Biển Đông: 'Vũ khí bí mật' Philippines dùng đối phó TQ xâm lấn là sĩ quan nữ?
Chính quyền Philippines cho rằng giọng của các nữ sĩ quan sẽ nhẹ nhàng và ít gây căng thẳng hơn giọng nam nếu cho đọc thông báo xua đuổi tàu bè xâm phạm chủ quyền nước này.
Tờ South China Morning Post ngày 29-6 đưa tin 81 nữ sĩ quan thuộc lực lượng cảnh sát biển Philippines (PCG) vừa hoàn thành xong khoá huấn luyện sử dụng thiết bị liên lạc vô tuyến điện trên biển.
Khóa học đặc biệt này có tên "Angles of Sea" (tạm dịch: Thiên thần biển khơi) dài kéo dài hai tuần. Các học viên ngoài được hướng dẫn sử dụng thiết bị liên lạc còn được đào tạo thêm các kiến thức về luật biển của Philippines, các quy định liên quan an toàn hàng hải và an ninh trên biển.
Các sĩ quan này thời gian tới sẽ tham gia các chuyến tuần tra định kỳ trên biển và đọc các thông điệp xua đuổi tàu Trung Quốc cũng như tàu nước khác xâm phạm vùng biển Philippines.
Các nữ sĩ quan cảnh sát biển Philippines biểu diễn thao tác với thiết bị liên lạc vô tuyến điện ngày 28-6. Ảnh: PCG
Trên thực tế, một số người hiện cũng đã lên tàu tuần tra và đang thực hiện các cuộc diễn tập ở một số vùng biển bao gồm Biển Đông.
Theo Phó đô đốc PCG - ông Leopoldo Laroya, việc để các sĩ quan nữ đọc thông điệp xua đuổi tàu bè nước ngoài xâm lấn được kỳ vọng là "sẽ lay động những kẻ xâm lấn" vì giọng của họ sẽ nhẹ nhàng, gợi lại "hình ảnh người vợ hay người mẹ trong văn hoá châu Á".
"Chúng tôi nhận ra để các nữ sĩ quan trực vô tuyến điện trên tàu tuần duyên và các đơn vị trên bờ là việc làm vô cùng quan trọng. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc giao tiếp với các tàu nước ngoài, hạn chế gia tăng căng thẳng", ông Laroya giải thích thêm.
Quan chức này còn tuyên bố các nữ quan Philippines sẽ trở thành tiếng nói của "trật tự và hòa bình trên biển tại các vùng biển nhạy cảm", ám chỉ những nơi đang tranh chấp với Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực.
Dù vậy, sáng kiến mới của giới lãnh đạo PCG cũng bị chỉ trích là cổ xuý việc đưa phụ nữ vào khuôn mẫu lạc hậu, từ đó giới hạn vai trò và đóng góp của họ trong xã hội.
"Nếu như mục tiêu là để giảm áp lực và căng thẳng cho những người gặp tai nạn ngoài biển thì sẽ có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu mục tiêu là hạn chế việc tàu thuyền nước ngoài xâm lấn vùng biển Philippines thì tôi nghĩ nó không hiệu quả. Cái cần làm là chính phủ phải đưa ra một chính sách ngoại giao rõ ràng và cứng rắn hơn" - TS Sylvia Estrada-Claudio thuộc ĐH Philippines chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Giới chuyên gia cho rằng biển Đông đang đối mặt cuộc khủng hoảng khai thác thủy sản quá mức với sự hiện diện của...