Biển Đông: TQ thử nghiệm thiết bị phát hiện 'sóng nội' - mối nguy cho tàu ngầm

Giới khoa học TQ đã thử nghiệm thiết bị giám sát ở Biển Đông có thể cải thiện khả năng phát hiện các dòng sóng nội, được cho là mối nguy hiểm lớn với tàu ngầm.

Tờ South China Morning Post ngày 12-10 đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã thử nghiệm một thiết bị giám sát ở Biển Đông có thể cải thiện khả năng phát hiện các dòng sóng nội, vốn được cho là mối nguy hiểm lớn đối với tàu ngầm.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Earth Science Frontiers hôm 9-10, các nhà nghiên cứu cho biết cảm biến nặng 1,4 tấn có thể hoạt động dưới đáy biển trong nhiều tuần và trên bề mặt để phản ứng với tín hiệu từ tàu mẹ.

Biển Đông: TQ thử nghiệm thiết bị phát hiện 'sóng nội' - mối nguy cho tàu ngầm. Ảnh: EARTH SCIENCE FRONTIERS

Biển Đông: TQ thử nghiệm thiết bị phát hiện 'sóng nội' - mối nguy cho tàu ngầm. Ảnh: EARTH SCIENCE FRONTIERS

Thiết bị phát hiện sóng nội

“[Các cảm biến sẽ thu thập] một lượng lớn dữ liệu ngay tại khu vực, vốn có tính cấp bách nhằm làm rõ thêm cơ chế của các sóng nội ở đáy biển” - Giáo sư Jia Yonggang và các đồng nghiệp thuộc ĐH Hải dương Trung Quốc cho biết trong bài báo.

Theo bài báo, các dòng chảy dưới nước - được gọi là sóng nội (internal solitary waves) - là một mối nguy hiểm nghiêm trọng ở Biển Đông.

Sóng nội được tạo ra khi các vùng nước có mật độ khác nhau chảy qua các vật cản dưới đáy đại dương như sườn núi và tạo ra nhiễu động.

Một số con sóng nội có thể kéo dài hơn 100 km và nhanh chóng kéo tàu ngầm xuống độ sâu đủ để bị nghiền nát, theo các nghiên cứu khác nhau.

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc nhận thấy rằng sóng nội không chỉ đe dọa trực tiếp các hoạt động hải quân mà còn có thể gây ra những thay đổi bất ngờ đối với địa hình bên dưới bề mặt, chẳng hạn chặn các kênh hoặc tạo ra một cồn cát.

Theo bài báo, Trung Quốc đã xây dựng một trong những mạng lưới giám sát đại dương lớn nhất thế giới ở Biển Đông, nhưng các phao nổi có thể bị hỏng.

Các nhà nghiên cứu cho biết thiết bị mới này có thể hoạt động dưới đáy biển trong nhiều tuần, phát hiện thông tin sớm hơn và ở phạm vi lớn hơn.

Ông Jia và nhóm nghiên cứu cho biết dữ liệu này sẽ giúp các nhà nghiên cứu tạo ra các mô hình chính xác hơn để dự đoán sự hình thành, lan truyền và sức mạnh của các làn sóng nội trong vùng biển.

Trong bài báo, các nhà nghiên cứu cho biết đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm thực địa thiết bị này ở Biển Đông vào năm 2020, thả thiết bị này xuống đáy biển ở độ sâu khoảng 600 mét và 1.400 mét.

Một vụ rò rỉ đã làm hỏng một trong những bộ pin trên thiết bị, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết họ vẫn có thể thu thập đủ dữ liệu.

Mối nguy hiểm với tàu ngầm

Theo bài báo, thành phần chính của thiết bị này là một bộ định dạng dòng điện Doppler âm thanh do Teledyne RD Instruments - một công ty của Mỹ cũng cung cấp phần cứng tương tự cho Hải quân Mỹ - sản xuất.

Teledyne Benthos - một nhà thầu quốc phòng khác của Mỹ - đã cung cấp phao thủy tinh, theo bài báo. Các thành phần khác của thiết bị có nguồn gốc từ Đức, Na Uy và Canada.

Thành phần duy nhất được sản xuất tại Trung Quốc được nêu trong bài báo là một máy ảnh dưới nước được lắp ráp tại một phòng thí nghiệm ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây.

Tàu ngầm của hải quân Mỹ. Ảnh: SCMP

Tàu ngầm của hải quân Mỹ. Ảnh: SCMP

Hồi tháng 4, một tàu ngầm của hải quân Indonesia đã gặp nạn khi đang huấn luyện ở vùng biển bắc Bali, khiến hơn 50 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Mặc dù sự cố vẫn đang được điều tra, các quan chức Hải quân Indonesia cho rằng thảm họa có thể do sóng nội gây ra.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy đã xuất hiện một làn sóng nội trong khu vực khi thảm kịch xảy ra.

Trong khi đó, quân đội Mỹ vào tuần trước cho biết tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của nước này đã bị hư hại sau khi va phải một “vật thể không xác định” ở Biển Đông, buộc phải nổi và quay về đảo Guam.

Giới chức trách Mỹ không đưa ra thông tin chi tiết về vụ va chạm, song một số nhà quan sát cho rằng vụ việc rất bất thường vì tàu ngầm tấn công lớp Seawolf được trang bị các thiết bị định vị và cảm biến tối tân.

Một nhà khoa học hải dương ở Bắc Kinh cho biết Trung Quốc, Mỹ và một số nước khác đã thả số lượng lớn thiết bị giám sát ở Biển Đông, nhưng khả năng chúng va chạm với tàu ngầm là cực kỳ thấp vì vùng biển này rất rộng lớn.

“Đó có thể là một vấn đề liên quan bản đồ của họ” - nhà khoa học nói thêm.

Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ công bố thêm thông tin chi tiết về vụ việc.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ đâm vào vật thể bí ẩn ở Biển Đông: TQ nói gì?

Trung Quốc đã đưa ra đề nghị với Mỹ và các nước liên quan tới vụ tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Connecticut đâm phải vật...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÒA ĐẶNG ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN