Biển Đông: Trung Quốc tự ‘sập bẫy’ đường lưỡi bò
Đã có nhiều người, trong đó có cả giới học giả Trung Quốc khuyên Bắc Kinh từ bỏ yêu sách đường lưỡi bò ở Biển Đông nhưng rất khó.
Báo The Straits Times hôm 18-9 dẫn lời chuyên gia quân sự Li Nan, một học giả người Trung Quốc (TQ), hiện là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Đông Á (EAI), nhận định việc từ bỏ yêu sách đường lưỡi bò (đường chín đoạn) ở Biển Đông sẽ giúp Bắc Kinh củng cố sức mạnh mềm và có thêm bạn ở ASEAN.
Học giả Li Nan giải thích thêm: Lực lượng hải cảnh TQ đã thực thi những hoạt động mà họ gọi là “quyền tài phán” của TQ dựa vào yêu sách đường lưỡi bò và chính điều này đã gây ra tất cả mâu thuẫn với các quốc gia ven biển (ở khu vực Đông Nam Á).
Trung Quốc khó từ bỏ đường lưỡi bò
Nhiều thập niên qua, TQ không những không từ bỏ đường lưỡi bò mà còn từng bước leo thang căng thẳng ngày càng cao: Bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo; quân sự hóa các tiền đồn xây dựng tại Biển Đông; đặt tên chính thức cho hàng chục thực thể, thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đồng thời lập ra các quận đảo; thực hiện các hoạt động cấm đánh bắt cá; tiến hành xua đuổi, bắt nạt, đe dọa, thậm chí đâm chìm tàu cá của các nước v.v. Có thể khẳng định: Dù bị lên án và vạch trần những sai trái, trong đó có phán quyết Tòa trọng tài ở Hague (Hà Lan), rất khó có khả năng TQ sẽ chấp nhận từ bỏ yêu sách đường lưỡi bò mà phía sau là tham vọng độc chiếm hầu hết Biển Đông.
Thứ nhất, lập trường, chủ trương, chiến lược và hành động của TQ xuyên suốt nhiều thập niên qua gần như nhất quán, nhắm đến việc biến Biển Đông thành “ao nhà”. Tới nay, chưa có một chỉ dấu nào, ngay cả khi quốc tế ngày càng tạo sức ép với TQ, cho thấy Bắc Kinh từ bỏ đường lưỡi bò. Quan trọng hơn, các (đại) dự án trên biển mà TQ đã và đang triển khai (như các tiền đồn quân sự, các quận đảo) ở Biển Đông cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của TQ. Rất khó có khả năng TQ sẽ đảo ngược những dự án này.
Thứ hai, hoạch định chính sách Biển Đông hiện nay không chỉ nằm trong phạm vi quyết định của các nhà lãnh đạo TQ. Một mặt, đúng như học giả Li Nan giải thích, giả sử lãnh đạo chính phủ TQ chấp nhận từ bỏ đường lưỡi bò thì Quân Giải phóng nhân dân TQ (PLA) cũng sẽ không ủng hộ việc này.
Cảnh sát biển Indonesia theo dõi tàu hải cảnh số hiệu 5204 của TQ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước này hôm 13-9. Ảnh: SCMP
Năm 2020, PLA được phân bổ ngân sách hơn 178 tỉ USD. Ngân sách quốc phòng TQ chỉ đứng sau Mỹ. Giới quân đội TQ luôn hối thúc gia tăng để cạnh tranh ảnh hưởng với Washington tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông. Nếu bỏ đường lưỡi bò, một trong những đơn vị sẽ bị ảnh hưởng lớn là PLA. Sự cạnh tranh trong nội bộ PLA và giữa PLA với các cơ quan khác nằm trong bộ máy TQ trong việc tạo sức ảnh hưởng ở Biển Đông sẽ phá bỏ bất kỳ ý tưởng nào nhắm vào việc từ bỏ đường lưỡi bò.
Song song đó, dư luận và tinh thần dân tộc cực đoan của người TQ cũng sẽ ảnh hưởng đến Bắc Kinh. Bằng việc thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc bằng thông điệp “Biển Đông là do tổ tiên của người TQ để lại”, Bắc Kinh đã trở thành “con tin” của đường lưỡi bò do chính họ lập ra, bất chấp đây là yêu sách có nguồn gốc, nội dung và cơ sở pháp lý vô cùng mơ hồ. Nói “từ bỏ đường lưỡi bò”, lãnh đạo TQ cần một lời giải thích để xoa dịu cơn thịnh nộ của công chúng.
Đây là lúc TQ cần từ bỏ đường chín đoạn. Điều này không ảnh hưởng gì đến lợi ích của họ… Tuy nhiên, lãnh đạo TQ có thể phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các cơ quan như Quân Giải phóng nhân dân TQ (PLA)… Nếu TQ thật sự muốn sửa đổi đường chín đoạn, tôi không nghĩ quân đội TQ sẽ ủng hộ. Chuyên gia LI NAN, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Đông Á (EAI), thuộc ĐH Quốc gia Singapore |
Thế lưỡng nan của Trung Quốc
Thay vì từ bỏ đường lưỡi bò, TQ sẽ tìm cách hợp pháp hóa hoặc chí ít là tạo ra chuyện đã rồi ở Biển Đông. Theo chuyên gia Hoàng Việt (ĐH Luật TP.HCM), có bốn cách giải thích từ giới học giả TQ và quốc tế về nội hàm của đường lưỡi bò: (i) Đường biên giới quốc gia trên biển; (ii) Đường thể hiện liên quan đến lịch sử (quyền lịch sử hoặc vùng nước lịch sử); (iii) Đường thể hiện phân định biển trong tương lai; và (iv) Đường thể hiện yêu sách chủ quyền đối với các đảo và các thực thể bên trong đường này.
Điều đáng nói là hai cách hiểu đầu tiên đã bị phán quyết 2016 bác bỏ, trong khi cách hiểu thứ ba chỉ là cách nói lấp liếm của TQ nhằm xoa dịu dư luận, không trợ giúp cho ý đồ “ngụy trang pháp lý” của TQ. Vậy nên Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy cách hiểu thứ tư, đó là đường lưỡi bò thể hiện yêu sách chủ quyền của TQ với tất cả nhóm đảo và các thực thể bên trong đường này.
Điều này lý giải vì sao TQ thời gian gần đây ít tuyên truyền thuật ngữ “đường lưỡi bò”, thay vào đó thường xuyên nhắc lại thuật ngữ yêu sách Tứ sa hay Nam hải chư đảo. Bản chất vẫn là bốn nhóm thực thể ở Biển Đông mà TQ gọi là quần đảo: Đông Sa (đảo đá Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield).
Các nước ở Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) bác bỏ yêu sách Tứ sa của phía TQ. Tương tự, Mỹ, Úc và mới nhất là liên minh Anh, Pháp, Đức cũng tham gia vào “cuộc chiến công hàm”, bác bỏ yêu sách phi pháp của Bắc Kinh. Quan điểm của cộng đồng quốc tế hiện nay rất rõ ràng: (a) Yêu sách của TQ, dù dưới tên gọi đường lưỡi bò hay Tứ sa, Nam hải chư đảo, v.v. đều trái ngược với tinh thần và nội dung của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); (b) Cách hành xử của TQ ở Biển Đông vừa mang tính bắt nạt, đe dọa các nước khác, vừa gây mất an ninh và phá hủy môi trường sinh thái ở biển; (c) Việc TQ không thừa nhận, không tuân thủ phán quyết 2016 là không thể chấp nhận.
Sau các nước ASEAN, Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, chắc chắn sẽ còn nhiều quốc gia tiếp tục phản ứng đường lưỡi bò của TQ cũng như cách hành xử của nước này ở Biển Đông. Nền tảng chung của thế giới sẽ là luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, điều mà cho đến nay TQ chỉ đứng một mình một chiến tuyến.
Như vậy, TQ theo đuổi đường lưỡi bò suốt nhiều thập niên và bây giờ họ bị rơi vào “cái bẫy” do chính họ đặt ra: Từ bỏ đường lưỡi bò cũng khó, tiếp tục theo đuổi đường lưỡi bò càng là một nhiệm vụ bất khả thi.
Nhiều học giả Trung Quốc bác đường lưỡi bò Trước Li Nan đã từng có nhiều học giả TQ lên tiếng để bày tỏ thái độ phản đối yêu sách đường lưỡi bò của chính phủ nước này. Trong đó có thể kể đến Lý Lệnh Hoa với bài viết “Xung quanh yêu sách đường lưỡi bò và quy định về biên giới trên biển quốc tế” (năm 2005), “Vạch ra ranh giới rõ ràng để có quan hệ tốt với láng giềng” (năm 2011); Trương Quang Nhuệ với bài viết “Vì sao Trung Quốc nên từ bỏ Đường 9 Đoạn?” (Nguyễn Hải Hoành dịch, đăng trên nghiencuuquocte.org năm 2019). Trên một số diễn đàn mạng xã hội tại TQ, nhiều người đồng tình việc TQ cần từ bỏ đường chín đoạn để đạt lợi ích lớn hơn, chính là sự đồng thuận và cơ hội hợp tác từ cộng đồng quốc tế. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được một chiếc bình bằng đồng niên đại 2.000 năm với hình dáng kỳ lạ trong...