộ cũng ghi nhận một số loại vaccine COVID-19 đang lưu hành giảm hiệu quả trước chủng Delta nhưng vẫn còn khả năng bảo vệ, có điều cần thiết phải tiêm đủ hai liều. Nghiên cứu trên 14.000 người của PHE ghi nhận về hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta thì vaccine Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) tốt hơn vaccine AstraZeneca (Anh), với tỉ lệ lần lượt là 88% và 60%. Trong trường hợp chỉ tiêm một liều thì hiệu quả bảo vệ giảm đáng kể, hai loại vaccine trung bình chỉ đạt được 33%, theo tờ India Today. Vaccine Pfizer/BioNTech ngăn được 96% nguy cơ nhập viện nếu nhiễm biến thể Delta, còn vaccine của AstraZeneca ngăn được 92% nguy cơ nhập viện.
Tuy nhiên, dù có hạn chế được thì vẫn hiện hữu nguy cơ virus tiếp tục đột biến ra những biến thể khác nguy hiểm hơn. Các quốc gia sẽ phải chấp nhận sự thật rằng virus SARS‑CoV‑2 sẽ đột biến như các virus khác và chúng ta lúc nào cũng phải trong tâm thế sẵn sàng cập nhật các biến thể mới một khi chúng xuất hiện vào công tác nghiên cứu phát triển vaccine. Theo chuyên gia Blakely, “đây có thể cách mà thế giới phải sống chung với COVID-19 trong tương lai”.
Mỹ công bố danh sách các khu vực sẽ được nhận vaccine viện trợ Ngày 21-6 (giờ địa phương), Nhà Trắng thông báo sẽ bắt đầu phân bổ 55 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 còn lại trong tổng số 80 triệu liều mà Mỹ đã cam kết nhằm giúp đỡ các nước trên thế giới, theo hãng tin Reuters. Cụ thể, khoảng 41 triệu trong số 55 triệu liều nói trên (tương đương 75%) sẽ được phân bổ cho các nước ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, châu Á và châu Phi thông qua sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX của WHO. 14 triệu liều còn lại (tương đương 25%) sẽ được chia sẻ cho “các khu vực ưu tiên”, bao gồm Colombia, Argentina, Iraq, Ukraine, Bờ Tây và Dải Gaza. Ở châu Á, các nước và vùng lãnh thổ được nhận bao gồm Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Bhutan, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan, Campuchia và quần đảo Thái Bình Dương. Thông báo của Nhà Trắng cũng nêu rõ Mỹ sẽ tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19 ở trong nước và cam kết hỗ trợ chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới. Mỹ kỳ vọng những liều vaccine viện trợ này sẽ được sử dụng cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. |
Bộ Y tế của quốc gia này hôm 21/6 cho biết, 70% số ca nhiễm mới có liên quan tới biến chủng Delta (phát hiện đầu tiên...
Nguồn: [Link nguồn]