Biển Đông: Trung Quốc đừng mong dùng ‘cơ bắp’ dọa nước khác
Dù cải cách quân đội nhiều năm qua nhưng thay vì sử dụng cho mục đích chính nghĩa, Bắc Kinh đang chuyển đi các thông điệp mang tính đe dọa ở biển Đông.
Báo South China Morning Post tối 27-4 đưa tin Trung Quốc (TQ) đang tiến hành các động thái nhằm gia tăng sức mạnh Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân TQ (gọi tắt là vũ cảnh, viết tắt là PAP). Theo đó, các nhà chức trách TQ đã trình lên Quốc hội một dự luật sửa đổi với đề xuất về cơ chế chỉ huy PAP và trang bị cho đơn vị này thêm nguồn lực.
Song song đó, Bắc Kinh cũng muốn thông qua dự luật nhằm tăng cường vai trò lực lượng hải cảnh TQ đối với việc thực thi các quy định của luật pháp hàng hải. Dự thảo luật cũng quy định rõ ràng về việc chế tài bất kỳ ai cản trở các nhân viên vũ cảnh thực thi công vụ. Động thái này diễn ra khi những căng thẳng ở biển Đông gần đây gia tăng do các bước leo thang đơn phương, phạm pháp từ chính quyền Bắc Kinh.
Tập trung quyền lực đảng chỉ huy quân đội
Đây không phải lần đầu TQ thay đổi việc quản lý lực lượng vũ cảnh (được thành lập vào năm 1983). Trước năm 2018, vũ cảnh trực thuộc sự quản lý của Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Cộng sản TQ (gọi tắt là quân ủy trung ương) và Quốc vụ viện TQ (tức là chính phủ, đứng đầu là thủ tướng).
Theo South China Morning Post, lực lượng vũ cảnh có khoảng 1,5 triệu nhân viên theo kiểu bán vũ trang, trong đó có lực lượng hải cảnh. Việc chính phủ có quyền chỉ đạo vũ cảnh cho phép các cơ quan địa phương của TQ có thể điều động PAP tham gia nhiều hoạt động, như đảm bảo an ninh nội địa, chống chọi thiên tai, kiểm soát bạo loạn, chống khủng bố, thực thi pháp luật và bảo vệ quyền hàng hải.
Từ tháng 1-2018, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền năm năm, PAP chỉ còn đặt dưới quyền kiểm soát của quân ủy trung ương. Truyền thông nhà nước TQ và giới quan sát nhận định Bắc Kinh muốn tăng cường quyền chỉ huy tuyệt đối của Đảng Cộng sản TQ với quân đội và các lực lượng vũ trang khác. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc tập trung quyền lực lãnh đạo quân đội là nhằm đảm bảo chính quyền địa phương không lạm dụng PAP cho quyền lợi cá nhân.
Trong dự luật sửa đổi năm 2020 lần này, Bắc Kinh tiếp tục củng cố quyền lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản TQ. Theo đó, ngoài quân ủy trung ương thì Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản TQ cũng sẽ trực tiếp chỉ huy PAP. Cả hai cơ quan quyền lực này đều nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Theo dự luật, PAP sẽ tham gia các nhiệm vụ: Ứng phó các chương trình cứu hộ khẩn cấp cũng như các cuộc tấn công khủng bố. Ngoài ra, dự luật cũng hướng dẫn việc bảo vệ quyền lợi, thực thi pháp luật, phòng thủ và chiến đấu trên biển, trong đó đề ra các kịch bản xung đột vũ trang.
Mục tiêu của Trung Quốc là gì?
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, TQ phát triển quân đội nói chung và PAP nói riêng đều có ý nhắm vào biển Đông. Bằng tuyên bố tăng đầu tư cho PAP, Bắc Kinh muốn bắn đi thông điệp sẽ không từ bỏ và “chơi cứng” ở biển Đông.
Tuy nhiên, rất ít ai cho rằng TQ cải cách quân đội để phát động một cuộc xung đột vũ trang trên biển. Một cuộc chiến vũ trang đúng nghĩa dù trong trung hay dài hạn đều sẽ khiến TQ trả giá. Uy tín TQ sẽ suy giảm trầm trọng, kèm theo là sự quay lưng của phần còn lại của thế giới. Điều đó đồng nghĩa TQ sẽ mất đi các thị trường màu mỡ, các nhà đầu tư lớn, chịu trừng phạt kinh tế… Thực tế đã có những doanh nghiệp rời xa TQ vô thời hạn bởi cách hành xử của Bắc Kinh không tạo ra sự an tâm cho nhà đầu tư.
Như vậy, TQ muốn dùng quân đội để “thị uy” và tiến hành các va chạm cục bộ nằm trong phạm vi “vùng xám” (vùng không chiến tranh). Với sự hiện diện của quân đội và lực lượng bán vũ trang trên biển, TQ muốn: (i) Đánh vào tâm lý tàu thuyền các nước, buộc họ tự bỏ cuộc; và (ii) “chực chờ thời cơ” để tiếp tục xâm lấn từng chút một, miễn là các nước để lộ sơ hở, tạo khoảng trống đủ lớn.
Những ví dụ điển hình về trò “thừa nước đục thả câu” có thể kể đến: TQ dùng vũ lực chiếm đóng trái phép phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956; phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa năm 1974; một số thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và năm 1995. Gần nhất, TQ chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012 từ tay Philippines. Ngoài yếu tố TQ có ý đồ và đã chuẩn bị, dàn xếp kỹ lưỡng từ trước thì cũng cần rút ra bài học rằng các thời điểm TQ “ra tay” đều là lúc các nước gặp khó khăn.
TQ không ngừng tìm cách hiện đại hóa quân đội. Ngân sách quốc phòng TQ tăng liên tục trong những năm qua, gần nhất là năm 2019 (tăng 7,5% so với năm trước), đạt 177,49 tỉ USD. Con số này của các năm 2016, 2017 và 2018 liên tục tăng tối thiểu 7%. |
Không dọa được các nước
Tin buồn cho Bắc Kinh: Cho đến nay chưa có chỉ dấu nào cho thấy các quốc gia khác lo sợ quân đội TQ trên biển, ngoại trừ các phát ngôn rất tranh cãi của Tổng thống Philippines đương nhiệm Rodrigo Duterte vào năm ngoái. Ngay cả chính quyền Duterte trước sức ép ngày càng lớn của dư luận cũng phải có những thái độ phản kháng trước các động thái phạm pháp của Bắc Kinh.
Việc TQ gia tăng “cơ bắp” ở biển Đông chỉ làm các nước láng giềng vừa tự thân gia tăng năng lực quốc phòng, vừa phối hợp với nhau và với các nước bên ngoài (Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ và EU) để chống lại TQ. Quan hệ các nước ASEAN và Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc hay Ấn Độ thời gian qua trở nên gần gũi hơn, mở ra nhiều hướng hợp tác hơn. Một phần trong những động lực chính là các nước (bắt đầu) cùng nhận diện mối đe dọa từ TQ - một cường quốc bị cho là vô trách nhiệm trong mùa dịch, gây rối trên biển dù rằng đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Các vụ va chạm gần đây ở biển Đông cho thấy cái giá TQ phải trả khi lạm dụng “cơ bắp”. Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam đầu tháng 4-2020, phía Việt Nam chỉ trích, yêu cầu TQ điều tra vụ việc và bồi thường. Ngay lập tức, nhiều nước khác cũng lên tiếng như Mỹ, Úc, Philippines. Mỹ và Úc đưa tàu chiến vào tập trận ở biển Đông, thách thức hành động phạm pháp của Bắc Kinh. Hình ảnh TQ càng trở nên xấu xí trên giới truyền thông quốc tế khi các chỉ trích nhằm vào cáo buộc “Bắc Kinh vô trách nhiệm, lợi dụng đại dịch để lấn chiếm biển Đông”.
TQ kỳ vọng “ngoại giao y tế” sẽ khuếch trương hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm trong bối cảnh Mỹ ngừng viện trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, “ngoại giao y tế” cũng thất bại. Nhiều nước từ chối nhận sự giúp đỡ từ TQ. Một phần vì chất lượng hàng viện trợ từ TQ kém. Phần còn lại là vì họ nhận ra TQ có ý đồ chính trị. Đó là tìm kiếm sự ủng hộ đối với những động thái phạm pháp ở biển Đông, như lập ra hai quận đảo trực thuộc cái gọi là “TP Tam Sa”; đơn phương cập nhật “danh xưng tiêu chuẩn” (tên chính thức) của 80 thực thể ở biển Đông; gửi các công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bảo vệ yêu sách “Tứ Sa” với bản chất là đường lưỡi bò chiếm hơn 90% biển Đông - vốn đã trở nên vô lý sau phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.
Giữa đại dịch, Mỹ vẫn đối phó được Trung Quốc Tờ Thời Báo Hoàn Cầu trực thuộc Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản TQ, mới đây có bài xã luận cho rằng các diễn biến (về đại dịch tấn công vào quân đội Mỹ) đã cho thấy hải quân Mỹ suy yếu. Báo này nhận định: Mỹ không còn nhóm tác chiến tàu sân bay nào đủ khả năng hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vậy nên khả năng phát động chiến tranh của Mỹ đã suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, tờ The Washington Examiner của Mỹ đã bác thông điệp trên. Theo đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry Truman vẫn đang hoạt động ở bắc Đại Tây Dương và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight Eisenhower vẫn đang hiện diện ở biển Ả Rập. Ngoài ra, việc tàu tấn công đổ bộ USS America vẫn đang triển khai phối hợp với máy bay chiến đấu F-35B chứng tỏ sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn không hề suy giảm so với trước đây. Báo Mỹ cũng khẳng định tàu sân bay Liêu Ninh hoàn toàn không thể thị uy các nước xung quanh. Ngoài ra, máy bay do thám của hải quân và không quân Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động quân sự của TQ trên biển Đông. Hàng chục tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và 31 tàu ngầm tấn công đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương sẵn sàng chờ lệnh điều động. Ngoài ra, tàu ngầm Mỹ có thể dùng ngư lôi Mark-48 thế hệ mới tấn công tàu Liêu Ninh. VĨ CƯỜNG |
Nguồn: [Link nguồn]
Việc các nhóm nước cùng ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc có thể tạo ra một hiệu ứng lớn khiến uy tín Bắc Kinh suy giảm...