Biển Đông: Trung Quốc càng thất hứa càng thất bại

Cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông đang đẩy nước này vào thế “nước lớn nhưng thất hứa”, thiếu trách nhiệm dẫn đến uy tín quốc gia bị suy yếu.

Hôm 27-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus lên án Trung Quốc (TQ) thất hứa ở Biển Đông. Trang web Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải phát ngôn của bà Ortagus với tựa đề “Những lời hứa suông của TQ ở Biển Đông”.

Trung Quốc hứa suông

Bà Ortagus nhắc lại cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối tháng 9-2015 tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng. Khi đó, ông Tập nói với báo chí rằng “TQ không hề có ý định quân sự hóa” ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đồng thời Bắc Kinh cũng không sử dụng các tiền đồn ở Biển Đông để “nhắm vào hoặc gây ảnh hưởng đối với bất kỳ quốc gia nào”.

Những gì TQ đã làm hoàn toàn không như những gì Bắc Kinh đã hứa hẹn. “TQ đã quân sự hóa các tiền đồn (mà họ chiếm trái phép) ở khu vực tranh chấp một cách liều lĩnh và khiêu khích. TQ cũng đã triển khai nhiều tên lửa hành trình chống tàu, tăng cường radar quân sự và gia tăng năng lực phát tín hiệu tình báo, dựng lên hàng chục đồn chứa máy bay, xây dựng nhiều đường băng phục vụ cho máy bay chiến đấu” - bà Ortagus nói.

Nói về động cơ của Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng TQ đã sử dụng các tiền đồn quân sự trái phép ở Biển Đông để làm phương tiện nhằm bắt nạt các nước láng giềng, hỗ trợ cho sự kiểm soát phi pháp của họ tại các vùng biển mà TQ có yêu sách vốn không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cụ thể, Bắc Kinh sử dụng các tiền đồn ở Biển Đông để làm bến bãi cho hàng trăm tàu dân quân (tàu quân sự núp bóng dân sự), tàu hải cảnh - những đối tượng mà TQ dùng để đe dọa, bắt nạt, cản trở hoạt động hợp pháp của các nước (như đánh bắt cá, khai thác dầu khí). “TQ không hề tôn trọng lời hứa hay cam kết của họ” - bà Ortagus kết luận.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức tới thủ đô Naypyidaw của Myanmar hồi tháng 1-2020. Ảnh: AP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức tới thủ đô Naypyidaw của Myanmar hồi tháng 1-2020. Ảnh: AP

Kêu gọi cộng đồng quốc tế vào cuộc

Cũng theo nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, trong vài tháng trở lại đây, thế giới chứng kiến các sự kiện “chưa có tiền lệ”: Các quốc gia lần lượt chính thức đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) để phản đối yêu sách bất hợp pháp của TQ ở Biển Đông. Dù không kể tên cụ thể nhưng nhận định của bà Ortagus gợi nhắc lại việc Mỹ, sau đó đến Úc, một số quốc gia Đông Nam Á, và mới nhất là liên minh ba nước Anh - Pháp - Đức công khai phản đối Bắc Kinh ở LHQ. Giới quan sát gọi đây là “cuộc chiến công hàm”.

Nhìn chung, Mỹ và các quốc gia (kể cả các nước Đông Nam Á) gần như có quan điểm tương đồng với nhau: (i) Bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của TQ vì không có cơ sở pháp lý; (ii) Đề nghị Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài tại Hague (Hà Lan) năm 2016 vụ Philippines kiện TQ; (iii) Kêu gọi TQ (và các bên liên quan) cùng lấy Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để làm cơ sở pháp lý, giải thích các vấn đề liên quan đến Biển Đông; và (iv) Yêu cầu TQ chấm dứt cách hành xử hung hăng, đe dọa.

Sau khi Anh, Pháp, Đức gửi công hàm phản đối TQ ở LHQ, nhiều chuyên gia nhận định uy tín của TQ đã suy giảm trầm trọng vì bộ ba này được xem là trụ cột của châu Âu, đại diện cho chính sách đối ngoại của khối “lục địa già”.

Trước nay EU chưa từng bày tỏ quan điểm của họ về yêu sách của TQ. Việc Anh, Pháp, Đức công khai chống lại TQ ở LHQ dự báo EU sẽ gia tăng can dự Biển Đông thời gian tới. Bên cạnh đó, tình thế này còn đặt TQ vào thế khó khi các lợi ích kinh tế của TQ ở châu Âu có thể sẽ bị ảnh hưởng liên đới, ví dụ việc triển khai hệ thống 5G vốn đang tạo ra làn sóng tranh cãi dữ dội tại EU. Quan trọng không kém, việc Mỹ, EU, Úc cùng lên tiếng chống TQ sẽ tạo ra động lực để các quốc gia khác cùng tham gia, khiến uy tín TQ càng sụt giảm.

“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế không ngừng thúc đẩy sự phản đối với cách hành xử nguy hiểm và không thể chấp nhận (của TQ), đồng thời cần phải làm rõ với TQ rằng họ phải chịu trách nhiệm. Mỹ sẽ tiếp tục đứng về phía các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á để chống lại những nỗ lực bắt nạt của TQ hòng chiếm ưu thế ở Biển Đông” - tuyên bố của bà Ortagus trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

Dư âm sau bài phát biểu của tổng thống Philippines tại Liên Hợp Quốc

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo hôm 27-9 đã ca ngợi Tổng thống Rodrigo Duterte vì đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ khẳng định chiến thắng của Manila trước Bắc Kinh sau phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016. “Đó là một bài phát biểu tuyệt vời” - bà Robredo nói trên tờ ABS-CBN. Nữ phó tổng thống cho biết bà rất hài lòng vì Tổng thống Duterte đã khẳng định được yêu sách của Philippines qua phán quyết của tòa, điều mà người dân Philippines đã chờ đợi từ năm 2016.

“Khi chúng ta chiến thắng từ phán quyết của Tòa Trọng tài, chúng ta đã chờ đợi tổng thống (Duterte) đưa ra tuyên bố chính thức rằng phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế. Phán quyết ấy không thể được đưa ra để thỏa hiệp. Phán quyết ấy không thể được đưa ra để đàm phán” - bà Robredo nói. Nữ phó tổng thống cho biết thêm bà kỳ vọng chính quyền Tổng thống Duterte sẽ giữ cam kết của mình, đồng thời viện dẫn bài học từ các nước khác, trong đó có Indonesia. Theo bà Robredo, dù mối quan hệ của các nước như Indonesia với TQ trở nên xấu đi vì tranh chấp ở Biển Đông nhưng không vì vậy mà các bên xảy ra chiến tranh và càng không vì vậy mà họ chấp nhận sự xâm phạm của TQ với chủ quyền của họ. 

Nguồn: [Link nguồn]

Biển Đông: Tổng thống Philippines bất ngờ quay lại thân thiết với Trung Quốc?

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định phán quyết của Tòa án Trọng tài năm 2016, bác bỏ yêu sách chủ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỒNG VĂN ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN