Biến thể A.30 'tăng khả năng kháng vắc xin' có đáng lo ngại?
TPO - Nhóm các chuyên gia ở Đức vừa cảnh báo về sự xuất hiện của biến thể A.30, được cho là có khả năng chống lại kháng thể tạo nên nhờ vắc xin.
Một người đàn ông đeo khẩu trang đi qua tấm áp phích in hình virus corona ở Oldham, Anh. Ảnh: Reuters
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cellular & Molecular Immunology tuần này cho thấy biến thể A.30 có những đột biến giúp tăng cường khả năng xâm nhập vào các tế bào chủ, bao gồm tế bào thận, gan và phổi.
Khi được thử nghiệm với các loại vắc xin phổ biến, A.30 cho thấy khả năng chống lại kháng thể cao hơn so với hai biến thể khác là Beta và Eta. Beta được chọn để so sánh vì là biến thể "có khả năng thoát miễn dịch cao". Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh đây mới chỉ là kết quả từ phòng thí nghiệm.
Brian Hjelle - giáo sư Khoa Bệnh lý thuộc Đại học New Mexico (Mỹ) cho biết biến thể này cần được theo dõi sát sao vì “có một loạt đột biến đáng chú ý và đang tiệm cận khả năng thoát khỏi miễn dịch thực sự”.
A.30 cũng được chứng minh là có khả năng kháng thuốc đơn dòng Bamlanivimab, được sử dụng để điều trị COVID-19. Nhưng lại dễ bị vô hiệu hoá nếu kết hợp hai loại thuốc là Bamlanivimab và Etesevimab.
Trên thực tế, biến thể A.30 đã không xuất hiện trong nhiều tháng, vì các ca nhiễm biến thể A.30 gần đây nhất được ghi nhận hồi tháng 5, tháng 6. Theo mạng lưới theo dõi biến thể GISAID, trên thế giới mới chỉ ghi nhận 5 ca nhiễm biến thể A.30 ở Angola, Thuỵ Điển, Anh.
Giáo sư Francois Balloux, chuyên gia Khoa Di truyền của Đại học London (Anh) cho rằng biến thể này có khả năng đã “tuyệt chủng”. Dù vậy, theo Markus Hoffmann - một trong những tác giả của nghiên cứu về biến thể A.30, không loại trừ khả năng biến thể này đã xuất hiện ở một số nơi khác nhưng không bị phát hiện vì năng lực giải trình tự gien hạn chế.
Hoffmann nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của biến thể kháng vắc xin không đồng nghĩa với việc vắc xin mất tác dụng. “Tiêm phòng vẫn là cách tốt nhất để chống lại đại dịch”, theo Hoffmann.
“Số ca bệnh đột phá (đã tiêm chủng nhưng vẫn nhiễm bệnh - PV) có thể tăng lên với biến thể này, nhưng vắc xin vẫn sẽ giúp bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng/bệnh nặng”, Hoffmann nói.
Trong một diễn biến liên quan, Singapore ngày 26/10 đã phát hiện ca bệnh đầu tiên nhiễm biến thể AY.4.2 - dòng phụ của biến thể Delta, được cho là có khả năng lây lan cao hơn 10% so với Delta. Bệnh nhân là người nhập cảnh Singapore nên hiện chưa có bằng chứng về nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Nghiên cứu mới còn chỉ ra rằng, khẩu trang y tế và khẩu trang vải có thể làm giảm lượng virus SARS-CoV-2 từ người bệnh...
Nguồn: [Link nguồn]