Biển Đông: Trung Quốc lấn tới, vượt sức chịu đựng các nước

Các hành động của Bắc Kinh tại biển Đông ngày càng ngang ngược, vượt quá ngưỡng chịu đựng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chính quyền Trung Quốc (TQ) đang chọc giận người dân các nước ASEAN trong những ngày gần đây. Hành xử phi pháp của Bắc Kinh đều có tính toán mang màu sắc chiến lược kiểu TQ, với mục tiêu tối thượng là độc chiếm biển Đông, bá quyền ở khu vực, cạnh tranh vị trí dẫn đầu thế giới với Mỹ.

Tuy nhiên, điều mà TQ có thể không ngờ tới chính là sự nổi giận của người dân các nước ASEAN đối với Bắc Kinh ngày càng gia tăng. Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường với chính quyền Tập Cận Bình.

Từ gây hấn Philippines…

Ngày 25-4, báo South China Morning Post đưa tin người dân Philippines dậy sóng khi Đại sứ quán TQ tại thủ đô Manila công bố một video bài hát có nhan đề Iisang Dagat (tạm dịch từ tiếng Philippines: Một biển).

Đại sứ quán TQ tại Philippines đã phát video này trên các trang mạng xã hội hôm 24-4 với tuyên bố “video dành riêng cho những người (Philippines và cả TQ) đã góp phần vào cuộc chiến chống dịch COVID-19, đặc biệt là nhóm chuyên gia y tế TQ đã đến làm việc tại Philippines. Đáng chú ý, lời bài hát có đoạn (tạm dịch): “Bạn và tôi cùng chung một biển. Tôi sẽ không rời xa bạn. Chúng ta có một tương lai tươi sáng chờ đón”. Bài hát này ngay lập tức khiến người dân Philippines tức giận vì cho rằng TQ “giả tạo” khi trên thực địa, TQ hai ngày trước (23-4) cho chĩa súng radar vào tàu hải quân Philippines, ngoài ra còn ngang nhiên lập hai quận đảo trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Làn sóng phẫn nộ tại Philippines có chung quan điểm: Không có chuyện “một biển chung của chúng ta” giữa Manila và Bắc Kinh. TQ không có cơ sở nào để nói rằng vùng biển này là của chung. Thậm chí, người dân còn chỉ trích: Có thể chính phủ Philippines đang dao động trước TQ về biển Đông “nhưng người dân Philippines sẽ tiếp tục chống lại các mối đe dọa về chủ quyền do TQ gây ra”.

Giới quan sát nhận thấy TQ tiếp tục theo đuổi quan điểm “khai thác chung” với Philippines ở vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines tại biển Đông. Năm ngoái, khai thác chung trở thành đề tài sôi động nhất chính trường Manila, khi Tổng thống Rodrigo Duterte có chủ trương bắt tay ăn chia 60/40 với Bắc Kinh kể từ sau chuyến thăm TQ vào cuối tháng 8.

Trái lại, nhiều người trong chính quyền, Quốc hội và các chuyên gia, luật sư… của Philippines đều ngăn cản ông Duterte, thậm chí cảnh báo tổng thống Philippines sẽ vi hiến nếu cho TQ khai thác tài nguyên trong EEZ của mình.

Ngoài ra, người dân Philippines cũng chỉ trích ông Duterte quá “mềm mỏng” khi 22 ngư dân nước này bị tàu TQ đâm chìm và suýt chết, rất may đã được tàu cá Việt Nam (VN) cứu kịp thời. Thậm chí, chiến thắng của Philippines sau phán quyết Tòa Trọng tài 2016 cũng bị chính quyền Duterte “vô hiệu hóa” bằng cách gạt sang một bên, thậm chí “lờ đi” khi bang giao với Bắc Kinh.

Đến quấy rối Malaysia…

Malaysia cũng là một nạn nhân bị TQ quấy rối trong nhiều tháng qua. Vài ngày trước (23-4), Malaysia cũng lên tiếng về thông tin đội tàu địa chất Hải Dương 8 của TQ hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella của Công ty Dầu khí Petronas, Malaysia. Theo hãng tin Reuters, tàu khảo sát của TQ, với sự hộ tống của một tàu cảnh sát biển, tuần qua đã tiến vào EEZ của Malaysia và bắt đầu khảo sát gần nơi tàu West Capella hoạt động.

Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố nước này quyết bảo vệ các lợi ích và quyền lợi của họ ở biển Đông, đồng thời các tranh chấp nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình. Giữa năm ngoái, Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho biết TQ đã có những hành vi quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi thuộc vùng biển Malaysia.

Tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Mahathir Mohamad công bố Khung chính sách đối ngoại của chính phủ mới Malaysia, trong đó khẳng định nước này phản đối quân sự hóa biển Đông. Bộ tài liệu 80 trang với chủ đề “Thay đổi liên tục” đề cập: “Về cơ bản, biển Đông phải là vùng biển của hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải nơi đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần của Tuyên bố khu vực hòa bình, tự do và trung lập (gọi tắt là ZOPFAN). Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN”.

Tuyên bố của chính quyền Mahathir có ba điểm quan trọng: (i) Không liên minh với bên này để chống lại bên kia; (ii) Không chấp nhận sự can thiệp quân sự bất hợp pháp, gây căng thẳng từ bên ngoài vào biển Đông; (iii) Thúc đẩy hợp tác đa phương, thu hút các quốc gia đến biển Đông vì mục tiêu hòa bình như thương mại. Xét về thực tế, TQ không đáp ứng được phần lớn tầm nhìn của Malaysia.

Và đe dọa Việt Nam

Năm ngoái, TQ nhiều lần đưa nhóm tàu địa chất Hải Dương 8 vào thăm dò trái phép trong EEZ và thềm lục địa của VN. Năm nay, TQ đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của VN) vào cuối tháng 3. Chỉ trong đầu tháng 4-2020, TQ thiết lập chính quyền quận đảo, công bố bản cập nhật cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” (tên “chính thức” của khoảng 80 thực thể ở biển Đông), đâm chìm tàu cá của VN ở Hoàng Sa, gửi công hàm chứa nội dung vu khống và bóp méo luật pháp quốc tế lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc…

VN ngay lập tức phản đối gay gắt và khẳng định: Công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý của TQ đối với Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn trái với Công ước Luật Biển năm 1982. VN đã lưu hành công hàm tại Liên Hiệp Quốc để bác bỏ các yêu sách này. Ngoài ra, lập trường nhất quán của VN là mạnh mẽ phản đối cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN… Các hành vi của TQ thời gian qua không có giá trị và không được công nhận; không có lợi ích cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình biển Đông, khu vực và thế giới.

Hợp tác ASEAN với Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ có thể bao gồm: Hợp tác kinh tế tránh phụ thuộc TQ; trừng phạt kinh tế cá nhân, tổ chức phạm pháp ở biển Đông; tuần tra chung, giám sát hoạt động khai thác hải sản; tập huấn và chia sẻ thông tin tình báo trên biển; chia sẻ hiểu biết chung về mối đe dọa TQ. 

“Cọng rơm cuối cùng”

Có một câu thành ngữ nổi tiếng: “The last straw will break the camel’s back” (tạm dịch: Cọng rơm cuối sẽ làm gãy lưng con lạc đà). Nhìn vào TQ ở biển Đông, có thể hiểu: Chuỗi hành xử gây rối, bắt nạt, đe dọa mà TQ thực hiện nhiều năm qua có thể khiến các nước biển Đông không thể tiếp tục chấp nhận.

TQ luôn tiến hành các động thái “tằm ăn dâu”, đi từng bước nhỏ trong phạm vi “vùng xám” - vừa đủ để chiếm được từng tấc ngắn trên biển, vừa đủ để các nước trong (và ngoài khu vực) không tức giận đến mức xung đột với TQ. Tuy nhiên, “cọng rơm cuối” - dù vẫn nhẹ như hàng ngàn cọng rơm trước đó nhưng có thể vượt quá sức chịu đựng của các nước ASEAN.

Trên thực tế, điều đó đang diễn ra. TQ gây hấn với các nước ở biển Đông cũng nhằm mục đích tạo áp lực, chiếm ưu thế trên bàn đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ tạo hiệu ứng ngược. Việc đàm phán COC không chỉ là chuyện của giới tinh hoa, mà phía sau còn là sự theo dõi của hàng triệu người dân, vốn đã quá rành các “nước cờ” nguy hiểm của TQ.

Các hành xử gần đây càng khiến người dân Philippines, Malaysia, Việt Nam… bức xúc và gửi gắm những thông điệp chính trị quan trọng lên các nhà ngoại giao đàm phán COC với TQ. Kết hợp với các làn sóng phẫn nộ rộng rãi của cộng đồng các quốc gia ASEAN trên giới truyền thông hiện nay, chắc chắn TQ sẽ gặp cản trở từ người dân lẫn chính quyền các nước trong thời gian tới.

Thúc đẩy hợp tác ASEAN mở rộng

Các hành xử của TQ có thể thôi thúc các nước ASEAN tìm đến các nước thứ ba, nhất là Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và cả châu Âu để gia tăng sức đối trọng. Quan trọng hơn, các nước lớn cũng dần nhận ra mối đe dọa chung đến từ TQ. Vậy nên, hợp tác ASEAN - các nước thứ ba là một nhu cầu hai chiều. Điều này sẽ khiến chính quyền Bắc Kinh vô cùng lo lắng.

TQ theo đuổi COC với ý đồ cô lập từng quốc gia ở biển Đông, chia nhỏ biển Đông để quản lý và đẩy các nước bên ngoài ra xa vùng biển này. Tuy nhiên, tới đây, ASEAN có thể sẽ chuyển đi các thông điệp hợp tác đến các nước bên ngoài. Không quan trọng mối quan hệ là “đồng minh” hay “đối tác”, chỉ cần các nước ngồi lại cùng nhau thúc đẩy các giá trị thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, bảo vệ môi trường biển… thì TQ chắc chắn sẽ bị “ghè chân”. 

Chiến lược răn đe tập thể sẽ 'ghè chân' Trung Quốc ở biển Đông

Việc các nhóm nước cùng ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc có thể tạo ra một hiệu ứng lớn khiến uy tín Bắc Kinh suy giảm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỖ THIỆN ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN