Biển Đông: Trung Quốc leo thang, các nước cần đối sách mới
Nếu áp dụng cách tiếp cận song phương với Trung Quốc như Philippines đang làm thì khó có thể buộc Bắc Kinh chấm dứt sự lấn lướt, đe dọa ở biển Đông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc (TQ) đã thừa nhận ông thiếu giải pháp để buộc Bắc Kinh tuân theo phán quyết Tòa Trọng tài, vốn được xem là một chiến thắng pháp lý quan trọng của Manila, theo báo The Straitstimes.
Tiếp cận đơn phương không hiệu quả
Theo ông Duterte, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã nói thẳng với người đồng cấp Philippines rằng “Chúng tôi sẽ không lung lay” lập trường về phán quyết của tòa.
“Họ (TQ) tuyên bố biển Đông là tài sản của họ. Điều tồi tệ nữa là họ tuyên bố (chủ quyền ở biển Đông) dựa vào quyền lịch sử của họ và họ đang kiểm soát mọi thứ ở đây” - ông Duterte nói trong một cuộc họp báo vào hôm thứ Tư 4-9. Chính quyền TQ nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ chấp nhận vai trò của tòa lẫn phán quyết của cơ quan này về vụ Philippines kiện TQ năm 2013. Đồng thời, quan điểm của TQ là “gác tranh chấp cùng khai thác” với Philippines tại biển Đông, mặc dù “đường chín đoạn” và “quyền lịch sử” của TQ hoàn toàn bị xóa sạch sau khi tòa đưa ra phán quyết chính thức vào năm 2016.
Thậm chí phát ngôn viên Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, hôm 30-8 cho biết trước quan điểm cứng rắn của TQ, Philippines sẽ không đề cập đến phán quyết của tòa trong thời gian tới. “Chúng tôi đã nói về (phán quyết biển Đông 2016) rồi. Chúng tôi không muốn lặp lại điều đó” - báo The Inquirer dẫn lời ông Panelo.
Động thái nhượng bộ của chính quyền Duterte là có thể đoán trước. Bởi lẽ Manila dưới thời ông Duterte chọn cách tiếp cận mềm mỏng để đổi lấy lợi ích kinh tế từ TQ. Ngoài ra, Philippines thay vì tiếp cận TQ theo lối đa phương như trước đây (thông qua ASEAN, Tòa Trọng tài, hệ thống Mỹ và đồng minh,…) thì nay chuyển theo đường lối ngoại giao song phương. Điều này khiến Manila giảm sức mặc cả đáng kể trước TQ.
Manila và Bắc Kinh đang tiến hành chủ trương khai thác chung với tỉ lệ tương ứng 60-40, bất chấp TQ không thừa nhận chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của Manila theo quy định Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Dù nội dung chi tiết của thỏa thuận “ăn chia” này chưa được tiết lộ nhưng giới chính trị gia, lập pháp và chuyên gia cảnh báo lợi bất cập hại với Manila.
Quan chức hải quân Mỹ và lực lượng hải quân ASEAN tham gia lễ khai mạc diễn tập chung Mỹ-ASEAN hôm 2-9 tại Thái Lan. Ảnh: AP
Giải pháp đa phương kiểu mới
Không còn nghi ngờ gì nữa, đối trọng TQ phải cần đến sức mạnh quốc tế tổng thể. Thứ nhất, phán quyết của tòa không thể được thực thi nếu thiếu một sức ép toàn diện về chính trị - ngoại giao, kinh tế lẫn quân sự. Để làm điều này, ngay cả Mỹ - nếu đơn phương tiếp cận TQ - cũng sẽ khó có thể thành công. Cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ hiện cho thấy Bắc Kinh vẫn có sức chịu đựng trước các đòn thuế rất mạnh từ Washington. Các chuyến tuần tra tự do hàng hải, tập trận của Mỹ tại biển Đông vẫn chưa “ghè chân” được TQ tiến hành các động thái hung hăng, đe dọa các quốc gia tại khu vực. Mỹ rõ ràng phải triển khai một chiến lược an ninh tổng thể với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành hơn chỉ là Bộ Quốc phòng.
Việt Nam đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam LÊ THỊ THU HẰNG |
Thứ hai, về mặt thực địa vẫn cần một hệ thống nhiều nước tham gia để đối trọng sự gia tăng vũ lực và các chiến lược bán quân sự của TQ. Hệ thống an ninh trước đây của Mỹ vốn là “trục bánh xe và nan hoa” (Mỹ là “trục” còn các đồng minh là “nan hoa”). Tuy nhiên, hiện Washington không chỉ cần các đồng minh tại khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines mà còn phải kết nối các đối tác như Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Việt Nam.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Rand Corporation Rand của Mỹ năm 2019, các quốc gia đồng minh của Mỹ hiện đã tăng cường hợp tác với các nước không phải đồng minh của Washington trong bối cảnh TQ ngày càng mạnh và hung hăng hơn. Các liên kết và hợp tác an ninh giữa Nhật, Úc, Hàn Quốc với Ấn Độ, Indonesia, Malaysia,… dần hình thành. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung tăng cao, Wasington chắc chắn sẽ trở thành chất keo dính hiệu quả trong mối quan hệ giữa các đồng minh Mỹ và các đối tác của Mỹ.
Đây chính là cơ hội của các quốc gia “nhạy cảm” trong mối quan hệ với TQ. Việc tham gia vào các liên minh quân sự theo kiểu ký kết hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ sẽ khiến nhiều quốc gia khu vực trở thành mục tiêu bị TQ tấn công, nhất là ở mặt trận kinh tế. Chính Mỹ nhiều lần nhắc lại quan điểm không để các quốc gia Đông Nam Á phải rơi vào tình thế “chọn Mỹ hay chọn TQ”. Thế nên một liên kết mềm bao gồm hợp tác tình báo, huấn luyện quân đội, pháp lý, kinh tế giữa Indonesia, Malaysia, Việt Nam,… với các đồng minh của Mỹ thông qua sự kết nối của Washington sẽ tạo ra sức mạnh đáng kể, có thể khiến TQ phải “suy nghĩ hai lần” trong các hành động ở biển Đông.
Giải pháp để Mỹ tăng cường sức mạnh khu vực Theo Viện Nghiên cứu Rand Corporation Rand, các chính sách của Mỹ nên chú trọng vào việc thấu hiểu và hỗ trợ các đối tác quan trọng trong khu vực như Indonesia, Philippines, Việt Nam trong việc phát triển mối quan hệ với các nước khác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phù hợp mục tiêu xây dựng năng lực của đối tác do Mỹ đặt ra. Ngoài ra, mối quan hệ Mỹ cùng với Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc với Malaysia nói riêng và ASEAN nói chung cần được ưu tiên thúc đẩy. Dựa vào Sáng kiến An ninh hàng hải 2016, Mỹ có thể xây dựng năng lực của đối tác thông qua hợp tác sâu hơn với các đồng minh lẫn đối tác nhằm tạo ra một chiến lược khu vực giúp giải quyết các vấn đề về tình báo và thực thi luật pháp. HOÀNG PHÚ |
Hôm 4-9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng khẳng định ông "không hài lòng" khi Chủ tịch Trung Quốc Tập...